Nữ tiến sĩ vì cộng đồng

Ban điều hành của dự án PAIR (Pandemic Information to Support Rapid Response - Các công cụ chuẩn bị phản ứng nhanh cho đại dịch) do châu Âu tài trợ có sự tham gia của TS Nguyễn Thu Hiền, nhà khoa học lâm sàng cao cấp đang công tác tại Bệnh viện Đại học Đan Mạch.

Đây là dự án lớn với 20 đối tác (14 trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức và 6 công ty) đến từ 10 quốc gia trong châu Âu và Mỹ, tổng kinh phí 7 triệu EUR cho 5 năm thực hiện (2024-2028).

cn8b-1967.jpg
TS Nguyễn Thu Hiền (trái) nhận bằng khen của Bộ Ngoại giao Việt Nam

Cuộc họp khởi động dự án PAIR đã diễn ra vào cuối tháng 1 vừa qua tại Đại học Bách khoa Đan Mạch (DTU). Lần này, phía bệnh viện nơi TS Nguyễn Thu Hiền phụ trách sẽ tham gia phần phát triển công cụ và xác nhận lâm sàng cho công cụ. TS Nguyễn Thu Hiền tâm sự: “Đây là trải nghiệm vô cùng tuyệt vời khi được gặp trực tiếp các đối tác sau hơn một năm chỉ họp trực tuyến cho quá trình chuẩn bị và viết dự án. Tôi đã sẵn sàng cho hành trình 5 năm đồng hành cùng họ”. Điều thú vị là chồng cô, TS Lê Quý Vang, cũng tham gia Ban điều hành của dự án PAIR ở vai trò đứng đầu hai gói công việc liên quan sử dụng số liệu lớn và học máy cho việc phát triển công cụ.

Ngày thường ở TP Aalborg (Đan Mạch) của TS Nguyễn Thu Hiền thường xoay quanh hồ sơ bệnh nhân, nghiên cứu và giảng dạy trong trường đại học. Lấy chồng, lập nghiệp ở nước ngoài với bao công việc bận rộn nhưng Thu Hiền vẫn tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, nhất là dấn thân vào Taskforce Covid-19 hướng về Việt Nam (Nhóm phản ứng nhanh Covid-19 của Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu AVSE Global), bởi điều đầu tiên cô nghĩ đến là phải đóng góp về chuyên môn cho quê hương mình.

Tháng 11-2023, Hiền đảm nhận vai trò host (điều phối) trong buổi tọa đàm “Kinh nghiệm tìm việc sau tiến sĩ ở Đan Mạch” do Hội Chuyên gia và trí thức Việt Nam tại Đan Mạch (AVIDE) tổ chức. Người tham dự là các nghiên cứu sinh Việt Nam được cung cấp nhiều kinh nghiệm thiết thực cho quá trình ứng tuyển công việc trong lĩnh vực học thuật cũng như tại các công ty ở Đan Mạch sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ. Thu Hiền hiện còn là Phó Chủ tịch của AVIDE. Thông qua các hoạt động này, cô cũng hy vọng 2 con của mình giữ được gốc rễ Việt thật sâu và chắc. Mới đây, cô được nhận bằng khen của Bộ Ngoại giao Việt Nam về hoạt động cộng đồng tích cực này.

Tiếp xúc với Thu Hiền, ngoài được nghe những câu chuyện phân tích dữ liệu khoa học chuyên ngành, chúng tôi còn cảm nhận được sự lãng mạn, khả năng quan sát tinh tế cuộc sống cũng như khối cảm xúc dày và nhạy tỏa ra từ cô. Hẳn nhiên rồi, tình yêu văn chương đã đến trước cả sự dấn thân cho khoa học sau này của Hiền. Cô từng giành giải nhất cuộc thi viết văn cho thanh thiếu niên tỉnh Nam Định năm 1998 với chùm truyện ngắn Sao trời, giải nhất cuộc thi viết văn cho sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2000 với truyện ngắn Cà phê đắng.

Gần đây, Thu Hiền có chia sẻ với tôi về việc bắt đầu viết một cuốn sách cho thiếu nhi, cũng là để có các khoảng thời gian chất lượng cho con. “Tôi đã và đang đồng hành, trò chuyện với 2 con mỗi ngày trong hành trình con lớn lên. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn có một thứ gì đặc biệt hơn thế - những trải nghiệm tuổi thơ để con có thể mang theo. Cả 2 con đều thích đọc sách. Từ khi các con còn bé, tôi duy trì đọc sách tiếng Việt cho con, các tác phẩm văn học hay của thế giới và Việt Nam. Đôi khi tôi tự hỏi, liệu mình có thể tự kể những câu chuyện hay và hấp dẫn giống như Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài cho con và cùng con không? Tôi viết, con gái vẽ và con trai sẽ là khán giả đầu tiên đưa ra những nhận xét cho cuốn sách của mẹ con tôi”, TS Nguyễn Thu Hiền bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục