Những cuộc biểu tình rầm rộ của hàng trăm ngàn người Ai Cập kéo dài nhiều tháng cuối cùng cũng đạt được mục đích là lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak. Thế nhưng, thành công này chưa hẳn đã đưa Ai Cập sang trang lịch sử mới hòa bình hơn, dân chủ hơn. Bằng chứng là những cuộc xung đột sắc tộc và tôn giáo thời kỳ hậu Mubarak ngày càng gia tăng.
Trong những tháng vừa qua, người ta chứng kiến vô số vụ đụng độ giữa những người cực đoan thuộc Hồi giáo và Thiên Chúa giáo làm hàng chục người chết và hàng trăm người bị thương. Những người theo Thiên Chúa giáo, chiếm 10% dân số Ai Cập, giờ đây cảm thấy lo ngại trước cộng đồng Hồi giáo. Đã có ít nhất 3 nhà thờ bị đốt trong các cuộc bạo động. Điều này hầu như không bao giờ xảy ra khi ông Mubarak còn cầm quyền.
Nếu như tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) đóng vai trò quan trọng trong việc lật đổ ông Mubarak thì chính tổ chức này đang gây lo ngại cho những người ôn hòa. Nhiều báo Ai Cập cho rằng MB đứng sau các cuộc bạo động tôn giáo chống lại người Thiên Chúa giáo.
Tờ báo Anh The Guardian cho biết, những nhà hoạt động và cánh tả của Ai Cập sẽ tổ chức một cuộc biểu tình lớn với hàng triệu người tham gia vào ngày 8-7 tại quảng trường Tahrir đòi hoãn cuộc bầu cử vào tháng 9 với dự báo là MB sẽ giành thắng lợi áp đảo. Những người tổ chức biểu tình lo ngại Ai Cập sẽ rơi vào khuynh hướng Hồi giáo cực đoan nếu MB lên cầm quyền và sửa đổi hiến pháp theo đó trao nhiều quyền hơn cho các tổ chức Hồi giáo. Ngay cả những người Hồi giáo ôn hòa và nhiều lực lượng khác cũng tỏ ra lo ngại về khả năng MB tiếm quyền cũng không khác gì như ông Mubarak trước đây.
Các nhà phân tích Ai Cập cho rằng thành quả của cuộc cách mạng lật đổ ông Mubarak không phải của riêng MB. Nhiều tổ chức khác cho biết họ cần có thêm thời gian để tổ chức đảng phái và nên hoãn bầu cử. Một số khác lo ngại MB sẽ đưa Ai Cập thành nhà nước Hồi giáo đã kêu gọi đưa điều khoản bảo vệ các đảng phái chính trị vào hiến pháp.
Sẽ thật không công bằng khi đòi hỏi Ai Cập sớm ổn định và phát triển khi mà công việc bầu cử và soạn thảo hiến pháp mới còn đang tiến hành, song đã có nhiều nhà phân tích cho rằng, mục đích của cuộc cách mạng tại Ai Cập là cải cách kinh tế và đổi mới không khí chính trị chứ không phải chỉ để lật đổ ông Mubarak.
Theo nhà văn kỳ cựu của Ai Cập, ông Fahmi Heweidi, các nhà chính trị ở Ai Cập hiện nay hầu như chỉ muốn lôi kéo công chúng vào việc thảo luận hiến pháp và đoán xem ai là tổng thống sắp tới hơn là chú ý đến đời sống của người dân, nhất là người nghèo. Theo ông, cuộc chiến chống đói nghèo nên là ưu tiên hàng đầu đối với Ai Cập hiện nay.
Theo các cuộc thăm dò gần đây, đa số những người dân từng vui mừng trước việc nội các của Thủ tướng Essam Sharaf nhậm chức vào tháng 3 nay cảm thấy thất vọng vì chính phủ của ông này chưa làm gì được cho người nghèo như những lời hứa trước đó. Điều đó giải thích lý do vì sao gần đây liên tục diễn ra các cuộc đình công và phản đối xã hội của những người thất nghiệp đòi công ăn việc làm.
Sau những nụ cười của cuộc cách mạng tháng 2, giờ đây, người dân Ai Cập đang trở lại với cuộc sống thực tế bộn bề lo toan về kinh tế xen lẫn mối lo canh cánh về căng thẳng tôn giáo và tình trạng cát cứ của các đảng phái không thua kém gì Iraq.
KHÁNH MINH