(SGGPO).- Sáng nay 10-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe Trưởng Đoàn giám sát của UBTVQH báo cáo kết quả giám sát về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện, Trưởng Đoàn giám sát, trong những năm gần đây, tình hình phạm tội tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng số vụ, số người phạm tội, thủ đoạn phạm tội tinh vi nhưng Cơ quan điều tra (CQĐT), Viện kiểm sát (VKS), Tòa án (TA) các cấp đã có nhiều nỗ lực, tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Về cơ bản, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Các cơ quan đã triển khai áp dụng nhiều biện pháp để chấn chỉnh khắc phục tồn tại, thiếu sót trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; nhờ đó tình hình oan, sai đã giảm so với trước đây. Tuy số người bị oan không nhiều, các trường hợp sai phạm đã hạn chế đáng kể và giảm dần theo từng năm nhưng so với yêu cầu cải cách tư pháp, yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 thì việc phòng chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm còn bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.
Qua giám sát cho thấy, một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà dư luận quan tâm thì có những vụ án đã xảy ra từ những năm trước, đến nay, có vụ đã được giám đốc thẩm, quá trình điều tra, truy tố, xét xử lại cơ bản đã khắc phục được những thiếu sót, vi phạm về thủ tục tố tụng như vụ Lê Bá Mai (Bình Phước); bản án phúc thẩm sau cùng năm 2013 có hiệu lực pháp kết án Lê Bá Mai tù chung thân về tội “Hiếp dâm trẻ em” và “Giết người” là có căn cứ, không sai. Đối với vụ Hồ Duy Hải (Long An) bị kết án tử hình về tội “Giết người” và “Cướp tài sản” có những vi phạm về thủ tục, hiện nay các cơ quan có thẩm quyền đang tiến hành xem xét. Đối với các vụ được nhiều cử tri quan tâm như vụ: Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) bị kết án chung thân về tội “Giết người” và “Cướp tài sản”; vụ Đỗ Minh Đức (Hải Phòng) bị kết án chung thân về tội “Giết người”; vụ Hàn Đức Long (Bắc Giang) bị kết án tử hình về tội “Hiếp dâm trẻ em” và “Giết người” và vụ Đỗ Thị Hằng (Bắc Giang) bị kết án về tội“Mua bán phụ nữ” chưa có căn cứ xác định bị oan nhưng đã xác định có những vi phạm nghiêm trọng trong điều tra, truy tố, xét xử. Hiện nay các vụ án này đang điều tra lại.
Cũng như những năm trước đây, loại án thường dẫn đến oan chủ yếu là án giết người, cướp tài sản hoặc hiếp dâm, giết người không quả tang mà quá trình điều tra gặp nhiều khó khăn và loại án về kinh tế do chủ quan của một số cơ quan tố tụng nhận thức không đúng, chưa phân biệt được vi phạm pháp luật và hành vi phạm tội đã hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế thành các tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Phần lớn các địa phương trong nhiều năm chưa phát hiện thấy trường hợp nào làm oan người vô tội, kể cả những nơi có lượng án rất lớn. Tuy nhiên, có một số địa phương tuy số lượng án không nhiều nhưng lại để xảy ra một số vụ làm oan nghiêm trọng như Sóc Trăng, Bình Phước, Bình Thuận, Bắc Giang. Hầu hết các trường hợp bị oan trong những năm gần đây được phát hiện, đều đã được khắc phục ngay trong giai đoạn điều tra, truy tố. Tuy nhiên cũng có trường hợp bị oan chưa được xử lý kịp thời.
| |
ANH PHƯƠNG