Không khí có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống. Thế nhưng hiện nay, không khí và môi trường sống đang bị ô nhiễm ngày càng trầm trọng, khiến cho số người mắc các bệnh như ung thư, bệnh về đường hô hấp, da liễu, dị ứng… gia tăng một cách đáng báo động, nhất là ở các đô thị lớn.
“Thủ phạm” chính
Được người nhà đưa vào nhập viện vì những cơn ho và khó thở kéo dài, dù đã qua nhiều ngày điều trị nhưng ông N.V.Hùng (ở Kim Bảng, Hà Nam) vẫn rất mệt mỏi. “Mới đầu tôi chỉ nghĩ là viêm phế quản nhưng ai ngờ sau khi vào bệnh viện, các bác sĩ khám phát hiện mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính do ô nhiễm không khí gây ra. Có lẽ đây là hậu quả của việc nhà tôi ở gần một mỏ đá nên thường xuyên phải chịu cảnh bụi bẩn”, ông Hùng kể. Theo các bác sĩ của Bệnh viện Phổi trung ương, trường hợp mắc bệnh như ông Hùng khá phổ biến, thậm chí có tới 95% bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính do sống và làm việc ở môi trường ô nhiễm. Đáng chú ý, số người mắc căn bệnh này tăng rất cao, từ 10-20 lần so với khoảng 10 năm trước đây. Nguy hiểm hơn, căn bệnh này gây tử vong cao, chỉ đứng sau bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não.
Theo thạc sĩ Nguyễn Kim Cương (Đại học Y Hà Nội), sự gia tăng số bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn, lao, hen… những năm gần đây là tiếng chuông báo động về điều kiện sống kém, trong đó có yếu tố không khí bẩn. Theo Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính trên thế giới dao động khoảng 5% đến 15% dân số, thậm chí có quốc gia hơn 20% dân số mắc bệnh, và một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này là ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, khói bụi nhiều. Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của Bệnh viện Phổi trung ương, Trung tâm hô hấp ở các bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy, Cần Thơ thì tỷ lệ dân số mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở nước ta lên đến 7% và đang có xu hướng tăng nhanh.
Nhiều nguy cơ
Qua các nghiên cứu và khảo sát của Bộ Y tế cho thấy, cứ 100.000 dân có đến 4,1% số người mắc các bệnh về phổi; 3,8% viêm họng và viêm amidan cấp; 3,1% viêm phế quản. Đáng lo ngại hơn, những người trong độ tuổi lao động là đối tượng thường xuyên bị ảnh hưởng trực tiếp và rõ rệt nhất. Đặc biệt số ca bệnh bụi phổi silic chiếm tới 74,5% trong tổng số ca bệnh nghề nghiệp trên phạm vi toàn quốc.
Ô nhiễm môi trường còn là nguyên nhân làm gia tăng các bệnh mới nổi và dịch bệnh nguy hiểm. Theo GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, các dịch bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng đều do ô nhiễm vệ sinh môi trường; ô nhiễm nguồn nước khiến cho dịch bệnh đường tiêu hóa bùng phát. Tình trạng ô nhiễm không khí, môi trường sống nhiễm bẩn tại các thành phố lớn đang ngày càng nghiêm trọng. Tại Hà Nội, kết quả quan trắc môi trường từ đầu năm 2013 tới nay cho thấy hàm lượng bụi lơ lửng trong không khí tại một số nơi đã vượt quá 11 lần tiêu chuẩn cho phép. Một chuyên gia y tế cho biết, những người có thời gian sống trên 10 năm ở Hà Nội có tỷ lệ mắc bệnh mạn tính về tai mũi họng cao gần gấp đôi so với những người sống ở đây dưới 3 năm. Đối với các bệnh cấp tính như cảm cúm, người sống trên 10 năm mắc bệnh chiếm tới 11,5%; sống dưới 3 năm là 6,8% và xu hướng tiếp tục tăng cao.
Tổ chức Y tế Thế giới mới đây đã xếp ô nhiễm không khí ngoài trời là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây các bệnh ung thư, hơn cả việc hút thuốc thụ động. Trong đó tỷ lệ tử vong do ung thư ở khu vực Đông Nam Á là nghiêm trọng nhất. |
TRUNG KIÊN