Từ quý 4-2010 đến nay, giá cá tra nguyên liệu liên tục tăng cao, giúp người nuôi phấn chấn sau thời gian dài lỗ nặng. Cứ ngỡ nghề cá sẽ trở lại thời hoàng kim khi giá trong nước lẫn giá xuất khẩu đều tăng, nhưng giữa tháng 5-2011 giá cá đảo chiều giảm mạnh, đẩy hàng loạt hộ nuôi đứng bên bờ vực phá sản.
Nghịch lý: thiếu cá - giá vẫn giảm?
Hiện nay người nuôi cá tra ở ĐBSCL lo lắng vì giá cá nguyên liệu đang dưới mức chi phí giá thành. Càng lo hơn khi lượng cá quá lứa (cá trên 1kg/con) bán chẳng ai mua. Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang, cho biết: “Chuyện một số hộ dân đang còn tồn đọng cá quá lứa là có thật, nhưng không đến mức thừa mấy chục ngàn tấn như những thông tin đã đưa”.
Để phát triển bền vững nghề cá, Bộ NN-PTNT đã có đề án trình Chính phủ phê duyệt, đồng thời lấy ý kiến các ngành liên quan. Chính phủ đã đưa cá tra vào nhóm sản phẩm chiến lược, đồng thời đề ra chính sách hỗ trợ trên nhiều mặt. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là nguồn vốn đang thiếu; trong khi nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra đòi hỏi vốn rất lớn. Thiếu vốn, cộng với ngân hàng dè dặt với nghề cá nên mọi chuyện cứ giậm chân tại chỗ. |
Theo ông Bình, khi thấy giá cá giảm liên tục nên nhiều người nuôi sốt ruột kêu bán tràn lan. Có một hộ nuôi 1.000 tấn cá và kêu đến 10 nhà máy cùng lúc để mong bán được càng nhanh càng tốt. Vậy là ngành chức năng thống kê lên 10.000 tấn, thay vì thực tế chỉ có 1.000 tấn? Ông Bình cho rằng, lượng cá nguyên liệu ở An Giang hiện nay vẫn thiếu và nhiều nhà máy chế biến không thể chạy hết công suất.
Tại Đồng Tháp, Vĩnh Long, TP Cần Thơ… tình hình cũng tương tự, các nhà máy chỉ hoạt động khoảng 50% - 60% công suất. Điều này cho thấy lượng cá tra vẫn không đủ cung cấp. Theo ông Nguyễn Trạng Sư, Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), khảo sát mới nhất cho thấy, lượng cá toàn huyện hiện nay không nhiều. Về cơ bản “cung vẫn không đủ cầu”, nhất là số lượng cá loại nhỏ rất ít.
Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP), thừa nhận: Từ đầu năm đến nay, lượng cá tra ở các tỉnh thành ĐBSCL thiếu khoảng 20% - 30% so nhu cầu chế biến xuất khẩu. Theo dự báo, đến cuối năm nguồn nguyên liệu sẽ tiếp tục thiếu hụt.
Giải quyết việc này, Bộ NN-PTNT phối hợp cùng VASEP đề nghị các doanh nghiệp nỗ lực mua hết cá, chia sẻ khó khăn với người nuôi. Theo Bộ NN-PTNT, đây là thời điểm các doanh nghiệp cần thể hiện trách nhiệm với người nuôi; bởi thời gian qua doanh nghiệp phất lên cũng nhờ người nuôi cung ứng nguyên liệu. Tuy nhiên, để việc tiêu thụ cá quá lứa được nhanh, Bộ NN-PTNT đề nghị các ngân hàng có chính sách hỗ trợ nguồn vốn, giúp doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua.
Lãnh đạo Công ty cổ phần Thủy sản Gò Đàng cho biết, từ ngày 1-7 trở đi nếu các doanh nghiệp đồng lòng mua hết lượng cá tồn đọng trong dân thì tình hình sẽ cải thiện trở lại và giá cá tăng lên. Vấn đề là ngành chức năng phải có chính sách và chế tài để thực hiện, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau.
Nuôi cá nhỏ lẻ “hết thời”
Sở NN-PTNT An Giang, trăn trở: “Sau 2 năm 2008 và 2009, giá cá quá thấp khiến nhiều hộ lỗ nặng phải bỏ nghề. Nay nghề cá mới phục hồi thì tái diễn cảnh cũ. Với tình hình này sẽ có không ít hộ treo ao và chuyện thiếu nguyên liệu sẽ tái diễn”.
Ông Mai Đăng Hòa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủy hải sản Sài Gòn - Mê Kong thừa nhận: “Thời gian qua các doanh nghiệp luôn ám ảnh chuyện bị động về nguyên liệu nên đã ra sức đầu tư xây dựng vùng nuôi cá riêng. Đến nay, nhiều nhà máy chủ động được từ 30% - 40% lượng nguyên liệu trở lên và tới đây sẽ còn tiếp tục mở rộng thêm”.
Ông Hòa cho rằng, cùng với chủ động lượng cá cho nhà máy thì các nhà nhập khẩu đang đòi hỏi sản xuất cá tra phải sạch theo tiêu chuẩn Global GAP. Nuôi Global GAP đầu tư lớn, tốn nhiều công sức nên hộ nhỏ lẻ khó thực hiện, chỉ có doanh nghiệp lớn mới đủ điều kiện làm. Đây cũng là xu thế tất yếu để tồn tại và phát triển nghề cá.
Đã đến lúc nghề cá phải mạnh dạn thay đổi theo tình hình mới. Chuyện nuôi nhỏ lẻ, tự phát… cần dừng lại bởi tính rủi ro cao và chất lượng cá khó đảm bảo. Chính quyền địa phương và người dân cũng nên nhận thức rằng, nghề nuôi cá tra không giống như nuôi các loài thủy sản khác bởi đòi hỏi vốn lớn, nắm vững kỹ thuật, am hiểu thị trường, cần liên kết với nhà máy chế biến… Vì vậy, ai thiếu vốn, không rành nghề, không liên kết được với nhà máy… thì chẳng nên nhảy vào để tránh cảnh “tiền mất tật mang”.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP vào chiều 29-6, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lương Lê Phương ủng hộ mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò chính.
Theo ông Phương, nên đưa ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra là ngành “có điều kiện” nhằm tiến tới thành lập những vùng nuôi tập trung quy mô lớn, có đầu tư và quản lý bài bản để hạ giá thành, tăng chất lượng cá theo tiêu chuẩn quốc tế. Đối với doanh nghiệp phải có thị trường, sản phẩm đạt chất lượng, được kiểm tra đầy đủ các tiêu chuẩn mới cho xuất khẩu.
Thứ trưởng Lương Lê Phương khẳng định: Về lâu dài phải đẩy mạnh mô hình nuôi trang trại để dễ kiểm soát “đầu vào – đầu ra”, nhất là vấn đề môi trường nhằm tránh những xuyên tạc của một số nước trên thế giới. Song song đó, Bộ NN-PTNT cũng đang tính toán phát triển đàn cá bố mẹ do vấn đề thoái hóa giống ngày càng cao.
Nhằm khắc phục tình trạng dư thừa cá tra trong dân, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong tháng 7, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra lớn thuộc VASEP sẽ thu mua hết lượng cá tra nguyên liệu còn trong dân. Đối với việc các doanh nghiệp triển khai mua cá quá lứa, trong khoảng 15 ngày tới, thị trường cá tra sẽ ổn định và giá có thể nhích dần lên. |
HUỲNH PHƯỚC LỢI