Ôm bệnh chờ… nước sạch

Sống trong nỗi ám ảnh
Ôm bệnh chờ… nước sạch

Những năm gần đây số người mắc và chết vì bệnh ung thư tại xã Tế Thắng (huyện Nông Cống, Thanh Hóa) ngày càng gia tăng. Cả xã có tới 8 làng đang bị căn bệnh trên hoành hành, trong đó thôn 6, làng Thổ Vị được coi là “điểm nóng”.

Sống trong nỗi ám ảnh

Ôm bệnh chờ… nước sạch ảnh 1
Người dân làng Thổ Vị hàng ngày vẫn phải dùng nguồn nước ô nhiễm nặng trong sinh hoạt

Ông Phó Chủ tịch UBND xã Tế Thắng, ông Hoàng Văn Khánh nói đầy lo lắng: “Bà con cả xã luôn sống trong tình trạng hoang mang. Đặc biệt ở thôn 6, làng Thổ Vị có rất nhiều gia đình có người mắc bệnh ung thư, có gia đình đến 4 người chết vì căn bệnh này”. Ông Khánh cho biết thêm, mấy năm nay, có những người đang khỏe mạnh bỗng nhiên phát bệnh và chết ngay sau đó. Như gia đình anh Lê Minh Chính, anh mới mất chưa đầy năm thì vợ cũng ngã bệnh đi theo… bỏ lại đàn con nhỏ nheo nhóc không nơi nương tựa.

Theo thống kê của y tế xã, nhiều năm trở lại đây trong làng có trên 70% số người chết do mắc bệnh ung thư, phổ biến ở độ tuổi 30 - 70 với các bệnh như ung thư gan, phổi, vòm họng, ruột… Đau lòng nhất là gia đình anh Vũ Văn Vương, bố mẹ chết chưa hết tang thì hai người con trai cũng lần lượt ra đi. Đến nỗi chị Trần Thị Niên, trạm trưởng trạm y tế xã phải lưỡng lự: “Gia đình họ không muốn nói tới chuyện buồn này nữa. Họ sợ thông tin này sẽ ảnh hưởng tới việc dựng vợ, gả chồng cho con cái sau này”.

Chị Trần Thị Niên còn cho biết thêm: “Do sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh nên thời gian qua nhiều người đến khám tại trạm y tế xã đã phát hiện nhiều bệnh liên quan tới gan, thận và đường tiêu hóa... Đặc biệt mấy năm trở lại đây số bệnh nhân bị ung thư tăng vọt (chiếm 70% số người chết vì ung thư).

Tâm lý bị kiềm nén nặng nề, những người dân làng Thổ Vị luôn phải sống trong cảnh lo sợ bệnh sẽ phát trong nay mai vì ngày ngày phải uống nguồn nước “có vấn đề”. “Không có thì phải dùng thôi chứ cứ uống nước vào là có cảm giác như mình đang rước bệnh vào người”, ông Trần Minh Hán, một người dân ở đây nói đầy vẻ bất an.

Vì căn bệnh này, đời sống kinh tế nhiều gia đình càng trở nên khó khăn hơn. Ông Vũ Văn Hy, có con dâu mắc bệnh ung thư đã ba năm nay, buồn rầu: “Của cải lần lượt ra đi, vay mượn đủ đường với hy vọng bệnh tình thuyên giảm nhưn đã ba năm nay, riêng tiền thuốc một năm đã hết 15-20 triệu đồng, số tiền đó quả là quá sức với gia đình làm nông như chúng tôi”. Không chỉ lo cái ăn, cái sống mà còn lo cho tương lai của lớp trẻ. Cùng bày tỏ nỗi lo này, ông Viên Văn Nhung, cán bộ Văn phòng UBND xã Tế Thắng, nói: “ Nhiều thanh niên trong làng bỏ quê đi làm ăn xa họ không muốn nói về quê mình, bởi họ sợ người khác biết đến quê họ với cái tên “làng ung thư”, “vùng đất chết”… thật cay đắng.

Bao giờ có hướng giải quyết?

Trước tình trạng đáng lo ngại này, UBND xã Tế Thắng đã nhiều lần kiến nghị UBND huyện Nông Cống sớm có kết luận chính thức về nguồn nước và đưa ra giải pháp để người dân được sử dụng nước sạch. Nên năm 2006 và 2007 Sở Y tế và Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh đã nhiều lần về kiểm tra và lấy mẩu nước đi phân tích, xét nghiệm… nhưng chờ mãi vẫn chưa có câu trả lời chính thức.

Mới đây tỉnh tiếp tục cử cán bộ môi trường về lấy hơn 20 mẩu nước đi xét nghiệm. Tất cả những mẩu nước đó đều chứa độc tố vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Nguyên nhân được Sở Y tế và Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh nghi ngờ là do nguồn nước chứa chất amiang (một trong những chất gây ung thư) từ dãy núi Nưa cạnh đó ngấm vào. Song đó vẫn chỉ là phỏng đoán. Xã cũng đã khuyến cáo người dân thực hiện một số giải pháp tình thế, như xây bể nước mưa… còn giải pháp thật cụ thể và khoa học thì vẫn phải… chờ.

Trong khi đó, mọi người trong xã càng lo lắng hơn vì ngoài căn bệnh ung thư, nhiều căn bệnh khác liên quan đến nguồn nước sinh hoạt như bệnh về xương khớp, mắt, đường ruột… ngày càng nhiều hơn ở vùng quê này. Ông Vũ Văn Hy chỉ vào một loạt xô chậu ở sân giếng: “Cứ vài ngày thì phải cọ rửa để loại bỏ lớp cặn phèn bám. Nước giếng đã lọc để một lúc vẫn ngả màu và đóng cặn, không chỉ ở xô, thùng mà nồi niêu, bát, đĩa cũng vậy”. Một số gia đình lo cho “vận mệnh” của mình nên vay mượn tiền xây cho được một bể chứa nước mưa nhưng nước mưa cũng chỉ được dùng hạn hẹp trong nấu ăn còn các sinh hoạt khác vẫn là nước giếng.

Ông Hoàng Văn Khánh cho biết thêm, nguồn nước giếng đang bị nghi là nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư bùng phát tại địa phương nhưng hiện vẫn chưa có kết luận, văn bản hướng dẫn nào nên người dân vẫn phải tiếp tục dùng nguồn nước ô nhiễm này. Trước mắt, địa phương chúng tôi rất cần hệ thống nước sạch trong hệ thống nhà máy nước của địa phương để người dân sinh hoạt nhưng chuyện này cũng phải… chờ.


TRÌNH LAN

Tin cùng chuyên mục