Oằn vai vì viện phí

Vô lý, khó chấp nhận
Oằn vai vì viện phí

Người dân mỗi khi đi khám chữa bệnh phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tới đây, nỗi vất vả ấy sẽ còn tăng lên gấp bội khi nhiều tỉnh thành, đặc biệt trong đó không ít tỉnh nghèo “nhăm nhe” tăng viện phí cao ngất, thậm chí kịch trần. Rõ ràng, giá viện phí mới này nếu được thông qua người bệnh sẽ “bệnh thêm” và khả năng vỡ Quỹ BHYT là không tránh khỏi…

Chầu chực chờ khám bệnh tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Chầu chực chờ khám bệnh tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Vô lý, khó chấp nhận

Ngày đầu tuần, khu Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương đông nghẹt bệnh nhân. Mất gần nửa tiếng xếp hàng mua phiếu khám bệnh, nhễ nhại mồ hôi quay ra, anh Quân (ở chung cư Nam Trung Yên, Hà Nội) nói: “Trẻ nhỏ khi khám chữa bệnh phải được ưu tiên, miễn giảm viện phí. Nhưng tại đây, chỉ mỗi mua phiếu khám ban đầu phải chi tới gần 100.000 đồng. Mỗi lần đưa con đi khám xếp hàng chờ đợi, tới khi được khám xong mất đứt nửa ngày”. Trong khi đó, chị Nguyễn Thu Hà (ở Ngọc Khánh, Hà Nội) vừa nộp tiền xét nghiệm chia sẻ: “Nghi cháu bị sốt xuất huyết, khám xong, bác sĩ yêu cầu làm xét nghiệm máu mất hơn 300.000 đồng”.

Vạ vật cuối hành lang Bệnh viện K Trung ương, chị Thu (ở Lương Sơn, Hòa Bình) vừa trệu trạo miếng cơm nguội ngắt vừa nghèn nghẹn nói: Chồng bị ung thư dạ dày nên bao nhiêu gà, heo ở nhà cũng đội nón ra đi mà chưa đủ trả viện phí, thuốc thang, trong khi đó bệnh tình vẫn thế…

Còn tại khu khám bệnh Bệnh viện Bạch Mai, tới cuối giờ chiều vẫn còn đông bệnh nhân. Mệt mỏi ngồi chờ tới lượt khám bệnh, bác Minh (65 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: “Tôi bị viêm đại tràng mãn tính, thường xuyên phải đi khám chữa bệnh. Cho dù có thẻ BHYT nhưng mỗi lần đi viện, tiền khám bệnh, thuốc men tốn kém lắm. Viện phí tăng hay chưa tăng thì mỗi khi bệnh tật, ốm đau, người bệnh vẫn phải tới bệnh viện để chữa bệnh chứ ở nhà chỉ có nằm… chờ chết”.

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, sau khi Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC quy định về khung giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước có hiệu lực từ ngày 15-4, tới nay mới chỉ tỉnh Bắc Ninh áp dụng mức giá viện phí mới tăng tới 85%. Tuy nhiên, hiện đã có 50 tỉnh thành đề xuất mức giá viện phí mới đối với 447 dịch vụ y tế. Đáng quan tâm, trong số những địa phương đề xuất mức giá viện phí mới có khá nhiều tỉnh đề xuất khung giá rất cao, bằng 90%-100% so với khung giá kịch trần mà Bộ Y tế đưa ra như Lào Cai, Sơn La, Cao Bằng, Quảng Trị...

Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam khẳng định, đây là điều khó chấp nhận được, thậm chí vô lý. Vì phần lớn các tỉnh đề xuất mức viện phí tăng kịch trần thì đời sống kinh tế - xã hội của địa phương càng nghèo. Hơn nữa, theo quy định, mức giá viện phí kịch trần chỉ được áp dụng đối với các bệnh hạng đặc biệt tuyến Trung ương như Bạch Mai, 108, Chợ Rẫy và Trung ương Huế. Bên cạnh đó, một số tỉnh thành có điều kiện kinh tế phát triển như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… hiện chỉ đề xuất mức tăng viện phí khoảng 70% so với khung viện phí. Do đó, ông Thảo cho rằng, với điều kiện trang thiết bị y tế, nhân lực và cơ sở hạ tầng y tế như các địa phương hiện nay, các cơ sở y tế tuyến tỉnh chỉ nên áp dụng mức viện phí khoảng 70% khung giá.

Bệnh nhân sẽ thêm “bệnh” vì viện phí mới.

Bệnh nhân sẽ thêm “bệnh” vì viện phí mới.

Người bệnh khổ, Quỹ BHYT lo vỡ

Trước việc nhiều địa phương đề xuất mức viện phí mới gần như tăng kịch trần, ông Lê Văn Phúc, Trưởng phòng Chế độ bảo hiểm y tế, BHXH Việt Nam cho rằng việc áp dụng mức giá viện phí quá cao, nhất là các tỉnh nghèo sẽ ảnh hưởng tiêu cực lớn đến người bệnh. “Khi tăng viện phí có tới 35% - 40% người dân chưa có thẻ BHYT sẽ bị tác động mạnh. Ngay cả những đối tượng có thẻ BHYT cũng chịu tác động nhất định bởi họ phải cùng chi trả từ 5% - 20% chi phí khám chữa bệnh theo quy định. Vì thế, nếu ở các vùng khó khăn vẫn phê duyệt mức giá viện phí cao sẽ tác động mạnh tới người dân…”, ông Phúc nhận định. Hơn nữa, việc nhiều địa phương đua nhau tăng giá viện phí kịch trần sẽ làm mất cân đối Quỹ BHYT. Tình trạng người bệnh ở tuyến dưới càng đổ nhiều lên tuyến trên khám chữa bệnh, càng khiến bệnh viện thêm quá tải.

Trước sự bất hợp lý về mức viện phí mà nhiều địa phương đề xuất, BHXH Việt Nam đã yêu cầu cơ quan BHXH các tỉnh báo cáo gửi UBND tỉnh về những bất hợp lý khi xây dựng giá viện phí mới và những tác động đến người dân, Quỹ BHYT nếu áp dụng giá viện phí đó. Ngoài ra, BHXH Việt Nam cũng đã gửi văn bản tới lãnh đạo 20 tỉnh thành đề nghị cân nhắc, phê duyệt mức giá viện phí phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thu nhập bình quân chung của người dân địa phương, bảo đảm có lộ trình thực hiện đến mức giá tối đa, đồng thời phải tính đến khả năng cân đối Quỹ BHYT.

Khánh Nguyễn

HĐND các tỉnh, thành ĐBSCL vừa thông qua cơ cấu giá viện phí mới. Theo đó, hầu hết đều tăng đáng kể. Đầu tiên là TP Cần Thơ có 413 dịch vụ khám chữa bệnh sẽ áp dụng theo giá viện phí mới kể từ đầu tháng 8-2012. Nhìn chung, mức tăng cao nhất chừng 70% so với khung giá của liên bộ Y tế - Tài chính. Sát bên Cần Thơ, Hậu Giang vừa thông qua giá viện phí mới ở mức 62% so với khung trần, nếu so với giá cũ bình quân tăng 3 lần. Tương tự, Sóc Trăng mức giá viện phí mới bằng khoảng 75% khung giá trần (cao hơn mức giá của Cần Thơ). Tại Kiên Giang, mức giá UBND đề xuất là 70% khung giá trần. UBND tỉnh Long An đã trình HĐND tỉnh ra nghị quyết viện phí mới với mức 70% so với khung trần, trong đó có một số loại dịch vụ tăng rất cao, chẳng hạn tiền giường điều trị tại phòng hồi sức tích cực (ICU, chưa bao gồm máy thở) từ 12.000 đồng/ngày tăng lên 335.000 đồng/ngày, tức tăng tới 29 lần. 2 tỉnh có mức tăng đáng kể là Bến Tre và Vĩnh Long đã thông qua giá viện phí mới với mức khoảng 80% và 81% so với khung giá trần.

Tr.M.Trường

Tin cùng chuyên mục