Nuôi cua thương phẩm bằng con giống sinh sản nhân tạo

Minh Hiếu

Gắn bó với bờ ao, ruộng vườn suốt mấy chục năm nên không ngạc nhiên khi nói ông là một nông dân thuần túy. Nhưng không phải thuần túy với những cái cũ, lạc hậu, mà ông còn luôn trau dồi, tiếp cận những cái mới, cái hay trong sản xuất, để học tập và nâng cao năng suất, xây dựng kinh tế gia đình ổn định. Người nông dân ấy chính là ông Nguyễn Văn Năng, 54 tuổi, ở Tổ 11, Ấp 3, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TPHCM.


Ông là một trong những hộ có thâm niên mười mấy năm về nuôi trồng thủy sản và chủ yếu là nuôi tôm. Nhưng gần đây việc nuôi tôm gặp nhiều khó khăn, do thời tiết không thuận lợi, dịch bệnh xảy ra thường xuyên, giá cả bấp bênh phụ thuộc nhiều vào thương lái… Do đó, sau khi được tham gia các lớp tập huấn về nuôi trồng thủy sản do Hội Nông dân, Trạm Khuyến nông huyện tổ chức giúp nông hộ lựa chọn và đa dạng hóa các đối tượng nuôi, tạo sản phẩm an toàn hiệu quả và tăng năng suất… ông đã mạnh dạn tham gia mô hình “Nuôi cua thương phẩm bằng con giống sinh sản nhân tạo” do Trạm Khuyến nông huyện Nhà Bè - quận 7 triển khai.

Sau khi tham gia mô hình, ông nhận thấy so với nuôi tôm, thì nuôi cua biển bằng con giống sinh sản nhân tạo chi phí không cao, nhưng giá trị kinh tế mang lại cao; nuôi con giống này không nặng công chăm sóc và đây lại là đối tượng dễ nuôi, phù hợp với điều kiện sinh thái tự nhiên ở địa phương về độ mặn, độ kiềm, pH… (độ mặn ở xã Phước Hiệp, huyện Nhà Bè thường dao động từ 0 - 15%0/năm). Vì thế, khi được nhà nước hỗ trợ, ông đã nuôi 3.000 con giống /2.000m2, qua 3 tháng nuôi, sau khi trừ chi phí hộ ông lãi khoảng 45 triệu đồng/vụ.

Tham gia mô hình và là người trực tiếp sản xuất, nên khi được hỏi về đặc điểm cũng như kỹ thuật nuôi giống cua này, ông chia sẻ, trước đây hộ của ông cũng như các hộ nuôi cua khác ở địa phương đa phần sử dụng giống cua tự nhiên, kích cỡ không đồng đều, nên chúng dễ cắn, giết nhau, vì thế hiệu quả nuôi không được cao. Đồng thời, cua giống tự nhiên ngày càng khan hiếm, trong khi đó tỷ lệ kích cỡ cua nhân tạo đồng đều hơn, hạn chế việc ăn thịt lẫn nhau, giúp người nuôi ít tốn công chăm sóc, ít bị hao hụt trong quá trình nuôi. Ngoài ra, khi nuôi cua nhân tạo người nuôi sẽ ít tốn công chăm sóc, vì chủ yếu dùng thức ăn công nghiệp, mà giá thành đầu ra lại ổn định hơn nuôi cua tự nhiên… Tất cả những yếu tố đó đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho hộ nuôi.

Minh Hiếu

Tin cùng chuyên mục