Hội Sân khấu TPHCM vừa tổ chức hội thảo “Tác giả và khán giả” đặt ra nhiều vấn đề về thực trạng của các sân khấu hiện nay. Hơn 20 năm gắn bó trong nghề, Huỳnh Anh Tuấn- “ông bầu” của sân khấu Idecaf hiểu được sự vận động, thay đổi liên tục về nhu cầu và thị hiếu của khán giả. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, anh chia sẻ sự trăn trở về kịch bản sân khấu đang thiếu và yếu.
* Phóng viên: Theo ông, đâu là vấn đề bức thiết nhất được đặt ra từ hội thảo này?
* Ông Huỳnh Anh Tuấn: Tôi nghĩ, đó là sự lo lắng về đội ngũ tác giả. Khán giả của ngày hôm nay đã khác rất nhiều so với 5-10 năm về trước, trong khi các tác giả đang thiếu việc nghiên cứu kỹ thị trường. Theo khảo sát, khán giả hiện nay phân chia thành nhiều nhóm đối tượng khác nhau: khán giả lớn tuổi, khán giả trẻ, thiếu nhi... trong từng nhóm lại phân chia nhỏ hơn, mỗi nhóm lại có thị hiếu, sở thích không giống nhau. Trong khi đó, đội ngũ tác giả nhiều người có trình độ rất giỏi, có khả năng biên kịch nhưng nhiều kịch bản lại rơi vào tình trạng chung chung, gửi đến các sân khấu trong thế hên xui, có thể được nhận, có thể không. Nhiều tác giả gần như là viết cho riêng mình, theo sở thích và sở trường cá nhân mà không quan tâm đến thị hiếu khán giả. Trong khi đó, lực lượng các tác giả trẻ dù có nhiệt huyết và sự tươi mới nhưng kịch bản lại hời hợt, thiếu tính văn học. Đối với lĩnh vực kịch nói, tính thẩm mỹ là yếu tố cao nhất, nếu thiếu điều đó coi như thất bại.Theo cá nhân tôi, vấn đề cần nhất hiện nay, các tác giả cần chịu khó và xác định mình sẽ viết cho phân khúc và đối tượng khán giả nào.
* Trong bối cảnh ngày càng thiếu vắng nhiều kịch bản chất lượng, một số ý kiến cũng đặt ra là làm sao để dung hòa giữa chính kịch và kịch thị trường?
* Chính kịch bao gồm các vở kịch về chính trị và chính luận (tức là các vấn đề an sinh, xã hội). Tôi còn nhớ trước đây, các tác phẩm của Lưu Quang Vũ rất được khán giả trông đợi bởi nó đề cập đến những vấn đề đang được quan tâm, dự báo những thay đổi trong thời gian tới, phản ánh bất công trong xã hội... Tuy nhiên, hiện nay khi các phương tiện truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội phát triển quá nhanh thì những công cụ đó đã giải quyết vấn đề nhanh hơn kịch nói rất nhiều. Nếu mình vẫn cố để làm sẽ dẫn đến tình trạng chậm chân, lạc hậu. Tôi lấy đơn cử như vở Thú yêu thương (ra mắt dịp Tết 2016) vừa qua tại Idecaf, cũng đề cập đến một thực trạng trong xã hội nhưng có cảm giác nó khá cũ. Do đó, hiện nay để làm chính kịch đòi hỏi phải có những kịch bản xuất sắc để khán giả không bị nhàm chán. Trong khi đó giải trí có muôn hình vạn trạng và đây cũng là xu hướng đang rất thịnh hành trên thế giới. Điều quan trọng nhất ở đây là làm sao làm kịch giải trí nhưng thông minh, truyền tải được thông điệp nhẹ nhàng và ý nghĩa đến khán giả.
* Ông nghĩ sao khi đã đến lúc sân khấu cần nâng cao nhiệm vụ định hướng khán giả thay vì việc cứ chạy theo, chiều chuộng họ?
* Tính định hướng được thể hiện rõ nét nhất thông qua việc giáo dục thẩm mỹ cho khán giả. Có những lúc, kịch nói hoàn thành tốt vai trò định hướng, là người đi tiên phong, có lúc chúng tôi đi song song với họ và cũng có thời điểm chúng tôi chạy phía sau họ.
Nếu nói đến việc định hướng thị hiếu khán giả, có lẽ chỉ có kịch chính luận mới đảm đương được vai trò đó. Đối với các thể loại khác, nếu muốn làm được phần nào đó tính giải trí phải rất cao, các tác giả cũng phải cao tay hơn khán giả rất nhiều bởi nhu cầu hiện nay quá đa dạng. Nhìn vào thực tế ở cả nước ngoài cũng thấy họ đang bí kịch bản và tìm mọi cách biến tấu miễn là làm sao khán giả chấp nhận, yêu thích.
* Nhiều năm trong nghề, ông thấy thị hiếu khán giả đang thay đổi như thế nào?
* Tôi rất buồn khi phải nói rằng nó đang diễn ra theo chiều hướng xấu khi khán giả của kịch nói không có nền tảng cơ bản, mất căn bản về thẩm mỹ văn học - nghệ thuật. Họ không được trang bị từ nhỏ về giáo dục thẩm mỹ nói chung dẫn đến những biểu hiện như dùng tiếng lóng tràn lan, sử dụng ngôn ngữ vay mượn... mà không biết cách làm đẹp chính ngôn ngữ, văn hóa mẹ đẻ của mình.
Trong 20 năm làm nghề, thời gian qua chúng tôi đã bị ảnh hưởng quá nhiều bởi các gameshow, truyền hình thực tế. Điều duy nhất mà sân khấu Idecaf làm được là chăm sóc cho các khán giả nhỏ tuổi bằng các vở kịch, chương trình thiếu nhi, kịch lịch sử... qua đó góp phần giáo dục và định hướng cho các em. Nhưng tất cả những nỗ lực ấy cũng chỉ như muối bỏ bể.
* Sân khấu phải tự thân vận động là điều ai cũng thấy, nhưng không ít sân khấu tại TPHCM hiện nay hoặc đang mất đi bản sắc của chính mình hoặc không có bản sắc riêng?
* Tôi thấy hiện nay rất nhiều sân khấu và người làm nghề đang lúng túng và họ phải tự tìm cách cứu chính mình. Điều này vừa phụ thuộc vào bản lĩnh sân khấu lẫn trách nhiệm với nghề nghiệp, khán giả. Chỉ có một số ít sân khấu có bản sắc riêng như Hoàng Thái Thanh với các vở kịch đậm chất lãng mạn, bi; Idecaf với các vở mang tính gai góc... các sân khấu còn lại đều tương đối giống nhau khi cùng khai thác thể loại kinh dị, đồng tính, hài hước... Chính vì cách duy nhất để tự cứu sân khấu là làm sao để có khán giả nên họ lúng túng trong cách chọn đề tài, thậm chí có sân khấu không biết khán giả của mình là ai. Trong bối cảnh xã hội hóa hiện nay, sân khấu đang thiếu kịch bản trầm trọng và bản thân mỗi tác giả cũng cần có thời gian để sáng tác. Dẫu thấy được tất cả bản chất của vấn đề nhưng câu hỏi đó vẫn chưa thể có lời giải thỏa đáng.
* Xin cảm ơn anh!
VĂN TUẤN (thực hiện)