Gần đây, ở ĐBSCL xuất hiện khá nhiều mô hình sản xuất mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao, an toàn vệ sinh, lao động và bảo vệ môi trường. Mô hình nuôi heo và ương tôm giống trong nhà kính của HTX kinh tế Xanh thuộc ấp An Trạch Đông, xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu là một điển hình.
Mô hình nuôi heo trong nhà kính của HTX kinh tế Xanh.
Đó là trang trại nông thủy sản khá bề thế nằm trong khuôn viên rộng 8ha với 4 dãy nhà kính (mỗi dãy 2.000m²); hầm bioga, nhà máy phát điện, kênh dẫn thoát nước và vô số vuông, đìa nuôi tôm, cá… Trang trại do ông Đỗ Thanh Luân làm chủ với vốn đầu tư ban đầu 17 tỷ đồng.
Ông Luân, 50 tuổi, quê ở xã Hòa Tú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Ông có rất nhiều kinh nghiệm “làm nông” và giàu lên từ nuôi tôm công nghiệp. Năm 2011, ông Luân xuống vùng đất Vĩnh Trạch, Bạc Liêu này sang đất đầu tư xây dựng trang trại. Ông hợp tác làm ăn với Công ty CP (Thái Lan), chuyên cung cấp giống, thức ăn… thủy sản và heo rồi thu mua sản phẩm. Trong 3 dãy nhà kính, mỗi dãy ông Luân nuôi 1.500 con heo thịt. Các lứa heo được nuôi theo cách cuốn chiếu. Cứ 4 tháng 15 ngày nuôi là heo được trên 100kg, đủ cân nặng xuất chuồng. Vì thế, tháng nào ông Luân cũng có heo bán. Trừ hết chi phí, mỗi năm ông Luân lời 2,5 tỷ đồng. Đó là con số không hề nhỏ.
Trang trại của HTX kinh tế Xanh là mô hình sản xuất khép kín. Vào thăm dãy nhà kính chuyên ương giống tôm sú và tôm thẻ, chúng tôi thấy hệ thống máy móc và quy trình nuôi được tổ chức và xử lý chặt chẽ, khoa học. Theo ông Luân, dãy nhà ương tôm giống này mới xây dựng năm 2013; vẫn còn đang trong quá trình thử nghiệm.
Ông Luân kể rằng: Ương tôm giống trong nhà kính đảm bảo an toàn 100%, không sợ bị tác động của môi trường bên ngoài. Ương từ khi tôm bột đến lúc tôm lớn khoảng 600 - 700 con/kg thì đem ra các vuông đất để nuôi thương phẩm. Từ năm 2013 tới nay, nuôi tôm giống trong nhà kính và nuôi thương phẩm trong các vuông, đìa đã đem về khoản lợi nhuận cho gia đình khoảng 300 - 400 triệu đồng/năm.
Trang trại kinh tế xanh rộng lớn như vậy nhưng ông Luân chỉ sử dụng 27 nhân công. Mỗi người làm nhiều việc nhưng rất nhàn nhã vì chủ yếu là sử dụng máy móc. Lương nhân công bình quân 5 triệu đồng/tháng; bao ăn uống ngày 3 bữa và đóng mọi loại hình bảo hiểm; chăm sóc, lo chi phí khám chữa bệnh cho họ. Đây là một mô hình sản xuất mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao cần được nhân rộng.
LÊ BÌNH