Nuôi heo rừng ở biển

Cần Giờ (TPHCM) là huyện có thế mạnh nuôi trồng thủy hải sản, nhưng chăn nuôi, nhất là nuôi heo ít được chú ý đến vì điều kiện tự nhiên (thiếu nước ngọt). Từ khi nước ngọt được đưa về, việc chăn nuôi ở Cần Giờ được TP quy hoạch.

Cần Giờ (TPHCM) là huyện có thế mạnh nuôi trồng thủy hải sản, nhưng chăn nuôi, nhất là nuôi heo ít được chú ý đến vì điều kiện tự nhiên (thiếu nước ngọt). Từ khi nước ngọt được đưa về, việc chăn nuôi ở Cần Giờ được TP quy hoạch.

Từ mô hình khuyến nông ban đầu tại xã Long Hòa, Cần Thạnh nay đã mở ra 41 hộ với 1.139 con ở các xã Bình Khánh, An Thới Đông, Lý Nhơn, Long Hòa, Cần Thạnh, Thạnh An. Anh Nguyễn Văn Phần, Chủ tịch Hội Nông dân huyện phấn khởi khi nói về việc nuôi heo rừng thành công, thành phần thức ăn với 95% là rau, củ, quả, cỏ và phụ phẩm công nông nghiệp, 5% còn lại là cám gạo. Mỗi heo rừng trưởng thành cần khoảng 2kg cỏ hoặc thức ăn thô xanh khác và 0,2kg cám gạo mỗi ngày. Chuồng trại nuôi đơn giản, càng gần thiên nhiên càng tốt, ít bệnh tật so với heo thường, chi phí thấp, hiệu quả cao.

Để giúp bà con nông dân miền biển có thêm vật nuôi mới, Trạm Khuyến nông Cần Giờ tổ chức 3 mô hình thí điểm với 8 hộ tham gia gồm 80 con heo rừng lai. Sau 12 tháng, tỷ lệ nuôi sống trên 95%, trọng lượng bình quân heo sơ sinh từ 0,3 - 0,5kg/con, tăng trọng bình quân 180 - 200g/con/ngày. Hiện các hộ nuôi đã giữ lại làm heo sinh sản bán giống. Thông thường, tỷ lệ phối giống đậu thai đối với heo hậu bị bình quân là 50%, giá bán heo con giống hiện nay 200.000 đồng/kg, lợi nhuận hơn 16 triệu đồng/năm.

Nhằm sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của mình ngày một tốt hơn, các hộ chăn nuôi heo rừng xã Long Hòa liên kết thành tổ sản xuất chăn nuôi heo rừng lai. Hiện tổ liên kết sản xuất bán trên 400 con heo rừng lai/tháng. Cũng vậy, việc xây dựng mô hình nuôi heo rừng tại xã Thạnh An mang lại kết quả khá tốt.

Anh Nguyễn Hoàng Anh, một trong những hộ nuôi heo rừng đầu tiên cho biết, nuôi heo rừng rất dễ so với vật nuôi khác; mỗi ngày cho ăn khoảng 2 - 3kg thức ăn (đối với heo trưởng thành). Chủ yếu là ăn thực vật, không lạm dụng thức ăn giàu dinh dưỡng dễ làm giảm chất lượng thịt. Vệ sinh chuồng trại, bỏ thức ăn thừa thải (nếu có), rửa sạch máng ăn mỗi ngày. Có thể nuôi theo dạng nhốt hoặc thả rông ở những nơi có cây xanh, có rào che chắn cẩn thận. Chuồng nuôi cần thông thoáng, sạch sẽ, tránh được mưa tạt, gió lùa. Heo cái mỗi năm đẻ hai lứa, mỗi lứa từ 7 đến 10 con. Sau khi phối giống khoảng 115 ngày thì heo đẻ. Khi heo con khoảng 2 tháng đã cứng cáp, ăn được thì cai sữa, tách bầy. Heo sơ sinh có thể đạt 300 - 500g/con, 12 tháng tuổi đã đạt 60%-70% trọng lượng trưởng thành.

Theo anh Huỳnh Công Toại, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Hòa, nuôi heo rừng lai trong thời gian qua tại địa phương rất khả thi mang lại lợi nhuận cho bà con nông dân. Tuy nhiên, trước khi nuôi cần tham khảo kinh nghiệm về chọn con giống tốt, tính toán nguồn thức ăn cung cấp cho số lượng heo dự định nuôi, nhất là đầu ra sản phẩm. Cần nhất của nuôi heo rừng là thị trường, việc không thể thiếu trong kinh doanh và phát triển chăn nuôi thuận lợi.

ĐẶNG VĂN THÀNH

Tin cùng chuyên mục