Thời thanh niên trai tráng, ông là một trong 4 ngư dân đầu tiên của đất đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) mở biển Hoàng Sa-Trường Sa để đánh bắt cá. Nay tuổi cao, ông gắn phần đời còn lại với công việc Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Hải. Đây cũng là nghiệp đoàn nghề cá đầu tiên trong cả nước được thành lập để giúp đỡ ngư dân, bạn tàu. Ông là Nguyễn Quốc Chinh, ngụ xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn.
Người dẫn đường thầm lặng
“Alô! Nghiệp đoàn nghề cá gọi tàu Lê Hớn nghe rõ trả lời. Alô. Nghiệp đoàn nghề cá gọi tàu Lê Hớn nghe rõ trả lời. Gió biển lớn không, đánh bắt được nhiều chưa?”. “Lê Hớn nghe đây, biển êm, được chừng tấn à…”. Tiếng gió rít cùng những âm thanh lạ cứ thỉnh thoảng lại rồ lên ngắt ngang cuộc đàm thoại, một lúc sau cả hai không nhận được tín hiệu nữa. Hạ máy bộ đàm xuống, ông Chinh bảo như vậy là tốt rồi, vì chỉ cần như vậy là biết tàu thuyền có an toàn không. Đó là một trong những tàu cá của ngư dân Lý Sơn đang đánh bắt tại Hoàng Sa được ông Chinh liên lạc thông tin hàng ngày qua tần số máy Icom trạm bờ mà ông túc trực. Ngày nào cũng vậy, nếu trời yên biển lặng, cứ 19 giờ là ông mở máy, nối thông tin với các tàu đang đánh bắt trên biển, ai bắt được sóng ông cũng hỏi thăm sức khỏe, lương thực đến 22 giờ mới thôi. Ngày mưa bão, thời tiết xấu ông cũng một mình “trực chiến”. Mỗi lần bắt được liên lạc với ngư dân đang đánh bắt ở Hoàng Sa, Trường Sa là khuôn mặt ông giãn ra. Ngược lại, ông lo lắng, bất an như chính người thân của họ bởi ông quá rành chuyện biển cả tai ương.
Theo ông Chinh, từ ngày ông nhận trực máy Icom, đã có 6 tàu của ngư dân trong và ngoài nghiệp đoàn gặp nạn khi đang đánh bắt được ông hướng dẫn, chỉ đường tránh trú và tiếp cận ứng cứu an toàn.
Giúp ngư dân yên tâm
Sinh ra trên đất đảo, sống chết với biển cả, sau 15 năm khoác áo lính, khi rời quân ngũ ông lại chọn biển khơi làm “đất” mưu sinh. Hơn 30 năm bám biển, bám ngư trường ở Hoàng Sa, Trường Sa, trong đầu ông bây giờ là chi chít những kinh độ, vĩ tuyến bởi dấu chân ông đã từng in trên các rạn san hô, từng con lạch nhỏ của đáy đại dương. Những năm gần đây, do sức khỏe yếu nên ông đã giao phó tàu cá gắn bó gần nửa đời mình cho người thân để lo việc nghiệp đoàn. Dẫu công việc vất vả nhưng ông cảm thấy vui vì đó là việc làm mang lại lợi ích, giúp bà con ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, vừa làm kinh tế vừa góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Nhìn xa xăm ra biển, ông Chinh bảo: “Nhớ lắm vùng lãnh hải của Tổ quốc. Nhưng mình không làm công việc của nghiệp đoàn thì ai làm. Ai cũng nghĩ đến việc riêng thì ai là người lắng nghe ngư dân thông báo tình hình khi đang đánh bắt ở biển Đông để mà trợ giúp. Biển cả nhiều rủi ro lắm. Nghiệp đoàn là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và ngư dân. Nghiệp đoàn gắn kết ngư dân tạo nên sức mạnh để vươn khơi”.
Ban đầu, ông được phụ cấp mấy trăm ngàn đồng một tháng, vậy nhưng không hiểu sao từ tháng 9 đến nay thì cắt hẳn. Nghiệp đoàn từ ngày thành lập được một số tổ chức, cá nhân hứa hỗ trợ, trao bảng tượng trưng số tiền nhưng từ đó đến nay chẳng thấy tiền đâu nên kinh phí hoạt động không có. Thế nhưng ông cũng chẳng bận tâm, bởi khoản thù lao ý nghĩa nhất mà ông nhận được đó là niềm vui khi ngày càng có nhiều ngư dân ý thức được tầm quan trọng khi vào nghiệp đoàn; các tổ, đội tàu cá trong nghiệp đoàn đã phát huy sức mạnh cộng đồng khi đang hành nghề đánh bắt trên biển. Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải thành lập vào cuối năm 2011. Thoạt đầu chỉ có 8 tổ, đội, 35 tàu cá với tổng số 428 ngư dân, nay đã kết nối được gần 700 ngư dân ở 58 tàu, phân thành 14 tổ, đội.
Lão ngư Nguyễn Quốc Chinh cười sang sảng khi nghe chúng tôi nói chuyện ông “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”: “Có gì đâu, chỉ là góp phần nhỏ bé giúp ngư dân an tâm bám biển, giữ vững ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa mà bao đời cha ông gìn giữ”.
Hà Minh