Theo AFP, Chính phủ Thái Lan đã ban bố tình trạng thảm họa thiên tai tại 26/77 tỉnh, thành tại nước này (tương đương 1/3 diện tích Thái Lan). Tại thủ đô Bangkok, chính quyền TP cũng đang đẩy mạnh ngăn chặn nước lũ tràn vào sân bay chính và các vùng thấp khác ở TP. Tại một số khu vực phía Bắc Bangkok, nước ngập sâu tới vài mét.
Tình trạng ngập lụt sẽ tồi tệ hơn trong vài ngày tới khi thủy triều lên làm hạn chế việc thoát lũ ra biển. Do lo ngại diễn biến xấu của thiên tai, người dân Bangkok đã đổ xô đi mua thực phẩm, nước uống tại các siêu thị. Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã yêu cầu các thương lái không lợi dụng tăng giá bán.
Mưa lớn hơn 2 tháng qua gây ngập lụt làm ít nhất 281 người chết, phá hủy hàng triệu ngôi nhà, nhấn chìm 1,36 triệu ha đất nông nghiệp.
Lũ lụt nghiêm trọng đã cản trở không nhỏ tới hoạt động xuất khẩu gạo của nước này. Các nông trại và một số nhà máy xay xát gạo ở nhiều khu vực tại miền Trung Thái Lan chìm trong bể nước, làm Thái Lan nhiều khả năng phải trì hoãn xuất khẩu ít nhất 300.000 tấn gạo, chủ yếu sang Indonesia và châu Phi trong tháng này. Chính phủ Thái Lan đã buộc phải giảm dự báo sản lượng gạo từ 25 triệu tấn xuống còn 21 triệu tấn trong vụ thu hoạch tới.
Trước tình hình nghiêm trọng trên, bà Yingluck đã phải tiếp kiến Nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej để thảo luận, tìm giải pháp đối phó.
Cùng ngày, hãng chế tạo ô tô Toyota của Nhật Bản cũng thông báo sẽ tiếp tục ngừng các hoạt động sản xuất phụ tùng ô tô ở các khu công nghiệp lớn bị ảnh hưởng bởi bão lũ cho đến hết ngày 15-10 tới. Đây được coi là một trong những trận lụt tồi tệ nhất ở Thái Lan trong nhiều thập kỷ qua.
Động đất tại Indonesia |
ĐỖ CAO