Nửa thế kỷ… chơi sách

Nửa thế kỷ… chơi sách

Đúng thế! “Chơi” theo đúng cái nghĩa đen của từ này. Này nhé! Thầy giáo Quý có thể đem ra cho khách ở xa tới thăm một lúc 6 cuốn Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân qua 7 lần tái bản từ khi tác phẩm này ra đời từ trước 1945. Thầy còn “dọa” nếu mai mốt Vang bóng một thời tái bản nữa, thầy còn mua nữa. Thầy giải thích,cứ mội lần tái bản, lại phải mua vì mỗi lần in ấn,cuốn sách lại được viết lời tựa, thay “co” chữ, trình bày bìa và cả chất liệu giấy cũng khác nhau!

Nửa thế kỷ… chơi sách ảnh 1

Thầy giáo Quý trong kho sách của mình.

Một lần, nhà văn Tô Hoài sau ngày đất nước hoà bình thống nhất, về thăm Hội Văn nghệ tỉnh Tiền Giang, được bạn văn ở Mỹ Tho dẫn đến nhà thầy Quý chơi… Thầy đã đem ra cho nhà văn Tô Hoài coi tất cả các sách của nhà văn đã xuất bản từ trước đến giờ.

Trong đó có các cuốn được xuất bản từ trước Cách mạng Tháng Tám 1945 mà chính tác giả cũng không giữ được như các cuốn: Xóm giềng ngày xưa, Nhà nghèo, O chuột… Vì cảm động, nhà văn Tô Hoài đã rưng rưng nước mắt.

Các nhà thơ Phùng Quán, Hoàng Cầm… cũng đã được các bạn văn ở địa phương đưa đến thăm kho sách của thầy giáo Quý để các vị đó có thể gặp lại đầy đủ các tác phẩm của mình… qua các lần tái bản.

Vậy không phải “chơi sách” là gì ! Vì “chơi” cho nên mới nghèo! Thầy Quý nghèo đến nước không có tiền để sắm thêm kệ sách. Có lần đến thăm thầy, tôi phải chứng kiến cảnh mối xông “xơi” của thầy cả một đống sách “cất” dưới gầm giường. Có người bàn với thầy, hay là bán bớt một bộ từ điển Encyclopédie cho thư viện để lấy tiền mua kệ sách… Nhưng… thầy lại tiếc!

Cảm kích trước tấm lòng của thầy Quý với sách, một ông chủ xưởng gỗ ở Mỹ Tho đã tặng thầy Quý kệ sách. Từ đó, căn “phòng khách” của thầy trở thành một thư viện nhỏ, sách che kín bốn mặt tường với đủ loại: từ điển, sách văn học, sách chính trị, sách tiếng Pháp… Không đủ, sách còn được đưa vào phòng ngủ ở phía sau…

Gần một vạn bản sách của thầy giáo Quý nhiều năm nay đã thu hút giới trí thức địa phương. Các nhà báo, nhà văn,nhà giáo, cán bộ tuyên huấn, cán bộ nghiên cứu trong tỉnh thường lui tới kho sách của thầy để tra cứu… Có cuộc triển lãm nhân một ngày lễ lớn, ngành giáo dục tỉnh cũng nhờ đến kho sách của thầy để tham gia triển lãm. “Tao nhân mặc khách” bốn phương có dịp đến Mỹ Tho thường được những người “hay chữ” bản địa dẫn đến thư viện của thầy Nguyễn Văn Quý. 

Bài và ảnh: LÊ PHÚ KHẢI

Tin cùng chuyên mục