Ngôi trường đó mang tên Trường Lý Tự Trọng miền Tây Nam bộ. Trường thành lập năm 1964 và kết thúc sứ mệnh lịch sử vào năm 1975 khi miền Nam hoàn toàn giải phóng. Trải qua 11 năm, trường đã đào tạo được 700 học sinh cấp I, cấp II từ những em bé nhất vào trường lúc 9 - 10 tuổi, đến các em lớn nhất từ 14 - 15 tuổi. Năm 2012, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ cho Trường Lý Tự Trọng miền Tây Nam bộ.
Đây là một trường lao động, vừa học vừa làm, gắn học với hành. Những cô, cậu bé tuổi mới lên 10 đã phải xa nhà, xa quê vào sống trong một tập thể mới, vì bố mẹ các em đang bận chiến đấu và công tác xa. Các em sống trong nhà dân, hòa vào cuộc sống của đồng bào nông thôn Nam bộ. Thầy và trò, sáng lên lớp, chiều tham gia công việc đồng áng như những bà con nông dân thực thụ. Tối về, chong ngọn đèn dầu, thầy trò chắt chiu từng con toán, rung động với những bài văn và đêm đêm qua từng trang sách mở, những tâm hồn thơ ấu lớn lên. Học trong sách, học ngoài đời, học qua lao động thực hành, lúc nào cũng rộn tiếng cười vui con trẻ.
Nhiều em ở tuổi lên 9, lên 10, phải theo các chú bộ đội, cán bộ giao liên vượt qua nhiều làng tạm chiếm, có khi phải băng qua đồn địch, qua lộ Đông Dương, vượt sông lội ruộng... Một cựu học sinh Trường Lý Tự Trọng là chị Phạm Phương Thảo (nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM) nhớ lại: “Lúc đó tuy không làm chiến sĩ, nhưng có một cảm giác như mình là chiến sĩ và nhiều người thực sự trở thành chiến sĩ”.
Nhà trường đóng trên nhiều địa bàn xa nhau, trên các làng xã kháng chiến như Khánh Bình Đông, Khánh Bình Tây... Phải chịu đựng dưới lửa đạn mưa bom, phải đối phó với những trận càn ác liệt. Nhiều em lớn phải cầm súng sẵn sàng chiến đấu chống càn, bắn máy bay địch, bảo vệ các em nhỏ, cùng dân quân địa phương bảo vệ đồng bào. Những mái trường nhỏ, những con người nhỏ, nhưng lại là những tấm lòng lớn, ý chí lớn.
Nhiều em chưa học xong một cấp, một chương trình, nhưng theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, các em đã chia tay bè bạn lên đường chiến đấu. Anh hùng Nguyễn Việt Hồng là một trong số đó. Còn có nhiều em sau một đêm yên bình, sáng ra bỗng “mất tích”. Thầy cô hốt hoảng lo âu, thì ra đêm qua có bộ đội qua làng, các em đã theo bộ đội đi đánh Mỹ. Nhiều em ở tuổi 15, 16 đã chia tay mái trường để đi chiến đấu và hàng trăm em mãi mãi nằm lại trên đất quê hương.
Ít có, hoặc chưa có một trường nào với một số lượng học sinh không nhiều, mà trong chiến tranh chống Mỹ đã góp cho Tổ quốc hàng trăm liệt sĩ ở lứa tuổi gọi là trẻ con. Một ngôi trường, học sinh là chiến sĩ, xứng đáng một đơn vị anh hùng.
Hồ Thanh Khôi