Tỉnh Ninh Thuận vừa công bố hết dịch cúm gia cầm H5N1 trên đàn yến nuôi tại Nhà hát Thanh Bình, TP Phan Rang - Tháp Chàm đã tháo gỡ được một mối lo của người nuôi yến khắp nơi khi không có sự lây lan diện rộng và gây chết hàng loạt như trên đàn gia cầm. Bởi biện pháp di dời đàn yến có thể nói là không thể cho đến lúc này; chưa kể thiệt hại từ đàn yến gấp nhiều lần so với gia cầm và cho đến nay vẫn chưa có quy định hỗ trợ thiệt hại khi dịch cúm xảy ra. Thế nhưng cơn “địa chấn” của yến Việt Nam chưa dừng lại…
Thị trường ách tắc
Trở về sau chuyến đi Australia hơn nửa tháng để tìm đầu ra cho tổ yến Việt Nam, bà Trần Bạch Mai, người nuôi yến đầu tiên ở TPHCM (huyện Cần Giờ) từ năm 2006, Giám đốc Công ty Yến Đất Việt (TPHCM) thất vọng cho biết, tổ yến Việt Nam được những người kinh doanh tại Australia nhận định chất lượng hơn hẳn tổ yến của Indonesia, Malaysia (những nước đi trước Việt Nam vài chục năm về nuôi yến), nhưng họ không thể mua yến của Việt Nam vì chính phủ 2 nước chưa có thỏa thuận về quy định kiểm dịch sản phẩm này. Ở thị trường Australia chỉ có yến từ Indonesia. Nhưng điều đáng buồn hơn, ngay cả những người kinh doanh này cũng e dè khi biết ở Việt Nam vừa xuất hiện ổ dịch cúm H5N1 trên đàn yến ở Ninh Thuận.
Trong khi đó, khách hàng thường xuyên của Công ty Yến Đất Việt là Trung Quốc, bình thường mỗi tháng tiêu thụ 30kg - 45kg, nay do thông tin về cúm H5N1 trên đàn yến nên lượng mua giảm gần 1/2 chỉ còn khoảng 20kg/tháng. Những khách hàng này cho biết, việc tiêu thụ bị ngưng trệ, hàng tồn còn nhiều dù đã giảm giá bán nhưng vẫn chưa phục hồi lại sức tiêu thụ như trước. Hiện nay giá bán sỉ tổ yến bị giảm khoảng 30%, chỉ còn chừng 1.100USD/kg, loại chưa qua sơ chế. Vì vậy, việc mua tổ yến từ các nhà nuôi cũng bị tạm hoãn do sự ngưng trệ này.
Một đồng nghiệp của bà Trần Bạch Mai ở Khánh Hòa cũng cho biết, lượng tổ yến và sản phẩm từ yến tiêu thụ thời gian qua giảm hẳn. Bình thường mùa này, tổ yến đảo không đủ hàng để bán, khi ế cũng bán được cả chục kilogram tổ yến (đã qua sơ chế) mỗi tháng, vậy mà tháng rồi chỉ bán hơn 1kg!
Thật giả lẫn lộn
Hiện nay trên thị trường đang xuất hiện tình trạng yến thật và yến… ít thật. Đó là thông tin từ buổi họp ký kết kiểm định nguyên liệu và sản phẩm từ yến giữa Công ty cổ phần Yến Việt với Cơ quan Thú y vùng 6. Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Yến Việt Đặng Phạm Minh Loan, yến thật và yến kém chất lượng đang là vấn đề của những nhà chế biến và kinh doanh chân chính. Tiến sĩ Ngô Đăng Nghĩa, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học và môi trường (Đại học Thủy sản Nha Trang) cho biết, trên thế giới đã có trường hợp tổ yến được làm từ rong biển, polymer sinh học, thậm chí cả cao su!
Trong khi đó, theo bà Trần Bạch Mai, một số người ham lợi đã mua tổ yến của Malaysia để “độn hàng” bán theo giá của yến Việt Nam. Một lượng không nhỏ tổ yến từ Malaysia đã được đưa vào Việt Nam với giá 500 - 600USD/kg. Giá rẻ là vì họ dùng nhiều chiêu không ngờ tới để qua mắt người mua Việt Nam.
Là người khá am hiểu thị trường Malaysia, bà Trần Bạch Mai cho biết, những người buôn yến từ Malysia sẵn sàng gửi hàng lại, khi nào bán xong mới thanh toán. Mánh khóe của những người này có thể dùng hàn the để sợi yến tăng độ dai, ngâm đường hay sử dụng chất bột tạo kết dính và làm định hình tổ yến cũng như làm tăng thêm trọng lượng tổ yến lên khoảng 10% nên khi cầm tai yến cảm thấy dẻo. Ngay cả lông còn dính trên tổ yến, họ cũng dùng hóa chất tẩy trắng, nhìn y như sợi yến. Người tiêu dùng chỉ có thể phát hiện khi chế biến. Tổ yến Việt Nam phải chưng cách thủy 40 - 45 phút sợi yến mới mềm, có mùi thơm thoang thoảng hột gà; với tổ yến Malaysia chỉ cần 15 phút, sợi yến lại bở. Bình thường tổ yến có thể để được nhiều năm, thậm chí cả chục năm, nhưng khi sử dụng hóa chất sẽ là điều kiện để vi khuẩn phát triển, chất lượng giảm hẳn.
Trước đó, tại buổi họp tổng kết 2 năm nuôi yến thí điểm của TPHCM, Ban chủ nhiệm Hợp tác xã Thuận Yến (Cần Giờ) cũng đã cảnh báo về tình trạng trên. Điều này lý giải vì sao, dù sản lượng tổ yến trong nước rất thấp, chỉ khoảng 20 tấn/năm, cung không đủ cầu nhưng giá yến nuôi trong nước bị giảm khá mạnh từ trước khi dịch cúm H5N1 xảy ra. Năm 2010 về trước, 1kg tổ yến, người nuôi bán từ 38 triệu đồng trở lên, năm 2011 giảm xuống còn khoảng 30 triệu đồng, đến cuối năm 2012 chỉ còn 21-22 triệu đồng/kg.
Bà Trần Bạch Mai kiến nghị, nhà nước sớm vào cuộc, nên có hẳn quy chế cũng như chất lượng rõ ràng sản phẩm từ tổ yến phải được kiểm định. Ngoài ra, cần công bố tiêu chuẩn cụ thể khi nhập khẩu yến từ các nước, không thể thả nổi như hiện nay. Việc cạnh tranh không lành mạnh này đang làm hoen ố hình ảnh và chất lượng tổ yến Việt Nam, nếu không chấn chỉnh kịp thời sẽ làm mất dần niềm tin vào chất lượng tổ yến Việt Nam. Đây là điều đáng tiếc với nghề nuôi yến tuy non trẻ nhưng đầy triển vọng của nước ta.
| |
Công Phiên