Năm 2006 một số nhà đầu tư đến xã Tam Thôn Hiệp huyện Cần Giờ TPHCM xây nhà nuôi chim yến. Nhận thấy có hiệu quả, số lượng nhà nuôi chim yến trên địa bàn huyện Cần Giờ ngày càng tăng và mở rộng ra các xã Bình Khánh, An Thới Đông, Lý Nhơn, Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh. Nuôi chim yến đã trở thành hướng sản xuất mới ở Cần Giờ sau khi việc nuôi tôm ở đây đi vào thoái trào.
Tự phát, thử nghiệm song hành
Tại cuộc họp xây dựng Đề án nuôi thí điểm chim yến ngày 21-4-2009, UBND huyện Cần Giờ cho phép tồn tại và tiếp tục hoạt động đối với 17 nhà nuôi chim yến được đầu tư, xây dựng trước thời điểm ngày 10-10-2008 (ngày UBND TPHCM có văn bản chấp thuận), gồm 12 căn nhà trong khu dân cư và 5 căn ngoài khu dân cư trên địa bàn xã Tam Thôn Hiệp (11 căn), Bình Khánh (1 căn), An Thới Đông (1 căn), Lý Nhơn (1 căn), Long Hòa (1 căn), thị trấn Cần Thạnh (2 căn), với tổng diện tích xây dựng khoảng 8.101m².
Đề án năm 2009 cho phép nhà đầu tư xây dựng 10 căn nhà nuôi thử nghiệm trong khu nuôi trồng thủy sản trước đây, dự kiến sẽ quy hoạch khu nuôi chim yến sau này cách xa khu dân cư (trên 250ha) tại xã Tam Thôn Hiệp. Hiện nay, ở huyện Cần Giờ, đã có 77 căn nhà nuôi chim yến với 34.688,4m² xây dựng. Đã có 17 căn có sản phẩm thu hoạch và 60 căn mới xây dựng, gây nuôi chưa có sản phẩm.
Theo nhận định ban đầu, nuôi chim yến tạo việc làm cho lao động địa phương (xây dựng, bảo vệ). Nhưng vốn đầu tư lớn, bình quân 3 tỷ đồng/khu đất nuôi yến, nên chủ yếu thu hút nhà đầu tư từ nội thành và các tỉnh (77 người). Tuy nhiên, chỉ có 20 căn được phép hoạt động (gồm 17 căn trước thời điểm 10-10-2008 và 3 căn trong đề án nuôi thử nghiệm). Như vậy có 57 căn xây dựng gây nuôi trái phép (đất thổ cư hoặc mua nhà, chuyển công năng sang nuôi yến). Trong khi đó, hiện mới có 3/10 nhà nuôi chim yến (đề án thử nghiệm) xây dựng hoàn chỉnh đang dẫn dụ chim yến về làm tổ, 7 căn còn lại xây dựng. Như vậy, so với việc nuôi tự phát bên ngoài các điểm nuôi thử nghiệm tỏ ra chậm chân.
Theo kế hoạch, đến tháng 5-2011, huyện sẽ tiến hành sơ kết và tháng 5-2012 sẽ tổng kết Đề án nuôi thí điểm chim yến tại huyện Cần Giờ.
Đầu tư lớn, lợi nhuận... còn tùy
Sản lượng thu hoạch của 17 nhà nuôi chim yến qua các năm như sau: năm 2008 thu hoạch 60 kg/17 căn, năm 2009 thu 250 kg/17 căn, năm 2010 thu hoạch 400kg/17 căn, với đơn giá thị trường 35 triệu đồng/kg yến thô, tổng trị giá khoảng 14 tỷ đồng. Nhưng để có kết quả này đòi hỏi vốn đầu tư xây dựng nhà nuôi chim yến rất lớn.
Theo khảo sát của huyện, chi phí đầu tư tùy theo công nghệ, kỹ thuật (phương pháp của Malaysia 7.000.000 đồng/m², Indonesia 3.000.000 đồng/m², Việt Nam 1.900.000 đồng/m²). Chi phí đầu tư hoàn chỉnh một nhà nuôi yến khoảng 1,9 - 3 tỷ đồng trên đất có diện tích 250m², diện tích sàn xây dựng khoảng 780m². Hiện nay vẫn chưa tính được hiệu quả nuôi chim yến theo đề án nuôi thí điểm 10 căn do mới triển khai chưa đủ thời gian cho ra sản phẩm.
Nhưng qua khảo sát 8/17 hộ (của 4 nhà đầu tư nuôi hợp pháp) đang nuôi và đã có thu hoạch tổ yến ổn định sau một năm gây nuôi đã thu hoạch bình quân khoảng 1kg tổ yến/tháng/nhà. Các năm tiếp theo từ 2 - 5kg tổ yến/tháng/nhà, sau 3 năm có thể thu hồi được vốn và có lãi. Tuy nhiên, đây là các trường hợp nuôi yến thành công, thực tế mỗi nhà có sản lượng thu hoạch khác nhau, có hộ chưa thu được tổ yến nào, nhưng cũng có hộ thu được rất nhiều như hộ bà Trần Bạch Mai.
Theo đánh giá của nhà đầu tư, huyện Cần Giờ có điều kiện phát triển nghề nuôi chim yến nhờ thổ nhưỡng, vùng sông nước, có diện tích rừng ngập mặn hàng chục ngàn hécta, lại gần biển là nguồn thức ăn dồi dào để phát triển nghề nuôi chim yến trong nhà tương tự như tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, Long An, TP Vũng Tàu và các nước như Indonesia, Malaysia…
Tuy nhiên, việc nuôi chim yến trong khu dân cư có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân khi mật độ nuôi quá dày, không phù hợp. Ông Lê Văn Thơm, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho rằng, việc phát triển ngành nuôi yến cần có nghiên cứu của các nhà khoa học, cơ quan quản lý chuyên ngành để kết luận chính xác và khoa học hơn. Quy trình thủ tục gây nuôi phải đúng. Cần ban hành các chính sách quản lý để phát triển ngành nghề mới cũng như mở rộng diện tích.
CÔNG PHIÊN