Nước Nga: “Ngày yên lặng”

Sau nhiều cuộc biểu tình của cả lực lượng ủng hộ và lực lượng đối lập với đảng Nước Nga thống nhất cầm quyền, sau những lần tranh luận trực tiếp sôi nổi giữa các ứng viên, nước Nga, ngày 3-3 thật yên tĩnh như đúng tên gọi của nó: “Ngày yên lặng”.

Vào ngày này, tức một ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống, theo quy định, mọi chiến dịch tranh cử và tuyên truyền của các ứng viên đều phải chấm dứt. Cử tri cần không khí tĩnh lặng, để cân nhắc cho mình sự lựa chọn cuối cùng.

Trở lại cuộc bầu cử, các cuộc thăm dò dư luận gần đây đều cho thấy đương kim Thủ tướng Vladimir Putin dẫn đầu với tỷ lệ 55% - 60%. Trong khi các ứng viên còn lại, người cao nhất không quá 15% số người ủng hộ. Bứt phá ở cuộc đua nước rút cho thấy, người dân Nga vẫn đặt nhiều niềm tin vào ông Putin. Nhiều nhà phân tích cho rằng con số hàng chục ngàn người biểu tình phản đối kết quả bầu cử Duma cuối năm ngoái không nghĩa lý gì so với con số 130 triệu cử tri Nga, trong đó đa số vẫn ủng hộ ông Putin và đảng Nước Nga thống nhất.

Dù truyền thông phương Tây cùng nhau tung hứng gọi cuộc bầu cử Duma quốc gia Nga hồi tháng 12 năm ngoái là gian lận, nhưng những người sáng suốt đều nhận ra đó là màn kịch của phương Tây. Sau đó chính cơ quan an ninh Nga điều tra phát hiện những đoạn video clip về gian lận bầu cử được dàn dựng ở Mỹ. Trước đó, phương Tây không ngừng công kích ông Putin về quyết định ra tranh cử lần này và tìm mọi cơ hội để làm mất uy tín của ông.

Trên thực tế, phương Tây đã góp phần giúp người Nga nhận ra ông Putin vẫn rất cần cho nước Nga. Phải chăng ông Putin còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, chính trị xã hội của đất nước nên phương Tây mới e ngại một nước Nga có Tổng thống Putin? Còn nhớ năm 2007, khi ông Putin sắp rời ghế tổng thống theo đúng Hiếp pháp Nga và ông tuyên bố vẫn sẽ ở lại chính trường mà không vi phạm Hiến pháp, phương Tây đã mất ăn mất ngủ. Trong ngày ông tuyên bố làm rúng động thế giới đó, tất cả các báo lớn, hãng truyền thông phương Tây đều giật lên hàng đầu dòng chữ: Putin vẫn ở lại chính trường sau nhiệm kỳ. Và những ngày sau đó, ngươi ta đoán già đoán non xem ông sẽ giữ vị trí nào. Còn lãnh đạo các nước phương Tây đều nhắn gửi ông Putin thông điệp không được ra ứng cử một nhiệm kỳ nữa. Giờ đây mối quan ngại đó của phương Tây đang lặp lại.

Người Nga và phương Tây không thể quên thời gian ông Putin lần đầu trở thành Thủ tướng Nga và sau đó trở thành tổng thống. Khi đó, nước Nga cũng lần đầu tiên không phải năn nỉ vay tiền của IMF với những điều kiện vô cùng khắc nghiệt. Nước Nga đã trừng phạt thẳng tay các tỷ phú từng làm giàu không minh bạch và chặn đứng các tập đoàn nước ngoài lợi dụng kẽ hở luật pháp của Nga để thâu tóm các công ty dầu khí nước này. Nước Nga cũng phủ quyết toàn bộ các nghị quyết mở đường cho những cuộc chiến của phương Tây…

Khi nhận trọng trách lần trước, ông Putin đã đưa nước Nga vượt qua khó khăn khá ngoạn mục. Nhưng nếu ông Putin giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này, con đường phía trước thật sự không phải trải hoa hồng. Phát biểu với các phóng viên trong ngày 3-3, ông Putin tin tưởng sẽ giành thắng lợi nhưng thừa nhận tỷ lệ ủng hộ ông đã giảm so với các lần bầu cử tổng thống trước đây. Những khó khăn xuất hiện trong những tháng vừa qua như một lời nhắc nhở để ông chủ điện Kremlin tương lai có sách lược phù hợp hơn.

Khánh Minh

Tin cùng chuyên mục