Nuôi chim yến tự phát: Thận trọng, hạn chế rủi ro

Thành công bước đầu trong việc nuôi chim yến tại huyện Cần Giờ (TPHCM) mở ra hướng đầu tư mang lại hiệu quả cho nghề nuôi yến. Tuy nhiên, việc mở rộng vội vã, tự phát, nghề nuôi yến liệu có tránh khỏi vết xe đổ như thất bại của con tôm sú ở vùng đất này.
Nuôi chim yến tự phát: Thận trọng, hạn chế rủi ro

Thành công bước đầu trong việc nuôi chim yến tại huyện Cần Giờ (TPHCM) mở ra hướng đầu tư mang lại hiệu quả cho nghề nuôi yến. Tuy nhiên, việc mở rộng vội vã, tự phát, nghề nuôi yến liệu có tránh khỏi vết xe đổ như thất bại của con tôm sú ở vùng đất này.

Cần Giờ - Đất lành chim đậu?

Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian ngắn ở TPHCM có đến 3 buổi hội thảo liên quan đến việc nuôi chim yến, dù phải đóng tiền nhưng có rất nhiều người đến đăng ký nghe và tìm hiểu. Có hội thảo tập huấn, người tham dự đóng 1.500USD. Những lần hội thảo này, Cần Giờ là địa bàn được ban tổ chức chọn làm địa điểm tham quan và… tiếp thị. Đây cũng là nơi cạnh tranh giữa công nghệ nuôi yến của các nước và trong nước. Hiện nay, khoảng 60% số nhà yến được xây dựng áp dụng công nghệ Malaysia. TPHCM đã quy hoạch khu nuôi yến tập trung ở Cần Giờ, nhưng vẫn còn đang trong giai đoạn thử nghiệm.

Cách đây khoảng 10 năm, con tôm sú trở thành vật nuôi “nóng” ở vùng đất Cần Giờ. Nhiều nhà đầu tư ở nội thành TPHCM và các tỉnh tràn về huyện Cần Giờ để nuôi tôm sú. Chỉ vài năm sau, An Thới Đông trở thành trung tâm nuôi tôm sú công nghiệp của huyện. Hàng loạt các cửa hàng và dịch vụ thức ăn chăn nuôi, con giống mọc lên… Nhưng khi dịch bệnh hoành hành, nghề nuôi tôm sú lắng xuống, không ít người bị phá sản. Giờ đây, Cần Giờ lại nổi lên là vùng đất lành của chim yến, một lần nữa vùng đất này lại thu hút nhiều người đến mua đất, xây nhà, nuôi yến. Lần này, nhà đầu tư không chỉ ở TPHCM, các tỉnh lân cận mà có cả Việt kiều về đây đầu tư, người Malaysia thông qua người thân đến đây đầu tư và thành công rực rỡ.

Phố nhà yến tại huyện Cần Giờ. Ảnh: MINH CHÂU

Phố nhà yến tại huyện Cần Giờ. Ảnh: MINH CHÂU

Ông Phan Trọng Đức, Phó phòng Kinh tế huyện cho biết, Cần Giờ là địa phương đầu tiên được TP cho nuôi thí điểm chim yến. Xã Tam Thôn Hiệp, giáp ranh với xã An Thới Đông là nơi được quy hoạch khoảng 250ha đất để nuôi thử nghiệm. Toàn huyện có 17 hộ gia đình làm nhà nuôi yến được hợp thức hóa. Trong đó, có 11 nhà nuôi ở khu dân cư, 6 nhà nuôi trong khu tập trung (đang thử nghiệm).

Tuy nhiên, theo báo cáo của các xã trên địa bàn huyện Cần Giờ hiện đã có 101 nhà nuôi yến. Và trên thực tế, con số này cao hơn, khoảng 130 nhà. Việc tăng lên này là do người dân xin phép xây dựng nhà ở, nhưng thực chất là để nuôi yến, tình trạng này xảy ra ở các xã như Long Hòa, Lý Nhơn, Bình Khánh, thị trấn Cần Thạnh, An Thới Đông. Tại Cần Giờ, duy nhất chỉ có xã đảo Thạnh An chưa có nhà nuôi yến.

Đầu tư nuôi yến ở Cần Giờ còn khá mới, chưa thể có kết luận chính xác về tính hiệu quả. Tuy nhiên, ghi nhận từ người nuôi thì tình hình khá khả quan, hiện có đến 70%-80% nhà nuôi có chim yến vào làm tổ. Trong đó, có nhà thu được 30kg mỗi tháng, trị giá khoảng 1,2 tỷ đồng.

Ông Raymond Tan, Tập đoàn Korayco Resources -Malaysia cho biết, TPHCM và nhiều địa phương khác ở phía Nam như khu vực hồ Dầu Tiếng (Bình Dương), Gò Công (Tiền Giang), Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu… có tiềm năng lớn về nuôi yến trong nhà. Hiện Cần Giờ có nhiều nhà yến có giá trị kinh tế lên đến 800.000USD.

Theo ông Nguyễn Phước Trung, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, nghề nuôi yến đang mở ra tiềm năng rất lớn cho Việt Nam nói chung và huyện Cần Giờ nói riêng. TPHCM đang xem xét quy hoạch, đầu tư công nghệ nuôi yến để phát triển mạnh nghề nuôi yến tại Cần Giờ.

Nuôi tự phát và những lo ngại

Chất lượng tổ yến của Việt Nam được các chuyên gia từ Malaysia đánh giá rất cao, giá khoảng 2.500 USD/kg, gần gấp đôi giá tổ yến Malaysia, nhưng chi phí đầu tư ban đầu lại thấp hơn. Theo nhận định, chim yến có thể nuôi công nghiệp ở Việt Nam và TPHCM hoàn toàn có khả năng trở thành trung tâm thúc đẩy phát triển công nghiệp nuôi chim yến, bởi nó phù hợp với nền nông nghiệp đô thị mà TPHCM đang hướng đến. Công nghệ nuôi yến trong nhà khá đơn giản nhưng phải đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và đúng địa bàn yến sinh sống.

Tiến sĩ Lê Võ Định Tường, Viện Công nghệ Hóa học (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng, tổ yến sẽ trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong tương lai nếu chúng ta biết cách khai thác. Với thế mạnh về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nhờ bờ biển dài, lại có nhiều đảo và hệ thống rừng ngặp mặn nên có tiềm năng cho phát triển công nghiệp nuôi yến. Rừng ngập mặn Cần Giờ của TPHCM đang có lợi thế nuôi yến khi sở hữu khu dự trữ sinh quyển thế giới rộng trên 30.000 ha.

Mới đây, tại buổi họp về tình hình nuôi chim yến ở TPHCM, không chỉ Cần Giờ đề nghị mở rộng nuôi yến lên 500 ha ra nhiều xã khác trên địa bàn huyện, mà nhiều huyện, quận khác như Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè, quận 9 cũng kiến nghị cho phép quy hoạch nuôi chim yến. Trong khi đó, tại các quận nội thành như quận 2, 3, Bình Thạnh… cũng có nhiều nhà nuôi yến. Các địa phương đề xuất TP sớm có quyết định chính thức về việc nuôi yến và đồng thuận; không nuôi yến trong khu dân cư.

Ông Lê Hữu Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa cho rằng, tiềm năng nghề nuôi yến cả nước còn rất lớn. Đây là thời điểm vàng cho sự phát triển nghề nuôi yến trong nhà và hải đảo. Nhưng cần định hướng trên cơ sở quy hoạch chặt chẽ, tránh tình trạng xây nhà không tuân thủ quy hoạch có thể ảnh hưởng đến hiệu quả chung. Thực tế hiện nay cho thấy, nghề nuôi yến trong nhà đang phát triển theo hướng tự phát, do địa phương chưa có quy hoạch cụ thể nên dễ dẫn đến rủi ro cho nhà đầu tư và ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển chung của nghề nuôi yến trong nhà. Điều này cần tránh vết xe đổ từ con tôm sú. Lúc đó, ao nuôi tự phát dày đặc, sau mới có quy hoạch, dẫn đến việc tiêu thoát nước gặp trở ngại, hậu quả là cả vùng nuôi bị dịch bệnh do lây lan từ nguồn nước.

Cần Giờ trở thành nơi tiếp thị và cạnh tranh giữa các công nghệ nuôi yến, nhưng không thể chắc chắn thành công hoàn toàn. Theo ông Phan Trọng Đức, việc một nhà nuôi yến đang xây bị sập ở An Thới Đông mới đây cho thấy còn không ít bất cập trong quản lý. Đã có trường hợp lắp đặt tổ giả trong nhà yến để tiếp thị… Những biến tướng này cần được chấn chỉnh để nghề nuôi yến đi đúng hướng.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục