Nước sạch về bản

Đồng bào các dân tộc ở phía Tây Quảng Nam chủ yếu sống dựa vào nguồn nước suối, nhưng do nạn phá rừng, đào vàng và sạt lở núi nên nguồn nước suối ngày càng ô nhiễm. Vì vậy, ở miền núi huyện Nam Trà My và Nam Giang lần đầu tiên được sử dụng nước máy, điều tưởng chừng như đơn giản lại quý như “vàng” đối với bà con nơi đây.

Đồng bào các dân tộc ở phía Tây Quảng Nam chủ yếu sống dựa vào nguồn nước suối, nhưng do nạn phá rừng, đào vàng và sạt lở núi nên nguồn nước suối ngày càng ô nhiễm. Vì vậy, ở miền núi huyện Nam Trà My và Nam Giang lần đầu tiên được sử dụng nước máy, điều tưởng chừng như đơn giản lại quý như “vàng” đối với bà con nơi đây.

Xoay nút là có nước

Phần lớn dân cư ở huyện  Nam Trà My là người dân tộc thiểu số, chủ yếu dùng nguồn nước tự chảy (dẫn từ các con suối trên nguồn về - PV). Vì vậy khi một công trình nước sạch trị giá hơn 14 tỷ đồng được đưa vào sử dụng là một sự kiện lớn đối với người dân nơi đây. Công trình được khởi công cuối năm 2014 và đến tháng 7-2015 hoàn thành đưa vào sử dụng, phục vụ cho hơn 1.000 hộ dân xã Trà Mai, 30 cơ quan, đơn vị và 6 trường học trên địa bàn trung tâm huyện.

Để công trình nước sạch với tổng chiều dài đường ống hơn 7km và các công trình phụ trợ liên quan khác hoàn thành, người dân Nam Trà My đã tự nguyện hiến mặt bằng, đất đai để thi công công trình. Hơn ai hết, người dân đã thấy được sự cần thiết của việc sử dụng nguồn nước đảm bảo chất lượng.

Bà Nguyễn Thị Ren (thôn 2, xã Trà Mai) vui mừng: “Bao đời nay chúng tôi chủ yếu sử dụng nước từ khe suối đưa về. Nắng nóng phải hứng nước nhỏ giọt; mưa thì đục ngầu, đầy đất cát, có khi cả tuần phải hứng nước mưa để dùng. Nhiều lần cán bộ y tế về nói như thế là không tốt cho sức khỏe, biết thế nhưng đành chịu. Giờ có nước máy rồi, mừng lắm. Chỉ cần xoay nút là có nước”.

Thanh niên... kéo nước

Thôn Mực cách trung tâm thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang) khoảng 1km với 115 hộ dân là đồng bào dân tộc Cơtu. Nhiều năm qua, người dân trong thôn chủ yếu sử dụng nước trực tiếp tại các mạch nước tự nhiên để sinh hoạt hàng ngày. Vào mùa khô phải tích trữ từng can nước để dùng, có khi nước phèn đỏ rực thiếu an toàn cho sức khỏe.

Bấy lâu nay, gia đình anh A Rất Then cũng như nhiều hộ dân khác ở thôn vẫn phải đi bộ cả cây số để giặt giũ quần áo rồi gánh nước về nhà sinh hoạt. Anh Then cho biết: “Nước ăn uống còn khan hiếm nên chuyện tắm giặt của gia đình chủ yếu từ con suối Điêng cạn đục này. Tắm giặt ở đầu nguồn còn sạch chứ dùng nước ở đoạn chảy qua thôn dơ lắm. Bởi thế nên người dân, nhất là các em nhỏ ở đây thường bị ngứa, mưng mủ ngoài da”.

Trước tình cảnh khó khăn của người dân về nguồn nước sinh hoạt, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Quảng Nam đã vận động được 100 triệu đồng và huy động sức lực của 70 thanh niên trên địa bàn tỉnh tham gia đào, đặt đường ống bằng nhựa chuyên dùng có đường kính 42mm dẫn nước về cho bà con trong thôn sử dụng. Tại trung tâm thôn Mực xây dựng bể chứa nước trên 17m3, từ đó các hộ có thể nối các đường ống dẫn về nhà để sinh hoạt. Không còn cảnh những sơn nữ ngồi giặt quần áo hai bên bờ suối hay oằn lưng gánh từng thùng nước về nhà nữa.

NGUYÊN KHÔI - QUANG QUỲNH

Tin cùng chuyên mục