
Lâu nay chúng ta đã quen với những khái niệm ô nhiễm không khí, ô nhiễm bụi, ô nhiễm tiếng ồn... Có một khái niệm, không phải là mới đối với giới xây dựng, kiến trúc nhưng lại khá mới với đa số người dân, đó là ô nhiễm kiến trúc. Theo kiến trúc sư (KTS) Ngô Huy Giao (ảnh) ngay tại thủ đô Hà Nội, mức độ ô nhiễm kiến trúc hiện đã ở mức báo động.
- Phóng viên: Xin ông cho biết, có thể hiểu khái niệm ô nhiễm kiến trúc như thế nào?

- KTS Ngô Huy Giao: Trước hết, khái niệm ô nhiễm dù ở trong lĩnh vực nào cũng đều diễn biến theo chiều hướng xấu đi của vấn đề. Có thể hiểu một cách đơn giản nhất, ô nhiễm kiến trúc chính là sự lộn xộn trong xây dựng, các công trình không phù hợp với nhau, không phù hợp với không gian chung và thiếu tính thẩm mỹ. Đó có thể là sự pha trộn một cách thô bạo, khiên cưỡng giữa các phong cách kiến trúc khác nhau, tạo ra một sản phẩm mang tính phản cảm với xã hội.
- Vậy ông nhìn nhận thế nào về nạn ô nhiễm kiến trúc đang diễn ra tại Hà Nội?
- Thật đáng buồn là nạn ô nhiễm kiến trúc ở HN đang ở mức đáng báo động. Có hai loại ô nhiễm kiến trúc. Loại thứ nhất gọi là “ô nhiễm kiến trúc dân gian”, đó là các công trình dân dụng được xây dựng tự phát, không theo một quy hoạch đô thị nào. Dễ nhận thấy nhất là ở những con đường mới mở của Hà Nội, như đường Trần Duy Hưng, đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa... với hàng loạt các ngôi nhà mọc lên với các màu sắc, kiểu dáng, phong cách không hề ăn nhập với nhau và rất nhiều nhà siêu mỏng, siêu méo tới mức kỳ dị...
Loại thứ hai là “ô nhiễm kiến trúc quan chức”, đó là các công sở, công trình công cộng được xây dựng với sự cóp nhặt của nhiều phong cách kiến trúc khác nhau và không phù hợp với những giá trị thẩm mỹ dân tộc. Chẳng hạn, tòa nhà Bộ Tài chính, 28-Trần Hưng Đạo, được giới kiến trúc cho là lỗi thời, gây cảm giác nặng nề. Ngay khu vực Hồ Gươm, sự ô nhiễm kiến trúc đã và đang tiếp tục đe dọa.
Trước đây vài năm là công trình “Hàm cá mập” số 7- Đinh Tiên Hoàng, mới đây nhất là dự án Trung tâm Thương mại tài chính của Tập đoàn Điện lực EVN. Nếu dư luận không lên tiếng phản đối gay gắt thì chẳng mấy chốc sẽ lại sừng sững mọc lên, tòa nhà “nuốt gọn” khoảng không gian hiếm hoi, đầy ắp huyền thoại của Hồ Gươm...
Sự ô nhiễm kiến trúc tại HN còn thể hiện ở sự cóp nhặt, mâu thuẫn giữa các phong cách kiến trúc khác nhau. Chẳng hạn mái kiểu Mansard, một phong cách kiến trúc Pháp thế kỷ 17 đang được coi là “mốt” trong xây dựng tại HN, cả ở những công trình dân dụng lẫn công sở. Loại mái này sẽ rất đẹp nếu nó được nằm trong đúng kiến trúc bao gồm cả hệ thống cột kèo, hoa văn họa tiết trang trí của nó. Tuy nhiên, chúng ta chỉ copy mỗi phần mái, khiến các công trình trở nên “lai căng” một cách kỳ dị.
- Thế còn các khu đô thị mới của HN, ông nhận xét gì về khía cạnh kiến trúc?

- Với các đô thị của các nhà đầu tư nước ngoài như The Manor, Ciputra... nếu như được làm thống nhất theo một phong cách kiến trúc mang tính bản sắc của một nền văn hóa nào đó, chẳng hạn như theo phong cách kiến trúc Indonesia, Trung Quốc... để làm đa dạng thêm phong cách kiến trúc tại HN thì rất hay. Thế nhưng các khu đô thị này cũng lại là mô phỏng các kiến trúc phương Tây. Còn với các khu đô thị mới của Việt Nam, điển hình là khu đô thị Mỹ Đình, lại thiếu hẳn sự hòa nhịp của kiến trúc tổng thể.
- Có người nhận xét, có vẻ như việc xây dựng ở Hà Nội không có bàn tay của KTS. Ông nghĩ sao về điều này và có cách nào khắc phục nạn ô nhiễm kiến trúc?
- Hội KTS Việt Nam cũng đã có những phản ứng kịp thời trước những nguy cơ về ô nhiễm kiến trúc, tuy nhiên, tiếng nói của hội dường như còn kém trọng lượng. Lịch sử đã chứng minh, kiến trúc là sản phẩm của các nhà đầu tư và của nhà cầm quyền, vì vậy các KTS chỉ có một phần trách nhiệm trong nạn ô nhiễm kiến trúc.
Theo tôi, để chống lại nạn ô nhiễm kiến trúc, có rất nhiều việc phải làm. Trong đó, giới KTS cần phải nghiên cứu tìm hiểu kỹ kiến trúc cổ điển Việt Nam, kiến trúc cổ điển châu Âu, kiến trúc các nước trong khu vực để từ đó giảm bớt sự cóp nhặt, chắp vá. Kiến thức về kiến trúc đô thị cũng cần được đưa vào nội dung giảng dạy tại các trường chính trị, quản lý hành chính... để cung cấp những kiến thức căn bản về kiến trúc đô thị cho các nhà quản lý.
Nạn ô nhiễm kiến trúc không dễ gì xóa bỏ, càng không thể dùng mệnh lệnh hay cơ chế trói buộc, chúng ta cần phải nâng dần sự hiểu biết chung về kiến trúc đô thị để từ đó hướng tới cùng xây dựng một kiến trúc Việt Nam, biết hấp thụ tiếp nối văn hóa truyền thống của dân tộc, thoát khỏi tình trạng lạc hậu, ràng buộc của chủ nghĩa hình thức.
BÍCH QUYÊN(thực hiện)