Câu thơ Mỗi năm hoa đào nở/Lại thấy ông đồ già bao năm nay đã ngấm sâu vào tiềm thức của người Việt. Thế nhưng những năm gần đây, khi nghệ thuật viết thư pháp phát triển, trở thành đam mê của nhiều bạn trẻ thì ở các TP lớn, hình ảnh đó lại gắn bó với những “ông đồ” tuổi 20.
Năm 2008, phố “ông đồ” lần đầu tiên xuất hiện tại TPHCM đã đem đến bao điều mới mẻ, tạo điểm đến cho giới trẻ TP và du khách nước ngoài. Khác với những ông đồ ở khu phố cổ, trong văn miếu hay xuất hiện thấp thoáng trong những câu thơ, câu chuyện xa xưa, ở phố “ông đồ” Nhà Văn hóa Thanh niên và Cung Văn hóa Lao động, ông đồ có tuổi đời rất trẻ. Có “ông” chỉ chừng mười chín, đôi mươi, có “ông” ngoài 20 nhưng đã có chục năm tuổi nghề.
80% ông đồ tại các khu phố “ông đồ” ở TPHCM là người trẻ
“Ông đồ” Trần Vĩnh Hải, 21 tuổi (SV năm 3 ĐH Mỹ thuật TPHCM, quê Hà Nội) đã có 3 năm viết thư pháp tại phố “ông đồ” Nhà Văn hóa Thanh niên. Hải được tiếp xúc với thư pháp từ nhỏ bởi ông nội Hải là một nghệ nhân khắc chữ thư pháp. Bắt đầu viết nét chữ thư pháp đầu tiên khi học lớp 2, cậu bé đã rất vui. Vào TPHCM học tập, Hải đăng ký tham gia và trở thành “ông đồ” nổi tiếng ở phố này về sự khéo léo trong nét chữ và dí dỏm trong giao tiếp.
Vĩnh Hải tâm sự: “Tôi tham gia công việc này để thỏa đam mê và luyện viết bởi viết thư pháp đòi hỏi tính kiên trì, cẩn trọng, khéo léo và có gu thẩm mỹ. Ngày trước ông nội tôi dạy, người cho chữ phải có vốn kiến thức và nền tảng văn hóa tốt thì mới có thể “tán chữ”, giải thích những câu thơ Hán Việt, hay gợi ý con chữ phù hợp với tâm nguyện của người xin”.
Gần đó là gian hàng của “ông đồ” Võ Đức Dự (22 tuổi) và “bà đồ” Hải Yến (19 tuổi) cũng đang đông khách đến xin chữ. Không chỉ cho chữ, những lúc rảnh, nhiều vị khách lớn tuổi còn nán lại để đối chữ với các “ông đồ”, “bà đồ” trẻ tuổi. Bác Vũ Đắc Biên (ngụ quận 1) cho biết: “Thanh niên bây giờ rất năng động và chịu học hỏi. Nhìn những nét vẽ và trò chuyện với các cháu về thư pháp, tôi thấy các cháu có tài, nền tảng kiến thức tốt. Hình ảnh này khiến người lớn tuổi như chúng tôi thấy tự hào về một thế hệ trẻ biết chọn cái hay, cái đẹp từ ông cha để duy trì và phát triển”.
Ghé thăm gian hàng của “ông đồ” Nguyễn Văn Thiện, 28 tuổi (Quảng Ngãi) khi anh đang hoàn thành bức liễn cho khách, nhìn bàn tay chậm rãi đưa bút lông “tán chữ” và những nét chữ uốn lượn hiện ra, vị khách lớn tuổi liên tục gật gù khen đẹp. Ở Cung Văn hóa Lao động, “ông đồ” Thiện được liệt vào hàng “lão làng” bởi đã có thâm niên 10 năm cho chữ tại đây.
Ngày thường, Thiện là kiến trúc sư, tết đến lại trở thành “ông đồ”. Thiện kể, cái duyên đam mê thư pháp của Thiện là “ngay từ cái nhìn đầu tiên”, tự mày mò học mất 1 năm, sau đó theo học một vị sư trong 2 năm liền, khi ấy Thiện 16 tuổi. Năm đầu tiên TPHCM mở phố “ông đồ”, đó cũng là thời kỳ bùng phát của trào lưu học và vẽ thư pháp nên có hàng trăm người đăng ký, Thiện đáp ứng đủ mọi tiêu chuẩn nên được tham gia. Kể từ đó, mỗi dịp cận Tết Nguyên đán, chàng trai Nguyễn Văn Thiện gác tất cả công việc thường nhật, háo hức chuẩn bị đồ nghề để lên phố. “Hồi ấy, cả 2 khu phố “ông đồ” ở TPHCM có khoảng hơn 200 ông đồ “nít” như tụi mình và người xin chữ cũng chủ yếu là người trẻ. Sau 10 năm, đến nay cả 2 khu chỉ còn lại khoảng gần 30 ông đồ, những người kiếm sống bằng nghề này thì không thể trụ nổi, hầu hết những người cho chữ ở đây đều làm vì đam mê. Chỉ cần mọi người khen con chữ của mình là thấy vui và lấy đó làm động lực để những tết năm sau tiếp tục lên phố”.
Chính vì đam mê mà không lúc nào các “ông đồ” trẻ ngừng viết. Dù có khách hay vắng khách, các “ông đồ” vẫn miệt mài bên lọ mực tàu, giấy đỏ và thoải mái sáng tác.
THU HƯỜNG