Không còn tiền chạy chữa, nhiều người bệnh phải chấp nhận về nhà tự chữa lấy. Thậm chí nhiều trường hợp trốn viện chỉ vì sợ bệnh viện… đòi nợ. Đó là thực tế mà chúng tôi ghi nhận được tại các bệnh viện ở TPHCM những ngày qua.
Không chỉ thuốc thang tăng giá khiến đồng tiền còm cõi của những người nông dân ở các vùng quê không mua nổi mà nhiều khoản chi phí khác cũng đã quá sức chịu đựng. Đó là dịch vụ ăn uống, là đi lại và thậm chí người nhà thăm nuôi người bệnh cũng phải “đóng phí” như ở Bệnh viện T.N. trực thuộc Bộ Y tế.
Không ít người bệnh than thở vì vào bệnh viện mà mắc phải các bệnh nan y là coi như khánh kiệt. Dù rằng đại bộ phận người dân được Bảo hiểm y tế chi trả nhưng là đồng chi trả, tức bảo hiểm chỉ trả cho một phần, phần còn lại vẫn phải móc túi mà đóng.
Chứng kiến cảnh ngày càng đông người bệnh xuống nhận cơm từ thiện tại các bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 hay những lá đơn viết tay nguệch ngoạc xin được miễn giảm viện phí mới thấy rằng còn nhiều lắm những người khốn khó.
Câu chuyện về vợ chồng chị Bình ở Sóc Trăng đang chạy chữa bướu máu cho đứa con gái ở Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM là một dẫn chứng. Cả 2 vợ chồng đều làm nghề gặt lúa mướn, gia sản chỉ là mái nhà dột nát ở vùng quê nghèo. Vậy mà đứa con gái đầu lòng của vợ chồng chị ra đời năm 2009 lại mắc phải căn bệnh hiểm nghèo. Khi đưa con vào Bệnh viện Nhi đồng 2, vợ chồng chị không nghĩ rằng sẽ có cơ hội được chạy chữa. Đã nhiều lần chị Bình bàn với chồng trốn viện về vì không còn tiền.
Biết được hoàn cảnh của chị, các bác sĩ đã hướng dẫn cho chị đến Tổ trợ giúp bệnh nhân nghèo của bệnh viện để xin hỗ trợ và được ăn cơm từ thiện để tiếp tục chạy chữa cho con… Quả là băn khoăn vì nói như một cán bộ của Tổ trợ giúp bệnh nhân nghèo của Bệnh viện Nhi đồng 2, không phải riêng trường hợp mẹ con chị Bình mà mỗi ngày có tới cả chục trường hợp như vậy, trong khi quỹ hỗ trợ lại có giới hạn.
Nằm vạ vật nơi gầm cầu thang bệnh viện, ăn cơm từ thiện qua ngày và xin hỗ trợ hết mức viện phí là tình cảnh của không ít người bệnh hiện tại ở các bệnh viện Chợ Rẫy, Ung bướu TPHCM, Nhi đồng 1… Họ là những bệnh nhân nghèo đang chống chọi với “bão giá”.
Nhiều lãnh đạo bệnh viện rất cảm thông với bệnh nhân nhưng cũng chẳng còn cách nào khác. Thỉnh thoảng, một vài nhà hảo tâm đâu đó tìm đến cho một ít tiền, tặng phẩm nhưng chẳng qua cũng là “muối bỏ bể” khi lượng người bệnh cần giúp đỡ quá nhiều.
Những Quỹ Tấm lòng vàng của Bệnh viện Ung bướu, Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân nghèo của các bệnh viện đang ngày càng vơi đi trước mỗi hoàn cảnh bệnh nhân khốn cùng. Mong rằng, các mạnh thường quân, những người giàu lòng nhân ái hãy chung tay trợ giúp bệnh nhân nghèo qua cơn bĩ cực.
QUỲNH CHI