Nước Pháp “xoay trục”

Theo Diplomat, biển Đông tiếp tục trở thành tâm điểm với hàng loạt các sự kiện diễn ra trong chưa đầy 2 tuần qua như: cuộc tập trận giữa hải quân Nga và Trung Quốc, Nhật Bản - Mỹ thông báo kế hoạch tuần tra chung ở biển Đông, Indonesia nhờ Mỹ nâng cấp các căn cứ hải quân... Biển Đông nóng từng ngày khiến mối bận tâm của Pháp đối với vấn đề tự do lưu thông hàng hải ngày một gia tăng. Mong muốn góp phần đảm bảo hòa bình và an ninh trong khu vực, chính sách quốc phòng đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Pháp đang cho thấy rõ điều này.

Tháng 6 vừa qua, tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian là vị bộ trưởng quốc phòng duy nhất của châu Âu có bài phát biểu tại hội nghị này sau nhiều năm. Tại đây, ông Jean-Yves Le Drian đã kêu gọi lực lượng hải quân châu Âu hiện diện “thường xuyên và rõ ràng” tại khu vực để đảm bảo tự do hàng hải, đảm bảo luật pháp quốc tế được thực thi. Phát biểu trên đã phản ánh được sự lo ngại của Pháp đối với những căng thẳng xuất phát từ tranh chấp biển đảo ở biển Hoa Đông và biển Đông.

Trong khi đó, Hải quân Pháp đã được triển khai lực lượng tại khu vực. Thượng nghị sĩ Pháp Andre Trillard cho hay từ đầu năm 2016 đến nay, 3 tàu Hải quân của Pháp đã đến khu vực biển Đông và trên thực tế, Pháp có một tàu khu trục giám sát và một tàu tuần tra thường xuyên ở New Caledonia, vùng lãnh thổ của Pháp ở Nam Thái Bình Dương. Trong Chương trình hoạt động quân sự của Pháp từ năm 2014-2019 trị giá 181 tỷ USD, chiếm một tỷ lệ không nhỏ là chi phí dành cho các hoạt động của hải quân. Từ năm 2024-2025, Hải quân Pháp dự kiến sẽ đẩy nhanh việc triển khai góp phẩn ổn định hòa bình và an ninh quốc tế, tập trung đảm bảo an ninh ở Ấn Độ Dương và kiểm soát các nguy cơ rủi ro ở Nam Á. Chưa hết, Pháp cũng giành được nhiều hợp đồng quân sự ở châu Âu với 40% hợp đồng đóng tàu ngầm cho các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á và 20% dự án hàng hải.

Giới quan sát nhận định việc Pháp thể hiện sự tích cực trong vấn đề an ninh hàng hải ở châu Á-Thái Bình Dương là một phần trong nỗ lực xoay trục sang khu vực này của Paris. Trong thập niên qua, tầm ảnh hưởng của Pháp tại châu Phi đã bị hao hụt một cách đáng kể nên Paris rất cần tìm lại vị thế của mình tại châu Á. Paris đã chuẩn bị cho chính sách xoay trục sang châu Á và Đông Nam Á ngay từ đầu năm 2013. Còn về phần đương kim Tổng thống Pháp Francois Hollande, ngay khi trở thành tổng thống nước Pháp vào năm 2012, ông đã không giấu diếm thiện chí đa dạng hóa sự hiện diện của nước Pháp tại châu Á-Thái Bình Dương, dù biết là phải cạnh tranh trực tiếp với chiến lược xoay trục về hướng Đông của Mỹ. Để đánh dấu bước ngoặt này, vào tháng 8-2013, ông Laurent Fabius, cựu ngoại trưởng Pháp đã đến thăm trụ sở ASEAN. Trong bài phát biểu, ông nêu bật chiến lược mới của Pháp và vai trò hàng đầu mà châu Á nắm giữ trong nền kinh tế thế giới rằng: “cho dù Pháp có hiện diện trong khu vực, sự xoay trục này của Pháp phần lớn không mang tính quân sự. Sự chuyển trục của chúng tôi mang đậm tính chất ngoại giao. Chính phủ mới của Pháp xem việc phát triển các mối quan hệ với châu Á là một ưu tiên”.

MINH CHÂU

Tin cùng chuyên mục