Trước giờ kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon
Ngày cuối tuần, hàng ngàn người dân Anh đã xuống đường tuần hành trên các đường phố lớn tại thủ đô London của nước Anh, phản đối nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.
Tương lai mịt mờ
Cuộc tuần hành diễn ra chỉ 4 ngày trước thời điểm Thủ tướng nước này, bà Theresa May kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon vào ngày 29-3 tới, bắt đầu quá trình đàm phán về cuộc chia tay với mái nhà chung châu Âu sau 44 năm gia nhập. Những người tuần hành tụ tập tại Quảng trường Quốc hội Anh, hiện trường nơi đối tượng Khalid Massod thực hiện vụ tấn công khiến 4 người thiệt mạng. Trước đó, họ đã dành một phút mặc niệm cho các nạn nhân của vụ tấn công khi bắt đầu tuần hành. Khi tuần hành hướng về tòa nhà Quốc hội, những người phản đối Brexit đã vẫy cờ EU và giơ biểu ngữ Chấm dứt Brexit.
Người dân Anh biểu tình phản đối Brexit tại London ngày 25-3
Chín tháng sau khi cử tri Anh bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về lựa chọn chia tay với mái nhà chung châu Âu, Thủ tướng May đã thông báo ấn định ngày kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon về EU. Quá trình đàm phán về Brexit giữa Anh và EU có thể kéo dài khoảng 2 năm. Theo các nhà phân tích, các cuộc đàm phán sắp tới được đánh giá là rất quan trọng đối với tất cả người dân Anh và London chỉ có thể đạt được một thỏa thuận tốt với EU khi Vương quốc Liên hiệp Anh là một khối thống nhất.
Khảo sát mới nhất được công ty tư vấn nghiên cứu thị trường thực hiện cho tờ Observer cho hay đa số người Anh được hỏi cho rằng Brexit sẽ làm gia tăng khả năng tan rã trong Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland. Cử tri Anh đã thể hiện sự chia rẽ sâu sắc khi cuộc trưng cầu ý dân cho kết quả sít sao 52% - 48% nghiêng về những người ủng hộ rời bỏ châu Âu.
Mâu thuẫn bên trong
Một khảo sát của tờ Independent cho thấy, người dân Anh tin rằng chính phủ tốt nhất nên đi đến một thỏa thuận thương mại với châu Âu trong 2 năm tới. Chỉ 25% người được hỏi cho rằng Anh nên ra khỏi EU bằng bất kỳ giá nào, không cần quan tâm đến các quan hệ ràng buộc trong tương lai. Có đến 56% cho rằng chính phủ nên tiến hành đàm phán lại cho đến khi có được thỏa thuận, hoặc ở lại với các điều khoản hiện tại.
Theo tờ Telegraph, trước khi công bố ngày kích hoạt Brexit, nội dung kế hoạch đàm phán chia tách của Thủ tướng Anh Theresa May đã được trình lên trong một tài liệu gọi là Sách trắng. Sách Trắng đề cập đến những vấn đề đáng quan tâm nhất trong mối quan hệ Anh và châu Âu hậu chia tay, theo cách mà các quan điểm đối lập cho rằng mơ hồ, thiếu thông tin, không có nội dung. Người phản đối đầu tiên, không ai khác chính là người phụ trách vấn đề Brexit của nội các Công đảng đối lập tại Hạ viện.
Trong khi đó theo The Guardian, cho dù đã công bố ngày kích hoạt chính thức, và văn kiện chuẩn bị đàm phán qua được 2 viện quốc hội mà không phải sửa đổi, nhưng rõ ràng ngay trong giới chính trị gia Anh cũng không hoàn toàn đồng thuận với các kế hoạch chính phủ trình lên. Vấn đề được mổ xẻ nhiều nhất là quyền lợi của 3,5 triệu công dân châu Âu hiện đang làm việc sinh sống tại Anh, và quyền can thiệp của Nghị viện vào thỏa thuận cuối cùng thủ tướng đạt được với châu Âu.
Cũng không ít câu hỏi được các nghị sĩ, cũng như dư luận đặt ra, là một văn bản không nhiều chi tiết như Sách Trắng có đủ để tạo vị thế tốt nhất cho nước Anh khi ngồi vào đàm phán. Thủ tướng Anh dường như đang muốn dùng quan điểm cứng rắn của mình để tạo vị thế trước châu Âu. Bà May từng tuyên bố, Chính phủ Anh thà ra về mà không có một thỏa thuận nào về thương mại, còn hơn là chấp nhận ký một thỏa thuận tồi cho nước Anh.
VIỆT ANH (tổng hợp)