Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm nay sẽ đạt khoảng 6 tỷ USD, so với 5,5 tỷ USD năm 2010. Tôm nuôi (2,2 tỷ USD) và cá tra (1,7 tỷ USD) là 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chiếm hơn 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Nhưng điều đó không có nghĩa làm cho người nuôi trồng thủy sản giàu lên.
Trong nuôi trồng thủy sản, thức ăn chiếm khoảng 70% giá thành sản xuất. Năm 2011 để đạt sản lượng nuôi 2,8 triệu tấn thủy sản, chủ yếu là cá và tôm, ngành thủy sản cần 4,4 triệu tấn thức ăn. Hiện có khoảng 130 nhà máy chế biến thức ăn thủy sản (TATS), với công suất chế biến 4,5 triệu tấn, nhưng lượng thức ăn chế biến công nghiệp trong nước chỉ đáp ứng khoảng 3,7 triệu tấn, số còn lại là nhập khẩu và do người nuôi tự chế biến. Từ đầu năm đến nay, các nhà máy chế biến TATS đã 7 lần điều chỉnh, với mức tăng khoảng 30% so với đầu năm 2011, mỗi lần 300 - 400 đồng/kg.
Giải thích việc tăng giá này, ông Lưu Hải Hoa, Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH Uni-President Việt Nam cho rằng, hầu hết nguyên liệu chế biến TATS phải nhập khẩu đến 90% từ nước ngoài và trong bối cảnh tỷ giá USD và đồng Việt Nam biến động theo chiều hướng tăng lên đẩy giá nguyên liệu nhập khẩu tăng theo. Bên cạnh đó, các chi phí về vận tải, lưu kho, chi phí “bôi trơn” cho các thủ tục hành chính… cũng góp phần đẩy giá thành sản phẩm TATS lên. Mới đây, doanh nghiệp (DN) còn phải chịu thêm chi phí cho việc kiểm tra các chất như manamilk, NRT… trong sản phẩm thức ăn, điều này làm cho giá thức ăn tăng thêm 230 đồng/kg.
Một trong những nguyên nhân góp phần làm tăng giá TATS là do DN sản xuất chi chiết khấu cho các đại lý với mức cao, khoảng 3.200 đồng/kg. Mức chiết khẩu này bị các doanh nghiệp vừa và nhỏ đẩy lên 5.500 - 6.000 đồng/kg, thậm chí nhiều đại lý được hưởng tới 30% hoa hồng. Nhiều DN nhỏ đang đẩy lợi nhuận cho khâu trung gian lên quá cao, khiến cho giá TATS tăng cao, khó có thể giảm xuống được. Điều này đã tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN, dẫn đến tình trạng chất lượng thức ăn chăn nuôi bị giảm xuống, nhất là các DN vừa và nhỏ. Kết quả kiểm tra chất lượng TATS của các ngành chức năng cho thấy tỷ lệ thức ăn kém chất lượng không nhỏ.
Năm 2011, kết quả kiểm tra TATS có tỷ lệ không đạt tại tỉnh Đồng Nai lên đến 28,5%. Tương tự, có 6/37 mẫu kiểm tra tỉnh Đồng Tháp không đạt là 16%.
Theo ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam, con số trên mới chỉ là bề nổi bởi nhiều loại TATS kém chất lượng được tung ra thị trường mà các cơ quan chức năng không thể kiểm soát hết được. Thậm chí có những DN sử dụng TATS kém chất lượng để tái chế. Chi phí và khâu lưu thông phân phối cũng góp phần vào việc làm giảm chất lượng TATS. Có lô thức ăn khi còn ở nhà máy thì chất lượng tốt, nhưng đến tay người nuôi chất lượng bị giảm mất 20% - 30%.
Người nuôi trồng thủy sản nói riêng và người chăn nuôi nói chung đang phải “cõng” trên lưng tất cả chi phí phát sinh trên, làm cho lợi nhuận của bà con bị giảm xuống, thậm chí thua lỗ vì đầu ra bấp bênh như cá tra hay dịch bệnh đe dọa như con tôm sú… trong khi DN sản xuất TATS và đại lý lại hưởng lợi nhiều hơn điều mà lẽ ra là của người chăn nuôi!?
ĐĂNG LÃM