
Ở cương vị lãnh đạo một tập đoàn kinh tế “ăn nên làm ra”, nhưng bởi cách sống dân dã, lặng trầm suốt ngày với công việc nên người dân quên hẳn ông là tổng giám đốc, Anh hùng Lao động. Họ không nhớ tên đầy đủ của ông là Nguyễn Văn Hùng, mà chỉ gọi ông với cái tên do chính họ đặt, ông Hùng “khu công nghiệp”.
Bài học “vàng”
Kim đồng hồ cứ tích tắc quay, thời gian không chờ đợi. Ông Hùng không thể nào quên khi còn là kế toán Công ty Xuất nhập khẩu (XNK), làm cái việc chia “bát cơm manh áo” cho cán bộ, viên chức huyện Bến Cát. Sau đó là Giám đốc Công ty Thương nghiệp XNK Sông Bé, giai đoạn 1985-1995, với số vốn chỉ 4 tỷ đồng. Biết bao thử thách đắng cay, ngọt bùi, trải nghiệm... Để hôm nay trở thành Tổng giám đốc (TGĐ) Tập đoàn Kinh tế đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex IDC Corp.) được dân Bình Dương, nhất là các nhà đầu tư, “phong vua”.

Ông Nguyễn Văn Hùng (người đứng bên phải) tại buổi lễ khởi công xây dựng Nhà máy Dược phẩm Savipharm, trong Khu chế xuất Tân Thuận-TPHCM, do Becamex liên doanh đầu tư.
Nhớ cái thời “tiền đổi mới”, công ty phải cưu mang sáp nhập những công ty “chết mà không chôn được”. Áp lực về nhân sự phải mạnh dạn chuyển số cán bộ công nhân (CBCN) thừa sang các hoạt động phù hợp, đồng thời tuyển dụng mới CBCN có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao “tung” vào các lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh cọ xát thực tế cho phát lộ tài năng, bố trí vào các vị trí thích hợp. Bản lĩnh là đây, tụt hậu cũng là đây. Sự lựa chọn của Giám đốc Hùng lúc này chỉ còn một con đường đổi mới...
Hồi tưởng lại bước đi đầu tiên xây dựng khu công nghiệp (KCN) Việt Nam-Singapore (VSIP), ông Hùng thú thật: hồi đó, được tỉnh giao nhiệm vụ liên doanh xây dựng VSIP, với Becamex quả là quá sức tưởng tượng. Quan hệ tiếp xúc với nước ngoài ra sao, phong tục tập quán, văn hóa của họ thế nào? Mình phải làm gì để hòa hợp? Rồi kỹ thuật xây dựng cơ sở hạ tầng KCN tiêu chuẩn quốc tế, tiếp thị, thu hút đầu tư ra sao...
Bài toán cực kỳ hóc búa? Song chính đây là cơ hội để Becamex học và làm. Đang lúc nhiều cái phải học, phải làm, thì lại xuất hiện áp lực. Có người bốc “máu anh hùng”: tại sao ta không góp vốn 51% để giữ ghế chủ tịch hội đồng quản trị? Việt Nam có thua kém gì ai? Nhưng ông Hùng nghĩ khác: “Dù sao Singapore hiện tại cũng hơn mình, làm kinh tế khác xa với đánh Mỹ, ta phải dành thời gian để học hỏi. Chỉ sợ mình học không được, làm không xong, chứ sau này giỏi lên, đất của ta, người của ta, khi đã giàu tăng thêm một, hai phần trăm góp vốn có khó gì?”.
Tôi hỏi ông Hùng: “Vậy Becamex và TGĐ trong quá trình xây dựng VSIP đã học được gì?”. Câu trả lời chắc như đinh đóng cột nhưng lại rất dân dã, khiêm nhường: “Không chỉ học được cách làm của Singapore, mà nhờ VSIP, chúng tôi tiếp xúc được với nhiều đối tác; có cơ hội tiếp thị, xúc tiến đầu tư đến nhiều tập đoàn kinh tế lớn của nhiều quốc gia, cường quốc kinh tế. Cái “sự học” được nhân lên gấp bội. Đó là những kinh nghiệm về tổ chức kinh tế gắn với thị trường, xã hội và đào tạo cung cấp nguồn nhân lực, quan hệ giữa nghiên cứu với ứng dụng sản xuất...”.
- Trong tiếp thị, xúc tiến đầu tư, mình cũng phải quảng bá cho Việt Nam chứ?
- Tất nhiên, cơ hội “vàng” sao có thể cho qua. Trước hết, chúng tôi giới thiệu về Việt Nam đổi mới với chính sách mở cửa “làm bạn với tất cả các nước”, đến tiềm năng phát triển của Việt Nam, trí thông minh sáng tạo, truyền thống lao động cần cù, ham học, thân thiện của người Việt Nam. Sau đó Bình Dương “trải chiếu hoa mời gọi đầu tư”. Cuối cùng nói về Becamex và VSIP, địa lý thuận lợi, có cơ sở hạ tầng tiêu chuẩn quốc tế và giá thuê đất ưu đãi.
Dừng lại ít lâu như để thăm dò thái độ người đối diện và nhấm ngụm trà lấy giọng, ông Hùng thú nhận một cách dễ thương: “Trong quá trình tiếp thị, xúc tiến đầu tư cùng Singapore, lúc đầu bọn này rất bỡ ngỡ. Quả thật mình học của bạn rất nhiều. Kinh nghiệm rút ra là trước khi tiếp thị phải hiểu rõ năng lực tài chính, trình độ công nghệ của đối tác mà mình sẽ đến. Nếu không có được điều đó thì không thể nói đến cạnh tranh lành mạnh. Kiến thức quan trọng này đã giúp Bình Dương xử lý vấn đề “thời gian”. Thực sự đây mới là “thảm đỏ” trải ra để các nhà đầu tư bước vào...
Mô hình “phố Bắc”: Từ Mỹ Phước đến khu liên hợp
Ai cũng biết cái khúc mắc nhất trong xây dựng KCN là thủ tục về đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng. Giải thích về cách làm nhanh gọn của Becamex, ông Hùng bật mí: “Mọi việc đều phải được công khai, dân chủ. Cách Becamex tiến hành xây dựng KCN VSIP (500ha), rồi Mỹ Phước quy mô 3.700ha, là nhà đầu tư trình bày cho dân biết phương án quy hoạch, diện tích xây dựng KCN, đô thị tái định cư (TĐC), hướng ưu tiên giúp dân TĐC phát triển kinh tế, làm giàu hưởng lợi từ KCN, phương án giải quyết việc làm, vận dụng chính sách quy định của nhà nước thế nào để dân có lợi”.
Dân được biết, được bàn sẽ như cởi tấm lòng. Becamex tạo điều kiện tối đa cho người dân có công ăn việc làm và thu nhập cao gấp nhiều lần khi còn làm nông nghiệp. Nền đất TĐC được quy định tỷ lệ thuận với số lượng đất của dân bị giải tỏa. Nhà ít nhất cũng 2 nền (400m², có nhà tới 5-10 nền).
Giá chuyển nhượng chỉ bằng giá đất nhà nước thu hồi, thả sức cho dân làm dịch vụ: xây cửa hiệu, nhà hàng, nhà trọ công nhân, mở cơ sở sản xuất, sửa chữa xe máy, đại lý bưu điện... Riêng nhà trọ công nhân mỗi phòng 12-16m², xây dựng đúng quy cách, bảo đảm chất lượng, mỹ quan sẽ được Becamex hỗ trợ 16 bao xi măng...
Dân cư Mỹ Phước bây giờ không còn “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, song họ vẫn không quên thời gian chưa đầy 5 năm, khi ông Hùng đến từng nhà vận động bà con để lấy đất làm công nghiệp. Biết bao người gây khó dễ, từ chối thẳng thừng...
Bà Nguyễn Thị Ánh kể: Lúc đầu nghe hắn nói bán đất tôi cự: bán đất lấy tiền để làm gì? Nông dân chỉ có làm ruộng, mất ruộng, tiền bán đất ăn hết, rồi lấy gì sinh nhai? Nhưng rồi nghe hắn tỉ tê, nhà cô 6, 7 miệng ăn, đất mỗi năm làm cật lực thu chưa đầy 50 triệu đồng, sao không nghèo? Nếu dành đất cho nhà nước làm KCN sẽ được phân 4 nền nhà TĐC (800m²), tiền bồi thường 2ha đất 700 triệu đồng, đủ để xây nhà, mở cửa hàng tạp hóa, đại lý bưu điện, cửa hàng sửa xe máy, nhà trọ... mấy đứa lớn được nhà nước cho đi học nghề về làm công nhân, sửa xe máy, hai đứa nhỏ đi học về phụ giúp cha mẹ trông coi cửa hàng, nhà trọ, mỗi năm thu nhập vài trăm triệu đồng... Quan trọng nữa là nhà cửa khang trang, đi lại đường nhựa, có điện, nước sạch, sẽ sướng hơn làm nông dân nhiều. Nghe hắn nói có lý. Bà con lối xóm thấy tôi “boongke” mà chấp thuận cũng ngả theo. Giờ thì ai cũng giàu lên, có người thành tỷ phú...
Bài học thành công về xây dựng KCN VSIP, Mỹ Phước được TGĐ Hùng khai thác áp dụng triệt để cho dự án Khu liên hợp công nghiệp-dịch vụ-đô thị Bình Dương (KLH CN-DV-ĐT BD), diện tích 4.196ha, vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng, do Becamex thai nghén. D ự án này được coi là “tầm nhìn Bình Dương thế kỷ 21” hấp dẫn tới mức còn đang là thời kỳ xây dựng, đã vinh dự được nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, tổng thống và thủ tướng một số nước đến thăm, ví von là “Phố Bắc”.
Khách thăm Bình Dương đều tìm đến “Phố Bắc” như một điểm du lịch để xem ông Hùng “khu công nghiệp” giải phóng mặt bằng như thế nào mà gần 4.200ha xong cái rụp. Họ cũng đến để ngắm nhìn những con đường tạo lực thẳng như kẻ chỉ rộng thênh thang 50m phẳng lì, hai bên bạt ngàn rừng cây mới trồng, mà mỗi con đường là một thứ cây đặc trưng của miền Đông Nam bộ.
Trung tâm của KLH CN-DV-ĐT BD còn được nhà đầu tư Becamex phô diễn một hình mẫu công viên mang ý nghĩa công trình tạo lực hàng đầu, với hồ nước rộng 30 ha trong xanh uốn lượn, vòng theo triền đồi nhấp nhô. Quanh hồ là hàng ngàn cây cảnh cổ thụ được tạo dáng và thế theo truyền thống đạo đức Á Đông trên nền thảm cỏ, sắc hoa chan hòa trong nắng, trong đó có nhiều cây được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trồng lưu niệm.
Trên vành đai công viên sẽ mọc lên một trung tâm hành chính hiện đại vào bậc nhất của vùng đất miền Đông. Đó là Quảng trường Bình Dương, khách sạn cao tầng, trung tâm hội nghị quốc tế và hàng trăm biệt thự cao cấp... Các nhà đầu tư đến đây sẽ thỏa mãn điều kiện làm việc, giao dịch đầu tư, ăn ở, vui chơi giải trí. Bên hồ nước trong xanh, rừng cây mát rượi để hưởng thụ cuộc sống yên bình giữa thiên nhiên tươi xanh tràn đầy sức sống.
Giải thích cách làm mang tính cách tân trải thảm mặt bằng mà Bình Dương áp dụng với KLH CN-DV-ĐT BD, ông Hùng cho rằng: đây chỉ là giải pháp “nâng màu” kinh nghiệm bài học “trải thảm đỏ” của Bình Dương từ các khu công nghiệp Sóng Thần, VSIP, Mỹ Phước... Sự màu nhiệm của nó là, nếu quy trình xây dựng, đầu tư của các KCN trước, nhà đầu tư phải gián tiếp hoặc trực tiếp cùng Bình Dương giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thì đối với dự án KLH CN-DV-ĐT BD, nhà đầu tư đã được Becamex dọn sẵn cỗ mặt bằng và cơ sở hạ tầng kỹ thuật hoàn thiện.
Hiệu ứng của sự màu nhiệm này là có ngay 6 nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật phát triển công nghiệp trên diện tích 3.000ha, để thu hút 4.000-5.000 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, chủ yếu công nghệ cao. Có hơn 10 nhà đầu tư phát triển trực tiếp vào lĩnh vực hạ tầng xã hội, dịch vụ cao cấp như sân golf, trường đua, bệnh viện quốc tế, trường đại học KHKT, dạy nghề đẳng cấp quốc tế... hứa hẹn cung cấp nguồn nhân lực cao cấp cho khu vực kinh tế trọng điểm, trong đó tự thân KLH CN-DV-ĐT BD thu hút giải quyết việc làm cho 120-150 ngàn lao động công nghiệp tay nghề cao và 5.000-6.000 lao động dịch vụ cao cấp...
Có lẽ Hàn Quốc là quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất vào Bình Dương, nên sau một vòng thăm thú, ông Min Yuong, Tổng lãnh sự Hàn Quốc - tại TPHCM nói lời rất đẹp: “KLH CN-DV-ĐT BD thực sự là hình mẫu về sự phát triển của một đô thị công nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế”.
Còn tôi thích nhất lại là câu nói mộc mạc của bà chủ quán giải khát 588, khu TĐC Phú Chánh, khi chúng tôi dừng xe dưới bóng râm của hàng bằng lăng nở đầy hoa tím: “Dân phố thì phải hơn nông thôn rồi, sướng nhất là từ chân lấm tay bùn nay thành dân phố thị, đi đường nhựa, uống nước máy, con cháu được học trường to, làm việc nhà máy lớn”.
Bà chủ quán cũng không quên nói lời tri ân, dân “Phố Bắc” có được ngày nay là do ông Hùng “khu công nghiệp”. Ông ấy đã mang “phố thị về đồng” cho dân nhờ... đấy!”.
NGUYỄN TRỌNG ĐẠT