Khô hạn kéo dài, cộng với việc khai thác nước ngầm tràn lan khiến mực nước ngầm ở Đắk Lắk sụt giảm nghiêm trọng, gây nhiều hệ lụy khó lường. Để giữ nước ngầm ổn định, các chuyên gia cho rằng ngoài siết chặt việc khai thác nước ngầm, cần xây dựng nhiều hồ chứa nhỏ để giữ nước, sử dụng công nghệ tưới ít hao hụt…
Khai thác nước ngầm tràn lan
Trong lúc nhiều rẫy cà phê xung quanh rụng lá, khô héo thì vườn cà phê 1,5ha của ông Nguyễn Hồng Phúc (xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) lại xanh ngắt, cành lá sum suê, um tùm. Mới tháng trước, hạn nặng đã làm 2 giếng nhà ông Phúc trơ đáy. Để cứu cà phê, thay vì thuê máy bơm hút nước từ hồ Ea Đrơng (cách rẫy 1km) như nhiều hộ dân khác áp dụng thì ông Phúc lại bỏ ra 20 triệu đồng để thuê thợ vét giếng sâu thêm 3m, đồng thời dùng mũi khoan to bằng nửa bắp tay khoan ngang ra xung quanh 50m để “săn lùng” mạch nước ngầm. “Nhờ 2 giếng khoan này, nếu không thì vườn cà phê nhà tôi đã chết hết rồi”, ông Phúc hồ hởi nói.
Ông Phạm Quang Mười, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar, cho biết, huyện có 36.000ha cà phê. Trong đó, 54% diện tích nói trên sử dụng nước tưới từ sông suối, ao hồ, 46% còn lại tưới bằng nước ngầm từ các giếng đào, giếng khoan. Toàn huyện có khoảng 1.000 giếng khoan, giếng đào, hầu hết đều làm không phép. Thực tế cho thấy mực nước ngầm ở địa bàn giảm từ 5-7m so với giai đoạn 2010-2014. Mực nước ngầm giảm có nhiều nguyên do, trong đó có việc người dân đào, khoan giếng để khai thác nước ngầm tràn lan.
Nông dân xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar tự ý đào, vét giếng để lấy nước tưới cứu cây cà phê, làm suy giảm mạch nước ngầm.
Theo Sở TN-MT tỉnh Đắk Lắk, tính đến cuối năm 2014, toàn tỉnh chỉ mới cấp 279 giấy phép khai thác tài nguyên nước, trong đó có 14 giấy phép khai thác sử dụng nước mặt, 88 giấy phép thăm dò nước dưới đất, 114 giấy phép khai thác sử dụng nước dưới đất, 37 giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, 26 giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất. Trong khi đó, hiện có trên 5.000 giếng khoan phục vụ sản xuất, sinh hoạt, 516 công trình thủy lợi, khoảng 80 điểm cấp nước tập trung… chưa có giấy phép khai thác sử dụng tài nguyên nước.
Kết quả quan trắc môi trường trên địa bàn Đắk Lắk của Liên đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Trung cho thấy, tại một số lỗ khoan mực nước giảm từ 1m đến trên 5m. Cụ thể như tại lỗ khoan 29T vào tháng 10-2014, mực nước giảm so với cùng chu kỳ đo năm 2013 là 5,76m và lỗ khoan 69T giảm 5,84m…
Siết chặt việc khai thác nước ngầm
Ông Vũ Minh Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Đắk Lắk thừa nhận, mực nước ngầm ở Đắk Lắk trong những năm qua giảm mạnh. Ngoài các lý do như lượng mưa hàng năm thấp, thời tiết khắt nghiệt, diện tích rừng giảm, thì việc người dân ồ ạt trồng cà phê vượt quá quy hoạch khiến nhu cầu nước tưới tăng cao. Trong khi đó, lượng nước mặt từ ao hồ, sông suối, công trình thủy lợi chỉ đáp ứng đủ 50%, còn lại phải khai thác nước ngầm từ khoan giếng. “Hầu hết giếng khoan, giếng đào đều do người dân tự đào, làm không phép cả. Việc khai thác nước ngầm không đúng quy định gây nguy cơ thủng tầng nước ngầm, sẽ mất nhiều thời gian để hồi phục”, ông Đức nói.
Theo quy định, người dân muốn khoan giếng nước ngầm phục vụ tưới tiêu nông nghiệp với quy mô lớn phải xin phép và được sự chấp thuận của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, thực tế ít có trường hợp nào xin phép vì hầu hết người dân quan niệm khoan giếng nước trên đất nhà mình thì không cần phải xin phép ai. Việc quản lý nhà nước cũng rất khó khăn vì phần lớn chỗ khoan, đào giếng thường ở trong rẫy sâu…
Để phục hồi mạch nước ngầm, ông Vũ Minh Đức cho rằng: “Tỉnh cần xây dựng nhiều hồ đập nhỏ nằm cạnh các khu rẫy trồng cà phê. Những hồ đập này có chức năng làm kho chứa nước mưa để tích trữ nước tưới. Vả lại, những nơi có hồ chứa thì lượng nước ngầm ở vùng đất ấy cũng tăng lên. Ngoài ra cần phải tăng cường quản lý nhà nước về việc khai thác nước ngầm, tránh việc khai thác tràn lan. Khi ấy, các giếng khoan, giếng đào được cấp phép sẽ giúp kiểm soát chặt chẽ về mật độ và độ sâu của giếng trong việc khai thác nước ngầm.
Cùng quan điểm, TS Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cho rằng: “Các tỉnh Tây Nguyên cần sử dụng cơ cấu cây trồng đa dạng, trồng xen cây công nghiệp trong khu rẫy cà phê để tạo bóng mát, hạn chế tưới nước. Sử dụng công nghệ tưới phun mưa dưới tán cây. Công nghệ này có ưu điểm là cung cấp nước tưới đến từng gốc cây, tránh hao hụt nguồn nước như cách tưới thủ công mà nhiều nông dân sử dụng hiện nay…”.
CÔNG HOAN - VÕ PHÚC