Ồ ạt trồng dưa lưới, nguy cơ dư thừa

Hơn 1 năm trở lại đây, dưa lưới rất được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Giá bán loại dưa này lại cao, đã khiến người nông dân mở rộng diện tích trồng. 
Dưa lưới đang là sản phẩm nông nghiệp phát triển mạnh ở nhiều địa phương
Dưa lưới đang là sản phẩm nông nghiệp phát triển mạnh ở nhiều địa phương
Tăng diện tích trồng nhanh
Theo Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM (AHTP), sau hơn 4 năm nghiên cứu, trồng thí nghiệm hơn 30 giống dưa lưới của nhiều nước, AHTP đã chọn được 4 giống phù hợp với khí hậu nóng, ít ẩm của vùng miền Đông và Tây Nam bộ. Một vụ từ lúc trồng tới lúc thu hoạch có thời gian 65 - 75 ngày, ước tính mỗi năm có thể trồng được 4 vụ mùa. Trong đó, mùa khô trồng được khoảng 2.500 - 2.700 cây/1.000m²; mùa mưa trồng được 2.200 - 2.500 cây/1.000m². Trồng với mật độ này sẽ cho khoảng 21.000 quả đạt tiêu chuẩn trên 1,5kg/quả. Giá  mua tại ruộng là 24.000 đồng/kg.
Theo AHTP, đây là loại cây được người châu Âu và các xứ lạnh khác ưa thích, nhất là người Nhật. Ở Việt Nam, dưa lưới phù hợp với khí hậu, là loại cây có đủ điều kiện để phát triển phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang các nước không trồng được trong mùa lạnh (như Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu…). TPHCM đã phát triển hơn 40ha của trên 30 hộ nông dân, nhưng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu tiêu dùng trong nước; còn lại phải nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc, với số lượng trên 15.000 tấn/năm.
Từ khi dưa lưới được ưa chuộng, vài năm trở lại đây, nhiều địa phương đã tăng diện tích đột biến, không thể kiểm soát được số lượng. Từ huyện Hóc Môn cho đến Củ Chi, có thể dễ dàng thấy nhiều nhà màng được dựng lên để trồng dưa lưới. Trong đó, nhiều nhất là huyện Củ Chi, đang tăng vọt diện tích trồng ở các xã Thái Mỹ, Nhuận Đức, Tân Thông Hội…
Theo một cán bộ kinh tế huyện, hiện nay không thể đánh giá được toàn huyện có bao nhiêu diện tích trồng. “Bởi diện tích trồng đang tăng lên từng ngày, chủ yếu là doanh nghiệp (DN) đầu tư để xuất khẩu chứ không phải nông dân địa phương. Huyện đang phát động nông dân trồng theo công nghệ cao để ổn định đầu ra”, vị cán bộ này cho biết. Tại huyện Nhà Bè, vừa qua có 2 DN đầu tư khoảng 4ha trồng dưa lưới xuất khẩu qua nước ngoài; huyện đang khuyến khích nhân rộng để có sản phẩm xuất khẩu.
Sớm quy hoạch để tránh rớt giá
Theo Công ty TNHH Nông Sinh Khang Nguyên (chuyên cung cấp hạt giống), hiện nay thị trường có nhiều thông tin không chính xác về việc xuất khẩu dưa lưới, khiến cho nhiều người tham gia đầu tư sản xuất, dẫn đến số lượng tăng đột biến, nguy cơ tương lai sẽ dư thừa. Chưa kể đến, nhiều nông dân trồng thủ công nên dưa lưới chất lượng kém, cung cấp cho chợ đầu mối với giá rẻ, làm ảnh hưởng đến hình ảnh dưa lưới Việt Nam. Cuối tháng 5 vừa qua, tại chợ đầu mối, dưa lưới đã giảm giá xuống 17.000 - 18.000 đồng/kg do “dội” chợ.
Theo khảo sát của Công ty TNHH Nông Sinh Khang Nguyên, diện tích trồng dưa lưới của vùng Đông Nam bộ ước tính gần 200ha. Công ty đã chào dưa lưới có chất lượng đặc thù của Việt Nam tại nhiều cửa hàng của Dubai, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả phản hồi. Bởi yêu cầu của đối tác nước ngoài là phải đủ chất lượng và số lượng. Hiện nay, chất lượng dưa lưới Việt Nam có thể đạt nhưng số lượng thì trung bình mỗi tuần chỉ mới xuất được 1 container, không đủ hàng, do chưa có liên kết với các nhà sản xuất khác. Do vậy, cần có một đơn vị nhà nước làm “đầu tàu”, từ quy hoạch sản xuất, thu mua, đến hợp đồng đầu ra. Nếu không sớm quy hoạch, trong tương lai chỉ khoảng 1 - 2 năm, giá dưa lưới sẽ giảm.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Việt Hà, Phó Ban quản lý AHTP, cho biết: “Giá dưa lưới bán ở thị trường Nhật Bản khoảng 8 - 10USD/kg, trong khi ở Việt Nam chỉ khoảng 3 USD/kg, nếu xuất khẩu được thì DN sẽ lãi nhiều hơn. Hiện nay, các nhà thương mại cần số lượng hàng hóa ổn định nhưng chưa có nhà cung cấp nào đáp ứng được (vì trung bình, trên 1ha chỉ có khoảng 1/3 số trái đạt loại 1).
Bên cạnh đó, các nước trên thế giới phần lớn thiếu dưa lưới vào mùa đông (6 tháng) nên nhu cầu nhập khẩu cao, còn mùa nóng thì số lượng ít hơn, DN nên kết hợp trồng sản phẩm khác để tránh lãng phí. Để làm được điều này, cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu quy hoạch vùng trồng, quy mô, diện tích giới hạn để tránh trồng tràn lan không kiểm soát được, dẫn đến giảm chất lượng và hiện tượng dôi dư được mùa mất giá.
Dưa lưới sẽ là loại cây ăn quả ngắn ngày, giúp nông dân phát triển bền vững với tình hình biến đổi khí hậu. Hiện nay, AHTP, Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM và một vài đơn vị đang gấp rút hoàn chỉnh giai đoạn cuối để đưa ra thị trường hạt giống dưa lưới lai F1 đảm bảo ổn định trong sản xuất, không còn phụ thuộc hạt giống nước ngoài”.

Tin cùng chuyên mục