Ông “mọt sách” và thư viện vì cộng đồng

Đam mê đọc sách
Ông “mọt sách” và thư viện vì cộng đồng

Nhiều người hay gọi là ông “mọt sách”, trong khi ông tên Phạm Thế Cường, chủ nhân “Thư viện gia đình Phạm Thế Cường” tại số 282, đường số 8, phường 11, quận Gò Vấp (TPHCM). Không chỉ đam mê đọc, sưu tầm sách, ông còn có tâm nguyện cao quý là góp một phần công sức xây dựng văn hóa đọc cho cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ...

Ông Phạm Thế Cường cùng các độc giả nhỏ tuổi tại thư viện. Ảnh: Ái Điển

Ông Phạm Thế Cường cùng các độc giả nhỏ tuổi tại thư viện. Ảnh: Ái Điển

Đam mê đọc sách

Tâm sự về hành trình gắn bó với sách như người bạn đời không thể thiếu, ông chủ thư viện bình thản hồi tưởng lại: Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, lúc gia đình còn sinh sống tại thủ đô Hà Nội, vào một dịp sinh nhật, ông được bố tặng quyển sách tựa đề Không gia đình (tác phẩm văn học nổi tiếng của văn hào Pháp Hector Malot). Ông đã vô cùng thích thú khi đọc, mặc dù lúc ấy chưa cảm nhận hết trọn vẹn ý nghĩa của quyển sách. Và cũng chính từ đó, thói quen đọc sách bắt đầu hình thành trong ông. Mới 15 tuổi, ông đã sở hữu trong tay tủ sách hàng trăm cuốn, đủ thể loại, thành quả của niềm đam mê đọc và sưu tầm sách.

Năm 1982, lúc chuyển vào định cư tại TPHCM, “tàng thư” của ông đã xấp xỉ 1.000 quyển. Kể đến đoạn này, gương mặt ông Cường tỏ ra khá tiếc nuối: “Lúc vào Nam tôi mang theo 5 bao sách, gửi theo tàu vào. Đến nơi thì thất lạc mất 3 bao. Tiếc đứt ruột vì nhiều bộ sách hay mà mình yêu quý bị mất như: Đất vỡ hoang, Sông Đông êm đềm, Hồng lâu mộng... Thời bao cấp, đời sống còn nhiều khó khăn nên có được sách là quý lắm, vậy mà...”. Tuy nhiên, hơn 30 năm sống và làm việc tại TPCHM, thói quen đọc, sưu tầm sách vẫn mãnh liệt trong ông như ngày nào. Chính vì vậy mà kho sách trong nhà ông Cường hiện tại đã hơn 20.000 đầu sách. Bạn bè, người thân cũng có khi gọi ông là “mọt sách”.

Xây dựng văn hóa đọc sách

Năm 2002, sau khi nghỉ hưu, ông tham gia công tác xã hội tại địa phương. Trong vai trò là một cựu chiến binh, một bí thư chi bộ khu phố, ngoài các hoạt động vì cộng đồng, ông “mọt sách” Phạm Thế Cường bắt đầu nghĩ đến chuyện đem “kho chữ” của nhân loại mà ông dày công gìn giữ, nâng niu hàng mấy chục năm ra giúp ích cho đời. Không lâu sau đó, được sự ủng hộ của gia đình, sự động viên cổ vũ của bạn bè, ý tưởng thành lập thư viện ngay tại nhà đã trở thành hiện thực.

Vào dịp kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ 19-5-2005, “Thư viện gia đình Phạm Thế Cường” chính thức khánh thành. Những năm đầu, thư viện chủ yếu phục vụ cho các em thiếu nhi và học sinh. Đến nay, qua gần 8 năm hoạt động, thư viện đã đón hàng trăm bạn đọc nhỏ tuổi, học sinh, thanh thiếu niên, sinh viên thậm chí một số nhà nghiên cứu lui tới thỏa sức khám phá kho tàng tri thức nhân loại mà không phải tốn bất kỳ một khoản phí nào. Điều đặc biệt nhất là mỗi khi mượn sách về nhà đọc, các bạn nhỏ đều tự điền tên mình, tên sách, ngày tháng mượn vào quyển sổ tay do chính chủ nhân thiết kế. Đến khi trả sách cũng chính tự tay các em lật sổ gạch đi phần mình đã ghi. “Tôi làm như vậy là để giúp các cháu có ý thức tự giác, trách nhiệm với sách, với mình và với mọi người” - ông Cường lý giải. Thời gian gần đây, để có sách mới kịp thời phục vụ độc giả, mỗi tháng ông Cường đã phải bỏ ra 3 - 4 triệu đồng tiền mua sách.

Không chỉ phục vụ nhu cầu đọc, tìm hiểu kiến thức, ông Cường đã nghĩ ra rất nhiều hình thức độc đáo nhằm xây dựng văn hóa đọc sách, định hướng lý tưởng sống cho thế hệ trẻ như: thành lập Câu lạc bộ “Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng” (mỗi tháng sinh hoạt một lần); tổ chức thi kể chuyện về Bác Hồ cho các cháu thiếu nhi, nói chuyện về đạo đức Hồ Chí Minh, về ý nghĩa các ngày lễ lớn của dân tộc cho thanh thiếu niên, học sinh; liên hệ với thư viện Nhà Thiếu nhi thành phố tổ chức cho các em thiếu nhi đến sinh hoạt dã ngoại và đọc sách hàng tháng...

Những năm qua, không ít lần độc giả nhỏ tuổi tại thư viện đoạt giải thưởng trong các cuộc thi kể chuyện sách hè do Trung tâm Văn hóa quận Gò Vấp tổ chức. Trong các dịp thư viện tổ chức tưởng niệm ngày sinh, ngày mất của các nhà văn tiêu biểu trong nền văn học Việt Nam như Nam Cao, Sơn Nam, Nguyễn Huy Tưởng…, ông Cường đã mời một số nhà văn, tác giả văn học tên tuổi đến thư viện tham gia giao lưu với các độc giả của “Thư viện gia đình Phạm Thế Cường”.

Chia tay chúng tôi, ông chủ thư viện ước mong rất giản dị: Ngày càng nhiều bạn đọc đến với kho sách của mình vào mỗi buổi tối thứ hai - tư - sáu và chiều chủ nhật hàng tuần - thời gian đã trở nên quá quen thuộc với những độc giả thường xuyên lui tới thư viện vì cộng đồng này.

Mai Nguyễn

Tin cùng chuyên mục