Ông Goetz đang… “cà cuống”?

Vẻ bình thản vẫn được HLV Falko Goetz thể hiện trong cuộc tiếp xúc với giới truyền thông Việt Nam sau buổi tập đầu tiên trên đất Indonesia. Nhưng ẩn sau khuôn mặt ấy, ông thầy người Đức dường như có dấu hiệu bối rối, thiếu tự tin…
Ông Goetz đang… “cà cuống”?

Vẻ bình thản vẫn được HLV Falko Goetz thể hiện trong cuộc tiếp xúc với giới truyền thông Việt Nam sau buổi tập đầu tiên trên đất Indonesia. Nhưng ẩn sau khuôn mặt ấy, ông thầy người Đức dường như có dấu hiệu bối rối, thiếu tự tin…

HLV Falko Goetz và Văn Quyết trong buổi tập chiều qua trên đất Indonesia. Ảnh: Dũng Phương

HLV Falko Goetz và Văn Quyết trong buổi tập chiều qua trên đất Indonesia. Ảnh: Dũng Phương

  • Hình như... run!

Không có sự phàn nàn nào về tính kỷ luật, ý thức của các cầu thủ U23 Việt Nam trong buổi đầu xông đất sân tập ở xứ vạn đảo. Gần 2 giờ "cày bừa" dưới cái nắng, khá bức bối, khó chịu, chẳng có lời than vãn. Quân tập "nhiệt", "máu lửa", đến độ ông Goetz luôn miệng khẳng định, học trò của ông đúng là “chuẩn không cần chỉnh”.

Trò tập chăm chỉ, nhiệt thành, nhưng vấn đề bây giờ dường như nằm ở HLV Falko Goetz. Đình Tùng chấn thương, tập riêng ở khách sạn; Long Giang vẫn "cày bừa", nhưng đúng ra, tập rất cầm chừng. Ông Goetz thừa hiểu rắc rối của Đình Tùng, Long Giang chỉ vài chục giờ trước khi đối đầu với đối thủ dự báo là xương nhất bảng B - Philippines. HLV người Đức tuyên bố, thời gian còn kịp cho Long Giang, Đình Tùng chạy đua, nhưng xem chừng khả năng có 2 cầu thủ thuộc dạng kinh nghiệm nhất U23 Việt Nam là rất khó.

Sức ép và sự thành bại của trận ra quân khiến ông Goetz đôi lúc không giữ được sự điềm tĩnh. Buổi tập hôm qua chỉ cách 48 giờ là U23 Việt Nam phải đá trận ra quân gặp Philippines. Vậy nhưng, ông Goetz yêu cầu học trò “cày” tối đa, dần cho đủ 2 giờ trong cái nắng nóng khó chịu. Rõ ràng là ông Goetz có cái lý riêng để lựa chọn giáo án, nhưng thường thì 2 ngày trước trận đấu, cầu thủ cần được nhả dần khối lượng. Ông Goetz chắc chắn hiểu rằng, cầu thủ không phải là cái máy và trước đó 1 ngày, họ đã rất vất vả với hành trình từ TPHCM sang Jakarta.

Ông Goetz có tính sai điểm rơi hay không, ai cũng hy vọng điều ấy không phải là sự thật. Nhưng sự khác biệt mà ông thầy người Đức thể hiện trong giáo án tập của mình cho U23 Việt Nam vẫn buộc người ta phải nghĩ ngợi. Đó là một linh cảm không được đúng chiều cho đội bóng của ông Goetz.

  • "Võ" gì cho U23 Việt Nam?

Suốt chặng đường chuẩn bị ở TPHCM, việc lắp ráp đội hình U23 Việt Nam của ông Goetz đã gợi lên nhiều câu hỏi. Ngay cả việc “cáp” với đội bóng nghệ sĩ đá trận chia tay, nó đơn giản là chơi cho vui chứ chuyên môn, chiến thuật thật khó hy vọng có sự thay đổi. Cho nên, đến khi U23 Việt Nam tập buổi đầu tại Indonesia, nhiều người chờ đợi U23 Việt Nam sẽ được cáp lại, hình thành khối đội hình chiến thuật chứ không phải là trận đấu nội bộ trong phạm vi nhỏ.

Thực ra có rất nhiều vấn đề về kỹ - chiến thuật của U23 Việt Nam đã lộ ra sau VFF Cup. Chính ông Goetz thừa nhận, đội bóng của ông cần hoàn thiện nhiều, để phong độ không phập phù, chênh lệch một trời một vực như ở VFF Cup. Nhưng làm kiểu gì, chỉnh sửa thế nào, ông Goetz vẫn bảo lưu quan điểm U23 Việt Nam không cần đá nhiều, cọ xát mà hoàn thiện.

Ở sân tập hôm qua, có chừng 15 phút cuối, ông Goetz gây ra sự chú ý đặc biệt. Ông thầy người Đức kéo Văn Quyết, Thanh Trung và trung vệ Anh Quang rèn giũa bài đặc biệt. Không phải là những tình huống di chuyển, chặn phá mà là bày mưu cho trung vệ người Nam Định… ghi bàn. Những cú chặt bóng, chuyền xa của tiền vệ, Anh Quang sẽ luồn lách để tìm mọi cách ghi bàn. Đó không phải là ngón đòn quá mới dưới thời Falko Goetz, nhưng nó người ta tự hỏi: “võ” lạ của U23 Việt Nam chỉ là tìm cách săn tìm bàn thắng bằng… hậu vệ?

Với những gì ông Goetz làm và thể hiện, tất cả đều mong ông và U23 Việt Nam được xuôi chèo mát mái. Nhưng quá nhiều điều dị thường, khác biệt với quy luật buộc người ta nghi ngờ, ông Goetz đang “cà cuống”, không tự tin như vẻ bình thản khi đối đáp với giới truyền thông.

Ngọc Linh

Tin cùng chuyên mục