Nước mát cũng có khi “nóng”

Trong những năm gần đây, các loại nước mát từ thảo mộc đã trở thành thức uống ưa chuộng của nhiều người, đặc biệt vào mùa nắng nóng. Các loại thảo mộc dùng nấu nước mát được bán phổ biến với giá rất rẻ. Tuy nhiên, cần thận trọng khi dùng những loại nước này.
Nước mát cũng có khi “nóng”

Trong những năm gần đây, các loại nước mát từ thảo mộc đã trở thành thức uống ưa chuộng của nhiều người, đặc biệt vào mùa nắng nóng. Các loại thảo mộc dùng nấu nước mát được bán phổ biến với giá rất rẻ. Tuy nhiên, cần thận trọng khi dùng những loại nước này.

        Giải nhiệt, thanh lọc cơ thể…

Nước mát là tên dân gian dùng để gọi các loại nước nấu từ các loại dược liệu, có tác dụng thanh nhiệt, thường được nấu và dùng trong gia đình vào mùa nắng nóng. Một số loại thảo mộc thông dụng dùng để nấu nước mát sau:

1. Cây thuốc dòi (hay còn gọi là cây bò mắm)

Cây thuốc dòi có vị ngọt nhạt, tính mát, có tác dụng chỉ khái, tiêu đờm, dùng chữa ho lâu ngày, ho do viêm họng, viêm thanh phế quản, ho khan, tiêu viêm, thông tiểu… Loại thuốc này còn được dùng như thuốc điều kinh và cả để gây sẩy thai, vì vậy phụ nữ có thai không nên dùng loại thảo dược này.

Khi dùng các loại nước mát từ thảo mộc, cần lưu ý thay đổi thường xuyên các thành phần thảo mộc để tránh dùng lâu dài một loại. Ảnh: T.L.

Khi dùng các loại nước mát từ thảo mộc, cần lưu ý thay đổi thường xuyên các thành phần thảo mộc để tránh dùng lâu dài một loại. Ảnh: T.L.

2. Rễ cỏ tranh

Rễ cỏ tranh có vị ngọt, tính hàn, tác dụng thanh nhiệt, tiêu ứ huyết, lợi tiểu tiện, thanh phế nhiệt. Chủ trị các chứng chảy máu cam, bí tiểu, tiểu ra máu… Kết hợp với một số loại thảo dược khác để trị bệnh trĩ, ngoài ra còn được dùng để hạ sốt, trị nôn mửa, phù thủng, bệnh lậu và các rắc rối ở đường tiết niệu. Lưu ý người hư hỏa, phụ nữ mang thai không nên dùng.

3. Cây mía lau

Cây mía lau có tính bình, vị ngọt, có tác dụng thanh nhiệt, hạ khí, trợ tỳ, kiện vị, lợi đại tiểu trường, chỉ khát tiêu đờm, trừ phiền, giải độc rượu, giải sức nóng của thuốc. Mía lau trị hôi miệng, ho, họng sưng đau, hạ đường huyết, táo bón…

4. Cây mã đề

Mã đề còn có tên gọi mã đề thảo, xa tiền thảo, xa tiền tử, nhãn én. Có tác dụng kháng sinh, lợi tiểu, chữa ho…

5. Râu bắp

Râu bắp còn được gọi ngọc mễ tu, có vị ngọt, tính bình. Tác dụng lợi tiểu, tiêu thũng, thông mật, lợi mật, thanh huyết nhiệt, bình can, thoái hoàng, chỉ huyết. Uống nước râu bắp hàng ngày có tác dụng làm tăng bài tiết mật, giảm độ nhớt của mật, tạo điều kiện dẫn mật vào ruột dễ dàng. Ngoài ra, còn làm hạ đường huyết, tăng bài tiết nước tiểu và làm máu chóng đông.

6. Lá lẻ bạn lớn

Cây lẻ bạn lớn hay gọi là cây hoa sò huyết, có vị ngọt, nhạt, tính mát có tác dụng thanh nhiệt, chống viêm, cầm máu, nhuận phế, giảm ho, giải độc.

7. Hoa cúc

Hoa cúc có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giải cảm, giáng hỏa, làm mát gan, sáng mắt. Một số nghiên cứu còn cho thấy hoa cúc có thể giúp kháng khuẩn, kháng siêu vi gây cảm cúm, làm giản mạch máu, hạ huyết áp, giảm mỡ máu.

        Tránh lạm dụng

Theo y học hiện đại, những dược liệu nêu trên có chung tác dụng là lợi tiểu và ngoài ra còn bù thêm một số vi chất cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu chúng ta lạm dụng những loại nước mát này thì có khả năng nguy hại đến cơ thể, nhất là khi cơ thể đang mắc một số bệnh mạn tính. Nhiều loại thảo dược dùng trong các loại nước mát này có thể có khả năng tương tác với một số tân dược làm giảm tác dụng của thuốc chính. Đồng thời, dùng nhiều hoặc dùng lâu dài các loại thảo dược có chất lợi tiểu có thể làm mất cân bằng điện giải, tăng đào thải, kém hấp thu một số vi chất cần thiết cho cơ thể như canxi, kali…

Còn theo y học cổ truyền, nếu thể chất người thuộc hàn, mà lại thường xuyên dùng các loại thuốc thanh nhiệt sẽ rất nguy hiểm, có thể gây tiêu chảy, mất tân dịch, chân âm hao tổn…

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Bay, Khoa Y học cổ truyền Trường ĐH Y Dược TPHCM, đối với những người khỏe mạnh khi dùng các loại nước mát từ thảo mộc, cần lưu ý thay đổi thường xuyên các thành phần thảo mộc để tránh dùng lâu dài một loại. Đồng thời, lưu ý những người bị suy thận không được dùng các loại nước mát từ thảo mộc. Người bị đái tháo đường nên tránh các loại nước mát có thành phần từ mía lau, rễ cỏ tranh; phụ nữ mang thai không dùng các loại nước có thành phần từ cây thuốc dòi, rễ cỏ tranh… Và đối với những người có bệnh, nếu muốn dùng nước mát phải được các thầy thuốc chuyên khoa tư vấn.

CHÚC THỦY

Tin cùng chuyên mục