Nuôi dạy con cái “thế hệ vàng”

Lần đầu tiên sau hơn 50 năm, Việt Nam đã thay đổi chính sách dân số từ sinh đẻ có kế hoạch sang “nới sinh”, khuyến khích sinh đủ hai con và không phạt người sinh con thứ ba. Thế nhưng, tâm lý ngại sinh nhiều con và chỉ dừng ở một con đang là lựa chọn của nhiều cặp vợ chồng trẻ. 

 

Và thế hệ “con vàng con bạc” đã và đang để lại nhiều hệ lụy trong giáo dục, hình thành nhân cách của giới trẻ.
Nuôi dạy con cái “thế hệ vàng” ảnh 1 Nuôi dạy đúng hướng, những đứa trẻ thuộc “thế hệ vàng”  ở thế kỷ này sẽ phát triển tốt       Ảnh: HẢI NGÂN
 Ngại sinh con…

Mặc dù cậu con trai đã tròn 10 tuổi nhưng vợ chồng chị Thanh ở quận Bình Thạnh (TPHCM) vẫn chưa dám sinh con thứ hai, dù rất thèm khát một cô con gái. Chị Thanh bộc bạch: “Tốt nghiệp đại học và làm việc ở công ty tư nhân, thu nhập của hai vợ chồng khoảng 15 triệu đồng/tháng. Cuộc sống đô thị đắt đỏ, chúng tôi phải chi đủ thứ để tồn tại. Nào tiền thuê nhà (3 triệu đồng/tháng), chi phí ăn uống, sinh hoạt, đi lại, việc nuôi một đứa con ăn học đàng hoàng, kể cả học ngoại ngữ cũng mất gần 5-6 triệu đồng (chiếm 1/3 thu nhập). Nếu sinh thêm một đứa con nữa chúng tôi sẽ chật vật, không thể kham nổi về tài chính, lo cho con đầy đủ…”. Đó là chưa kể nhiều cặp vợ chồng trẻ dù có thu nhập tốt cũng ngại sinh nhiều con. Họ cùng “chốt” chỉ sinh một để lo cho con đầy đủ, phát triển tốt nhất và cha mẹ có điều kiện thụ hưởng cuộc sống hiện đại ít thời gian. Thậm chí, có một số ít vợ chồng còn tính toán kỹ, lên kế hoạch 5 năm sau lễ cưới mới sinh con để tích lũy tiền mua nhà, chuẩn bị tài chính… Thế nhưng, vì kế hoạch quá lâu, đến lúc muốn sinh thì họ lại gặp trục trặc, không thể sinh tự nhiên. Thực tế cho thấy, ở các đô thị lớn, rất ít cặp vợ chồng dám sinh con thứ ba và tỷ lệ muốn hoặc “lỡ” này cũng không nhiều. Thách thức lẫn áp lực của cuộc sống hiện đại đang nảy sinh tâm lý ngại sinh con trong những gia đình trẻ. Vì  thế, mức sinh tại nhiều nơi, trong đó TPHCM đã xuống mức thấp nhất. Nếu mức sinh ở khu vực  Đông Nam bộ dưới 1,7 con/mẹ, đồng bằng sông Cửu Long là 1,8 con/mẹ, thì TPHCM dao động ở mức 1,3-1,45 con/mẹ.

Theo các chuyên gia dân số và xã hội, mức sinh thấp sẽ khiến tỷ lệ người già tăng nhanh, thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ trong tương lai. Tuy nhiên, điều lo ngại khác là việc chỉ dừng sinh con từ 1-2 trong mỗi gia đình, nhất là lựa chọn chỉ sinh 1 sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy khó lường. Đó là, xã hội, gia đình sẽ đối mặt với thực trạng thế hệ “con vàng” và việc nuôi dạy, hình thành nhân cách, bổ sung kỹ năng sống của thế kỷ 21 cho trẻ em sẽ gặp nhiều khó khăn, trở ngại. 

Con một, khó dạy dỗ

Nhiều giáo viên không ngần ngại chia sẻ rằng: “Thời nay, dạy học trò khó quá vì nhiều em vừa là con một vừa là con cưng, “con vàng” của gia đình hoặc cả dòng tộc”. Được nuông chiều, được đón nhận quá nhiều tình yêu thương chăm sóc của ông bà, cha mẹ, cô dì, chú bác, nhiều em sống ích kỷ, chỉ biết mình là trung tâm của vũ trụ, không biết hòa nhập, sẻ chia hay biết nhìn xuống. Khi không được thầy cô giáo, bạn bè quan tâm thì những “cậu ấm, cô chiêu” này lại phản ứng tiêu cực bằng cách gây sự, chọc phá bạn bè hoặc dùng bạo lực để thể hiện cái tôi của mình. Trong một diễn đàn “Nuôi dạy trẻ nên người”, nhiều bậc cha mẹ thời nay tỏ ra lúng túng, hoang mang trước nhiều cách nuôi dạy con cái. Một phụ nữ chia sẻ: “Khi nhận thấy cậu con trai duy nhất học lớp 8 của mình không biết nghe lời, sống ích kỷ, không biết sẻ chia, tôi và chồng cũng hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến hệ quả này. Vì hiếm muộn và là cháu nội đích tôn nên cháu được ví còn quý hơn vàng. Cháu luôn là trung tâm vũ trụ của cả gia đình nội ngoại và ai cũng cưng chiều, làm những gì tốt nhất cho nó. Nhận thấy những tính xấu, hạn chế của con trong ứng xử, hành xử nhưng gia đình gồm ba thế hệ ở chung lại mâu thuẫn trong cách dạy dỗ, uốn nắn cháu...”. Do không tạo điều kiện cho con trải nghiệm với khó khăn, cọ xát với thử thách đa sắc màu cuộc sống nên cậu bé không thể có cảm nhận rằng bản thân quá sung sướng, được thụ hưởng quá nhiều về vật chất lẫn yêu thương. Trong khi đó, ngoài xã hội còn có rất nhiều mảnh đời khốn khó, thiệt thòi nhưng họ vẫn cố gắng vươn lên, biết sẻ chia và sống có ích.

Nhận định về vấn đề này, Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Thúy chia sẻ: “Con trẻ cần bản lĩnh để sống trong cuộc đời có nhiều thay đổi, biến động. Con trẻ cần được thử thách để biết mình có thể làm gì, không thể làm gì. Cha mẹ muốn con có được những điều này để có bản lĩnh, tự tin độc lập, sống hạnh phúc, thành công thì tránh xa sự nuông chiều con thái quá. Càng nuông chiều, trẻ càng yếu đuối, phụ thuộc và ích kỷ. Cho trẻ muốn gì được nấy thì chẳng khác nào “yêu con kiểu ấy bằng mười hại con”. Đúng như ông bà ta nói: “Ghét cho ngọt cho bùi” và chiều con là ghét con, yêu con sai cách”. Cũng theo chuyên gia này, cha mẹ cần dạy con có khuôn phép và cho trẻ tự do trong khuôn khổ. Đó là kiểu dạy con dân chủ. Khi cha mẹ lắng nghe suy nghĩ con cái, hiểu nhu cầu của chúng, phân tích đúng sai và giúp con hiểu rõ điều gì nên làm, không nên làm thì trẻ sẽ thấy mình được yêu thương, tôn trọng.

Thực tế cho thấy, trong xu thế sinh ít con như hiện nay, việc nuôi dạy con cái, nhất là con một sẽ khó khăn hơn thời trước. Thế nhưng, nếu biết cách nuôi dạy đúng hướng thì những đứa trẻ thuộc “thế hệ vàng” ở thế kỷ này sẽ phát triển tốt, có thể hội nhập, thích ứng đòi hỏi cao của xã hội, thị trường lao động thời công nghiệp 4.0. 

Tin cùng chuyên mục