Theo Chi cục Kiểm lâm Cà Mau, tỉnh này hiện có đàn cá sấu hơn 20.000 con với hàng trăm hộ dân đăng ký nuôi, nhưng việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ đang rất khó khăn. Cá sấu từ 130.000 đồng/kg hiện rớt giá xuống còn 60.000 - 70.000 đồng/kg vẫn không có người mua. Nhiều người nuôi cá sấu ở Cà Mau tự đi tìm nơi tiêu thụ cho đàn cá sấu của mình như ký hợp đồng cung cấp da cá sấu cho những cơ sở, công ty may da nội địa tại TPHCM.
Nhưng đó cũng chỉ là những giải pháp tình thế, mang tính tự phát và không ổn định. Nhiều hộ nuôi cá sấu không có lãi, thậm chí bị thua lỗ sau khi trừ chi phí xây chuồng trại, mua con giống, thức ăn. Một nguồn lợi kinh tế đang bị bỏ phí suốt nhiều năm qua.
Một tin vui đã đến với những hộ nuôi cá sấu ở Cà Mau. Đó là việc Công ty TNHH Chăn nuôi và Chế biến cá sấu Tồn Phát ở huyện Củ Chi, TPHCM sắp đưa vào hoạt động nhà máy thuộc da, chế biến thịt cá sấu công suất 30.000 con/năm, vốn đầu tư xây dựng hơn 25 tỷ đồng với thị trường xuất khẩu Italia, Australia, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc...
Công ty đã ký hợp đồng dài hạn với người nuôi cá sấu ở Cà Mau theo phương thức chuyển giao công nghệ nuôi, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng chuồng trại, cung cấp giống đạt chuẩn, chất lượng tốt và bao tiêu sản phẩm nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, chủ động sản xuất.
Trước mắt, để giải quyết lượng cá sấu đã đến kỳ xuất chuồng đang ứ đọng trong dân, Công ty Tồn Phát hợp đồng với nhiều hộ dân nuôi dưỡng da cá sấu theo hướng dẫn kỹ thuật của công ty. Đây là loại hình nuôi nhốt chăm sóc riêng, mỗi con một chuồng nhằm chống trầy xước, kết hợp sử dụng kháng sinh để làm liền da, diệt khuẩn, chống rong rêu, tạo ra tấm da đẹp, chất lượng cao. Thời gian nuôi dưỡng trên dưới 9 tháng và được công ty bao tiêu sản phẩm với giá 100.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, để nghề nuôi cá sấu thật sự ổn định và bền vững, nông dân Cà Mau vẫn rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, nhất là các ngành chức năng tỉnh về xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, tạo điều kiện về hành lang pháp lý, thành lập hiệp hội để trên cơ sở đó có kế hoạch đầu tư phát triển mạnh, khai thác hiệu quả tiềm năng nguồn kinh tế còn đang bị bỏ ngỏ.
Khi con cá sấu có đầu ra, thị trường tiêu thụ ổn định, sản phẩm này sẽ trở thành nguồn lợi có giá trị kinh tế cao cho nông dân trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi và góp phần xóa đói giảm nghèo. Đây là nguồn lợi tiềm năng kinh tế rất lớn cần tổ chức nuôi và khai thác hiệu quả, giúp nông dân vươn lên làm giàu chính đáng.
Cao Phong – Huy Tấn