Chuyện này nghe lạ tai nhưng lại là sự thật. Một người bạn của tôi đã thực hiện nó và rất thành công. Tôi nghĩ, anh ấy làm được thì bà con mình ở quanh TP cũng làm được.
Nhông cát thường sống trong hang (Trong ảnh: Nuôi nhông cát ở Nha Trang) Ảnh: T.L
Đó là thượng tá Đỗ Thanh Chước - phụ trách Phòng Hậu cần của Công an TPHCM. Tuy là người của cơ quan nhưng anh lại rất ham mê công việc của nhà nông. Cứ hết giờ làm việc là anh lại quay lại với vườn tược. Tôi nhớ, vào đầu những năm 90, anh đã lặn lội ra tận Hà Nội tìm gặp chúng tôi để học hỏi và đưa giun quế về nuôi. Anh còn nuôi cả ba ba, nuôi ếch và nuôi nhiều loài nữa. Anh rất ham mê khoa học. Hễ thấy chúng tôi nghiên cứu ra vấn đề gì mới là anh áp dụng luôn…
Có một lần vào thăm trang trại của anh, tôi có giới thiệu về mô hình nuôi nhông cát ở Bình Thuận. Thế là ngay hôm sau, anh ra tận ngoài đó và đưa nhông về nuôi. Anh làm đúng như bà con ở Bình Thuận đã làm. Khi quay lại thăm anh, tôi hết sức ngạc nhiên vì thấy đàn nhông mà anh nuôi lớn quá, có con nặng tới 7 - 8 lạng. Trong vườn, chi chít nhông. Chúng tăng đàn quá nhanh… Mới biết, dân TP mà chịu khó thì việc gì cũng làm được!
Chúng tôi nảy ra ý định nghiên cứu việc nuôi nhông cát sau một lần về thăm Bình Thuận. Hôm đó, ngay giữa trưa, trên bãi cát mênh mông nóng như đổ lửa, tôi thấy có 2 vợ chồng đi đào nhông. Trông họ quá vất vả: mồ hôi mồ kê đầm đìa, mặt mũi đen sạm mà đào suốt ngày mới được 2 - 3 con nhông. Mỗi con chỉ độ 1 - 2 lạng. Ấy vậy mà họ cũng mừng rỡ lắm… Tôi nghĩ ngay tới việc phải tìm cách để bà con nơi đây có thể nuôi được nhông. Rất may, hai người xung phong thử nghiệm đầu tiên là anh Chiến (chủ tịch) và anh Lập (phó chủ tịch) ở xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Họ làm rất nghiêm túc và kết quả cũng rất mỹ mãn. Tôi đã nhanh chóng tổng kết và viết thành tài liệu để bà con các nơi làm theo…
Té ra, nuôi con nhông cát quá dễ! Nó là loài hoang dã nên thức ăn cho chúng thật đơn giản. Bất cứ cái gì là chất hữu cơ thì nó đều ăn được. Các loài động, thực vật có ở vùng cát ấy đều là thức ăn cho nhông cát. Lúc đầu, các anh lấy rau muống băm ra và trộn lẫn với cám cho chúng ăn. Nhưng sau này, rau muống cũng không có. Họ lấy lá rau muống biển cứng đờ đờ, đem băm nhỏ và trộn thêm cám. Thế mà, nhông ăn loại thức ăn ấy vẫn ngon lành. Rõ ràng, chúng rất dễ nuôi.
Nhưng điều cần thiết nhất khi nuôi nhông là ta phải làm hàng rào để ngăn không cho chúng tẩu thoát. Tốt nhất là ta xây tường bao xung quanh khu nuôi. Nhưng tường đó còn phải xây âm xuống mặt đất ít nhất 1m để tránh nhông đào hang, thoát ra ngoài. Tuy nhiên, ở Bình Thuận, bà con đã có sáng kiến, lấy bạt dày ngăn bên dưới, còn phía trên mặt đất thì ngăn bằng tấm phybrôximăng, tấm lá thiếc hoặc bằng các tấm ni lông. Như vậy, vốn đầu tư rẻ đi nhiều lần!
Khu nuôi nhông cần cao ráo, thoáng mát, nhiều sáng. Tốt nhất, nơi đó có nền cát hoặc nền cát pha hay khu đất xốp. Nhông sống trong hang. Nó đào hang để ở. Một con có thể đào nhiều hang. Nhông không chịu được rét. Ngay cả giữa mùa hè, khoảng 9 - 10 giờ sáng nó mới ngoi lên để đi tìm thức ăn. Tới quá trưa, khoảng 14 - 15 giờ là nó đã chui lại xuống hang rồi. Vì vậy, tránh nuôi nó ở những nơi quá rậm rạp, ít ánh sáng hoặc bị sũng nước…
Chúng tôi đã viết thành sách toàn bộ kỹ thuật để nuôi nhông. Cuốn Nghề nuôi nhông cát của chúng tôi đã được Nhà xuất bản Nông nghiệp phát hành và có bán tại hiệu sách Thanh Long ở 58 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TPHCM (ĐT: 08.38299521). Bà con định nuôi nhông thì nên đọc cuốn sách đó. Trong sách, chúng tôi còn nêu rất nhiều vấn đề lý thú và bổ ích khi tiến hành nuôi nhông cát.
Nếu ai có điều kiện thì hãy đến thăm trang trại của anh Chước ở khu phố 3, phường An Phú Đông, quận 12. Bà con sẽ rất ngạc nhiên khi thấy ngay ở TP mà chúng ta lại có được một trại nhông lớn như vậy. Nếu có điều gì cần hỏi, xin bà con gọi trực tiếp cho anh Chước qua điện thoại: 0903.923.526.
Nhông dễ nuôi, mau lớn và lại bán được với giá cao. Thế thì, ai không nuôi nó là… thiệt đấy!
Chuyên gia Sinh học - Nông nghiệp NGUYỄN LÂN HÙNG