Nuôi trồng hải sản ở quần đảo Trường Sa - Đánh thức tiềm năng lớn

Nuôi cá giữa biển
Nuôi trồng hải sản ở quần đảo Trường Sa - Đánh thức tiềm năng lớn

Là quần đảo có nhiều loại hải sản quý cùng các loài cá có giá trị kinh tế cao, Trường Sa đang có nhiều tiềm năng về đánh bắt, nuôi trồng hải sản. Tại khu vực đảo Đá Tây, một trung tâm hậu cần dịch vụ nghề cá đã hình thành, đặt nền móng cho việc phát triển tiềm năng đánh bắt và nuôi trồng hải sản ở đây trong lương lai.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng tham quan điểm nuôi cá lồng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng tham quan điểm nuôi cá lồng.

Nuôi cá giữa biển

Đảo chìm Đá Tây nằm trên bãi ngầm san hô có diện tích khá lớn, dài khoảng 7 hải lý, rộng 4 hải lý và có cả những doi cát nổi cao, bên trong có một hồ nước rộng lớn, trở thành nơi lý tưởng cho tàu cá xa bờ của ngư dân neo đậu tránh bão an toàn. Ông Dương Thanh Lâm, Trưởng ban Quản lý Khu Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây, cho biết: Phát huy lợi thế đặc trưng của bãi ngầm san hô với hồ lớn ở giữa cùng sự giúp đỡ hiệu quả của Bộ NN-PTNT, khu dịch vụ hậu cần nghề cá của đảo đã khá hoàn chỉnh với nhiều hạng mục quy mô bên cạnh các hệ thống nhận và cung cấp nhiên liệu, nước ngọt cho tàu đánh bắt xa bờ. Đơn vị sẽ cung ứng nhiên liệu bằng giá bán ở đất liền; miễn phí cung cấp nước ngọt, tiền công khi sửa chữa tàu cá bị hư, có phao neo đậu cho tàu vào trú ẩn tránh bão…

Từ ngày 1-1 đến nay, trạm đã đón 161 lượt tàu của ngư dân vào neo đậu tránh bão, cung cấp dịch vụ cho 62 lượt tàu ngư dân, 318m³ nước ngọt, sửa chữa 9 tàu bị hư máy... Điều này đã giúp ngư dân đánh bắt xa bờ tiết kiệm được khá nhiều chi phí và thời gian đi lại, tăng thời gian bám biển.

Trong hành trình ghé thăm cán bộ, chiến sĩ quần đảo Trường Sa vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng cùng các cán bộ ngành thủy sản đã đến thăm và làm việc với khu dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây (thuộc Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông) và Đội nuôi trồng thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá của Công ty Hải sản Trường Sa. Khu dịch vụ là một ngôi nhà kiên cố được cất trên bãi san hô rộng khoảng 3.000m² với các kho chứa hàng, nhà nghỉ, nhà kính trồng rau để phục vụ đời sống cán bộ, nhân viên…

Anh Nguyễn Hữu Quang, đội trưởng đội nuôi trồng cho biết: Hiện nay, có 7 lồng cá đang được nuôi theo công nghệ của Na Uy, mỗi lồng trị giá khoảng 300 triệu đồng. Lồng có khả năng chịu được sóng cấp 7. Sau khi nuôi thử nghiệm 4 loại gồm: cá mú, cá chim trắng, cá hồng đen và cá chẻm, qua thực tế cho thấy chỉ có cá chim trắng, cá hồng đen và cá mú phát triển tốt và có triển vọng phát triển quy mô đại trà. Hiện nay, trong 6 lồng có 350 cá chim trắng đã nuôi 12 tháng có trọng lượng 4kg/con; 700 cá hồng đen, nuôi được 6 tháng với trọng lượng trên 1,2kg/con; 3.000 cá chẻm vừa thả được 1 tháng. Đây là những loại cá có thể xuất khẩu với giá khá cao.

Tiềm năng lớn

Qua khảo sát mới nhất, các nhà khoa học Việt Nam đã xác định được tại vùng biển quần đảo Trường Sa có 18 họ hải sản với 32 giống và 37 loài, trong đó các loài cá có giá trị kinh tế cao như cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to, cá thu, cá mú, cá hồng... Nghề nuôi cá biển cũng như đánh bắt khai thác cá ở Trường Sa còn nhiều tiềm năng. Tuy nhiên để khai thác được, vẫn còn nhiều chuyện cần phải làm, như: khu dịch vụ phải đáp ứng được nhu cầu về lương thực, thực phẩm và chủ động nước ngọt để cung ứng cho ngư dân; phát triển dự án điện năng lượng để sử dụng. Đây là cơ sở để khu dịch vụ hậu cần có thể tiến đến xuất khẩu thủy sản trực tiếp từ đảo chứ không phải đưa về đất liền. Bên cạnh đó, mặc dù dự án nuôi hải sản tại đảo Đá Tây đã thành công ở mô hình nuôi thí điểm và sẽ nhân rộng ra nhiều điểm khác ở Song Tử Tây, Trường Sa… nhưng vẫn chưa thật sự thu hút được nhiều người dân ra nuôi do các cơ chế, chính sách chưa đảm bảo để người dân yên tâm đầu tư.

ThS Vũ Đình Đáp, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3, cho biết: Để khai thác tốt tiềm năng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, điều quan trọng là phải kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động nuôi và khai thác, trong đó chú ý đến khâu bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Nhà nước cần đầu tư và xây dựng chính sách hỗ trợ cho người dân trực tiếp tham gia; đồng thời phải tạo ra dịch vụ đầu vào (thức ăn, con giống) và đầu ra cho sản phẩm (xuất khẩu tại chỗ).

Thời gian qua, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 đã triển khai đề tài cấp Nhà nước về “Nghiên cứu khai thác một số loài cá có giá trị kinh tế ở vùng rạn đáy đá san hô của quần đảo Trường Sa bằng ngư cụ lồng bẫy và câu các loại”, sẽ ứng dụng vào tháng 8 tới. Khi triển khai, kết quả của dự án này sẽ giúp ngư dân thuận lợi hơn trong khai thác hải sản ở quần đảo Trường Sa.

Thứ trưởng Bùi Bá Bổng khẳng định: Sau khi tổng kết và đánh giá về mô hình dịch vụ hậu cần nghề cá cũng như nuôi trồng hải sản ở đảo Đá Tây, Bộ NN-PTNT sẽ giao cho Viện Thủy sản phối hợp cùng các ngành hữu quan lập dự án hỗ trợ, đưa người dân ra biển khai thác và nuôi trồng, đặc biệt đề xuất với Chính phủ có những chính sách hỗ trợ hợp lý. Việc đầu tư khai thác tiềm năng đánh bắt, nuôi trồng hải sản ở quần đảo Trường Sa sẽ góp phần khẳng định chủ quyền trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Nguyễn Hữu Chí

Tin cùng chuyên mục