Nước Nga quyết liệt chống tham nhũng

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa trình Hạ viện Nga một dự luật mới nhằm siết chặt nguy cơ tẩu tán tài sản ra nước ngoài của các quan tham tại Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa trình Hạ viện Nga một dự luật mới nhằm siết chặt nguy cơ tẩu tán tài sản ra nước ngoài của các quan tham tại Nga.

Dự luật này cấm quan chức chính phủ Nga mở các tài khoản ngân hàng và sở hữu cổ phiếu nước ngoài. Dự luật cũng áp dụng đối với cả vợ và các con của quan chức. Sau khi dự luật này được thông qua, các quan chức chính phủ Nga sẽ có 3 tháng để đóng tất cả các tài khoản ngân hàng nước ngoài. Theo điện Kremlin, dự luật này nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, thiết lập trật tự kỷ cương đối với những hoạt động vận động hành lang, tăng cường đầu tư vào nền kinh tế nước Nga và tăng cường nỗ lực phòng chống tham nhũng.

Theo tờ Russia Today, Tổng thống Putin từng đề cập đến dự luật này trong một bài phát biểu trước đó khi đề cập đến chuyện: “Làm sao người dân Nga có thể tin tưởng vào các quan chức nếu họ giữ tiền trong các tài khoản ngân hàng nước ngoài?”. Nga từng ban hành một đạo luật về kê khai tài sản. Theo đó, các quan chức nhà nước và nghị sĩ phải kê khai việc mua nhà, cổ phiếu trong các công ty, xe hơi nếu số tiền của quan chức hoặc thành viên gia đình quan chức chi cho một giao dịch vượt quá tổng thu nhập chính thức trong 3 năm của các thành viên gia đình họ. Quan chức nào không giải trình được sự khác biệt giữa thu và chi của gia đình có thể bị cách chức, tài sản gây tranh cãi có thể bị sung công.

Nhờ việc rà soát các khoản thu nhập của các quan chức, trong năm ngoái, nhiều vụ việc tham nhũng đã được phanh phui. Vụ gây chấn động dư luận là sự kiện Bộ trưởng Quốc phòng Anatoly Serdyukov, một đồng minh thân cận của ông Putin, bị cách chức sau một scandal tham nhũng. Các cáo buộc xuất hiện gần đây cho rằng ông Serdyukov đã bán rẻ các tài sản của Bộ Quốc phòng cho người quen, bỏ túi 100 triệu USD. Động thái trên được xem là bước khởi đầu cho một cuộc điều tra những chuỗi sai phạm liên quan đến tiền bạc, quyền lực của một trong những nhân vật cao cấp nhất, vốn tưởng như “không ai dám động đến” ở điện Kremlin. Tờ IHT cho rằng, việc Tổng thống Putin quyết tâm xử lý sai phạm của các quan chức trong chính phủ cho thấy ông muốn củng cố uy tín và lòng tin từ phía những người dân đã bỏ phiếu bầu chọn mình vào năm ngoái.

Theo kết quả của cuộc khảo sát mới nhất do Trung tâm nghiên cứu ý kiến cộng đồng của Nga (VTsIOM), 45% người Nga nhận thấy các kết quả đạt được của cuộc đấu tranh chống tham nhũng, nhưng 38% lại cho rằng những kết quả này là không đáng kể. Theo người dân Nga, cuộc chiến diệt trừ tham nhũng tại quốc gia này đạt được tiến bộ là nhờ nỗ lực của Tổng thống Vladimir Putin (31%), phương tiện truyền thông (21%), các cơ quan tư pháp (17%). Những kết quả trên chứng tỏ những kết quả tích cực mà Tổng thống Putin đã đem lại trong cuộc chiến chống tham nhũng - một vấn nạn vốn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống kinh tế - xã hội của Nga. Tuy nhiên, cuộc chiến khó khăn này chỉ có thể đạt được thành công lớn hơn khi hội tụ đủ cả quyết tâm cao của các nhà lãnh đạo đất nước, thiện chí hỗ trợ, chia sẻ từ phía người dân Nga và ý thức đạo đức của các quan chức. 

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục