Nuôi heo... đất

Đi dọc biên giới miền Trung, ghé thăm bất cứ đồn biên phòng nào, chúng tôi cũng được nghe kể về chuyện nuôi heo của các chiến sĩ. Heo ở đây là heo đất. Mỗi ngày, heo “ăn” một bữa chính cố định vào buổi sáng, sau cuộc họp giao ban. Đã thành thông lệ, họp xong, anh nuôi ôm heo ra bàn. Từ lãnh đạo cho tới các chiến sĩ, người bỏ 500-1.000 đồng, người 4.000-5.000 đồng.

Ai không có nhiều thì dồn lại mỗi tuần cho heo ăn một lần. Để heo nhanh “tăng trọng”, mỗi kỳ lãnh lương, lãnh trợ cấp hay các chế độ khác, lãnh đạo vận động mọi người cho heo ăn một bữa đặc biệt. Mỗi khi đơn vị, tập thể hay cá nhân nào của đồn được khen thưởng, mọi người cũng không quên dành phần cho chú heo của mình.

Thông thường, người nuôi heo thường đợi cho đến khi heo thật béo, khi năm hết, tết đến mới đem ra mổ. Thế nhưng heo của bộ đội thì có thể bị đem mổ đột xuất bất cứ lúc nào. Chuyện đột xuất có thể là chuyện một gia đình trong bản bị hỏa hoạn, một học sinh học giỏi đột nhiên lâm cảnh mồ côi, một cụ già không nơi nương tựa, một mùa trung thu giữa núi rừng mà các em nhỏ chỉ có trăng chứ không có bánh kẹo, không có đèn ông sao… Thế là heo biến thành đường, thành sữa cho người bệnh, thành chăn màn, áo ấm cho đồng bào nghèo, thành đêm liên hoan rước đèn tháng tám cho những đứa trẻ từ lúc sinh ra cho đến lớn chưa từng biết hình dáng cái đèn lồng phố thị.

Nhiều năm, thiên tai lũ lụt, mưa bão xảy ra thường xuyên, heo chưa kịp “lớn” đã phải mổ ép. Có đồn biên phòng thấy phí tiền mua heo quá, vậy là sáng kiến chế ra chú heo có nắp đậy ở bụng hoặc chiếc thùng quỹ có cánh cửa để tiết kiệm tiền. Có đồn học theo gương Bác Hồ, phát động phong trào “Nắm gạo tiết kiệm, hũ gạo ân tình”, vận động chiến sĩ tiết kiệm khẩu phần để giúp bà con.

Heo của bộ đội nuôi lâu lớn lắm. Bởi tiền lương, tiền trợ cấp của các anh cũng không nhiều. Tiền nuôi heo, thực chất là tiền thuốc lá, cà phê, tiêu vặt mà mỗi người dè sẻn được. Có chiến sĩ mới nhập ngũ, tâm sự: Sống ở núi rừng, đâu mất tiền cà phê, thuốc lá, chơi game. Tiền đó để giúp bà con. Không chỉ vậy, mỗi khi có mưa bão bất ngờ, toàn vùng bị cô lập, các chiến sĩ biên phòng còn phải mở kho, san sớt khẩu phần gạo, cá khô của đồn cho đồng bào trong vùng.
 
Sẽ thật ấm lòng nếu càng ngày càng có thêm nhiều người, nhiều tổ chức, cá nhân ở các địa phương, đơn vị… nuôi heo để góp phần giúp đỡ đồng bào vùng sâu vùng xa còn gặp khó khăn như cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng!

MAI HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục