1. Chiếc Boeng 777-200 số hiệu VN-195 của hãng Hàng không Vietnam Airlines do phi công người Việt điều khiển đưa chúng tôi, những người làm công tác quản lý khoa học quân sự, sang Liên bang Nga để tìm hiểu và trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý khoa học - công nghệ theo chương trình hợp tác khoa học và giáo dục giữa chính phủ 2 nước. Trước ngày chúng tôi lên đường, 2 bên đã thông qua dự thảo thỏa thuận giữa chính phủ 2 nước về hợp tác quân sự, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo cán bộ khoa học quân sự, y học quân sự, lịch sử quân sự, địa hình, thủy văn và các hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Về quân sự, trong thế chiến thứ hai, nền khoa học Xô viết đã sản sinh ra những chiếc xe tăng T-34, những khẩu tiểu liên AK-47, những giàn tên lửa Katyusha với chất lượng vượt trội. Rồi trong thời kỳ chiến tranh lạnh, những máy bay MIG của Aterm Mikoyan và Mikhail Gurevich, SU của Pavel Sakhoi, hệ thống tên lửa phòng không S-300 PMU2 với khả năng đánh chặn các mục tiêu tên lửa đạn đạo, tên lửa tầm trung và mục tiêu mặt đất cách xa 195km… đã đưa nước Nga lên vị thế cân bằng về quân sự với Mỹ. Và nước Nga đang trở thành nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 30% doanh số buôn bán vũ khí toàn cầu.
Có ba nguyên nhân dẫn đến thành tựu ấy: Nhà nước thực hiện chính sách quản lý hoạt động khoa học theo phương pháp đặt hàng với ngân sách đầu tư ưu tiên; mạng lưới các tổ chức nghiên cứu và đào tạo khoa học được xây dựng với quy mô lớn và tốc độ nhanh chưa từng có; việc tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đội ngũ cán bộ khoa học trở thành một trong những nội dung trung tâm trong hệ thống chính sách của nhà nước Xô viết. Đến thập niên cuối của thế kỷ trước, số lượng cán bộ khoa học của Liên Xô là 1,6 triệu người, chiếm một phần tư đội ngũ cán bộ khoa học trên toàn thế giới.
Bất cứ một thành tựu nào đều chịu sự chi phối sâu sắc của khoa học quản lý. Và đó là lý do chúng tôi đến Trường Đại học tổng hợp quản lý quốc gia Liên bang Nga (State University of Management). Trường Đại học tổng hợp quản lý quốc gia Nga nằm trên đại lộ Ruazansky ở thủ đô Mátxcơva, một trung tâm giáo dục hàng đầu về khoa học quản lý, nơi đào tạo các chuyên gia quản lý chất lượng tiêu chuẩn quốc tế, hàng năm có chừng 1.500 chuyên gia, nhà quản lý từ các nước trên thế giới đến đây tập huấn nâng cao nghiệp vụ.
2. Hóa ra, thành tựu của nền khoa học và công nghệ Liên bang Xô viết cũng đồng thời chứa đựng các yếu tố làm cho chính nó lâm vào cuộc khủng hoảng và tụt hậu trong vài thập niên trở lại đây. Bắt nguồn từ cơ chế quan liêu, những “vết nứt” dần xuất hiện bên trong “cơ thể tượng đài” khoa học Xô viết từng một thời hùng vĩ. Đang có những bất cập trong cơ chế quản lý khoa học và công nghệ ở Nga. Sự cồng kềnh trong hệ thống tổ chức nghiên cứu bao gồm ở cả viện hàn lâm và các trường đại học (ở Mỹ và các nước phương Tây, việc nghiên cứu khoa học thuộc các trường đại học, chỉ một số quốc gia giữ viện hàn lâm như một tổ chức khoa học danh dự), sự chảy máu chất xám với sự bỏ ra nước ngoài của nhiều nhà khoa học tài năng, chất lượng nghiên cứu khoa học giảm sút và nạn đánh cắp tài liệu, làm giả công trình nghiên cứu diễn ra không ít (năm 2008, trong một cuộc kiểm tra 500 luận án tiến sĩ ở Viện Hàn lâm khoa học Nga, có tới 126 luận án giả), rồi sự xa cách giữa kết quả nghiên cứu với nhà sản xuất…
Người phiên dịch cho đoàn chúng tôi là tiến sĩ khoa học Nguyễn Quang Thường, một trong hàng trăm giáo sư, tiến sĩ người Việt đang làm ăn sinh sống tại Nga. Trong số hơn 2,7 triệu người Việt định cư ở gần 90 nước và vùng lãnh thổ, ở Nga có chừng 100.000 người. Xa xưa, đã có công dân Việt Nam ra nước ngoài sinh sống với nhiều lý do khác nhau, từ phong trào xuất dương tìm đường cứu nước cuối thế kỷ 19, đến các đợt di cư sang các nước lân cận, sang Pháp và những xứ thuộc địa của Pháp ở châu Phi, đi lánh nạn, làm ăn, theo thân nhân là người ngoại quốc thuộc chương trình đoàn tụ gia đình (ODP), chương trình con lai Mỹ (AC), chương trình sĩ quan chế độ cũ sau cải tạo muốn định cư ở nước khác (HO), và du học sinh ở lại… Riêng ở Nga, mặc dù từ đầu thế kỷ 20 đã có các nhà hoạt động cách mạng, sau đó là hàng ngàn lưu học sinh sang Liên Xô cũ học tập, làm việc, nhưng phải đến những năm từ 70 đến 90 của thế kỷ trước, cộng đồng người Việt ở Liên bang Nga mới thực sự hình thành. Bên cạnh số công nhân hợp tác lao động theo hiệp định hết thời hạn hợp đồng ở lại, số sau này sang kinh doanh buôn bán, các lưu học sinh, nghiên cứu sinh, thực tập sinh, cộng tác viên khoa học hết thời gian học tập nghiên cứu không về nước mà tiếp tục ở lại đông đến hàng ngàn người. Và trong số họ có không ít trí thức, giáo sư, tiến sĩ đang có quan hệ nghiệp vụ với các tổ chức khoa học và công nghệ của nước sở tại, kể cả việc cùng các viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Nga đi biểu tình phản đối dự thảo đạo luật cải cách như tiến sĩ Thường đang làm. Một nguồn lực không nhỏ.
3. Tôi sẽ mang theo về Việt Nam tâm trạng, dư âm không chỉ thái độ của người dân Nga về sáng kiến của tổng thống của họ nhằm giải cứu cuộc chiến tranh ở Syria trong tháng 9 qua, mà cả về sự chuyển động lớn lao cơ chế quản lý ngành khoa học và công nghệ từ nước Nga, dư âm oằn đau của một cuộc cải cách đang tiến hành ở đất nước dự trữ đến một phần tư lượng nước ngọt không đóng băng trên khắp địa cầu. Nước Nga đang dỡ bỏ và sắp xếp lại hệ thống tổ chức và cách thức quản lý khoa học theo hướng thực dụng với các thế mạnh như vũ trụ, công nghệ nano, công nghệ quốc phòng…; đang tách bỏ sự lãng phí, nhá nhem và hình thức chủ nghĩa nảy sinh từ trước và sau khi Liên Xô tan rã; đang chắt chiu giữ lại những giá trị ưu việt của thời Xô viết như xây dựng một nền khoa học và công nghệ theo hướng kế hoạch hóa tập trung; đang đầu tư xây dựng một đội ngũ cán bộ khoa học tinh nhuệ theo lối biệt đãi nhân tài; đang phát huy sức mạnh cơ chế quản lý hệ thống khoa học và công nghệ quân sự theo hướng không giới khung trong quân đội mà tích hợp sức mạnh của toàn bộ nền khoa học và công nghệ đất nước.
Tôi sẽ mang theo về Việt Nam cảm nhận về một nguồn lực khoa học lớn lao ở bên ngoài Tổ quốc. Có đến 300.000 trí thức và công nhân tay nghề bậc cao người Việt Nam đang làm ăn sinh sống tại 70 nước và vùng lãnh thổ, trong đó một phần lớn ở Liên bang Nga. Hầu hết trong số họ được đào tạo chính quy tại những nền giáo dục tiên tiến, được tiếp cận, cập nhật những thành tựu khoa học và công nghệ mới nhất, và hầu hết trong số họ đều có lòng tự tôn dân tộc, luôn nhớ về nguồn cội, quê nhà.
Tôi sẽ mang theo về Việt Nam hình ảnh sống động một đất nước tôi từng tưởng tượng qua các cuốn sách, có lẽ là những tác phẩm văn học nước ngoài đầu tiên đến với tôi thời niên thiếu. Giờ đây, thời của Puskin, M. Lecmontov, N.Gogol, L.Tolxtoi, A.Sekhov, Maksim Gorky, Boris Pasternak, A.Sholokhov, Ts.Aimatov, Pautovsky, Olga Berghol không còn nữa. Một thế kỷ đã nằm ở phía sau lưng, một thế kỷ đã lùi xa với biết bao đổi thay, sâu sắc và vật vã. Một nước Nga mới đã hình thành với những khác biệt không ngờ, cả về khoa học lẫn lịch sử. Nhưng những giá trị từng làm nên một nền khoa học lý thuyết xuất sắc vào bậc nhất thế giới, từng làm nên một nước Nga mà sự hy sinh của nó đạt đến mức tột đỉnh niềm vinh quang và bi hùng của lịch sử thế giới đương đại vốn được mặc định, được số hóa trong tâm thức tôi thì còn lại mãi mãi.
Vào thu! Mặc cho những biến động về khoa học và chính trị, những rừng cây sồi, cây bạch dương đang thong thả chuyển sang màu đỏ rồi thả lá vàng, cũng bắt đầu bay rơi vài bông tuyết trắng. Nước Nga tháng 9-2013, dù đang có vẻ hiện đại mà vẫn bác học, hùng vĩ, quê mùa và quyến rũ làm sao!
HỒ SƠN ĐÀI