Năm mới Tân Mão 2011, những giải pháp, những công trình giao thông nào sẽ được ưu tiên đầu tư nhằm từng bước giảm tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông (TNGT)? Trước thềm năm mới, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, về những vấn đề trên.
- Ưu tiên cho các đường cửa ngõ và xuyên tâm
° PV: Thưa ông, trong quy hoạch phát triển GTVT TPHCM đến 2020 có hàng trăm công trình giao thông phải xây dựng. Sở GTVT TPHCM sẽ ưu tiên chọn những công trình nào để triển khai đầu tư trước trong năm 2011?
° Ông TRẦN QUANG PHƯỢNG: Năm 2011, Sở GTVT sẽ ưu tiên đầu tư cho các tuyến giao thông cửa ngõ, kết nối TPHCM với các địa phương lân cận, đường Vành đai số 2 và các trục đường xuyên tâm, các trục đường kết nối với các đầu mối giao thông lớn, đặc biệt là đến các cảng biển và sân bay cùng một số trục đường giao thông đô thị lớn khác.
Ở cửa ngõ Đông Bắc là công trình cải tạo và mở rộng xa lộ Hà Nội và Liên tỉnh lộ 25B-con đường huyết mạch đi vào cụm cảng biển Cát Lái của thành phố. Dự án mở rộng quốc lộ 13 cũng sẽ được tiến hành nhằm mở thêm một hướng giao thông từ TPHCM đi các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Tây Nguyên. Bên cạnh đó, Sở GTVT sẽ phấn đấu hoàn thành đường song hành với quốc lộ 22, hoàn thành cầu Phú Long để kết nối thuận lợi hơn với xã Thuận An, tỉnh Bình Dương; hoàn thành cầu Rạch Tre trên Tỉnh lộ 15 và khởi động đoạn đường song hành với đường Hà Huy Giáp.
Ở cửa ngõ Tây Nam là công trình kết nối đường Nguyễn Văn Linh với đường cao tốc TPHCM-Trung Lương. Ngoài ra, Sở GTVT sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ GTVT cho kết nối Đại lộ Đông Tây với đường cao tốc TPHCM-Trung Lương để tăng thêm năng lực giao thông giữa TPHCM và các tỉnh miền Tây Nam bộ. Sở GTVT cũng sẽ dồn sức cho dự án mở rộng Tỉnh lộ 10 và đường song song với Tỉnh lộ 10 để kết nối với huyện Đức Hòa của tỉnh Long An; phối hợp với các đơn vị của Bộ Giao thông Vận tải mở rộng quốc lộ 50 kết nối xuống Long An và Tiền Giang...
° Theo thống kê của Ban An toàn giao thông (ATGT) TPHCM, ùn tắc giao thông và TNGT, đặc biệt là ùn tắc giao thông, diễn ra không chỉ ở các cửa ngõ thành phố mà còn diễn ra trên nhiều trục đường xuyên tâm của thành phố, nhất là các trục đường chạy theo hướng Bắc-Nam. Đối với những trục đường này, Sở GTVT có giải pháp gì để giải quyết vấn đề?
° Tất nhiên, chống ùn tắc giao thông và TNGT trong khu vực nội thành cũng được Sở GTVT ưu tiên. Trong năm nay, TPHCM sẽ hoàn thành toàn bộ dự án xây dựng Đại lộ Đông Tây, triển khai một số dự án thành phần của đường Vành đai 2 như dự án xây đường nối từ ngã tư Bình Thái đến nút Gò Dưa, dự án xây đường nối từ An Lạc (trên quốc lộ 1A) đến đường Nguyễn Văn Linh; hoàn tất nút giao thông Gò Dưa… để các phương tiện giao thông có thể lưu thông từ phía Đông sang phía Tây thành phố theo trục Đông Tây hoặc có thể từ đường Nguyễn Văn Linh qua cầu Phú Mỹ và đi vào con đường mới nối đến Xa lộ Hà Nội mà không phải đi vào khu vực nội thành.
|
Nhằm cải thiện hướng giao thông từ phía Bắc xuống phía Nam thành phố, sở sẽ mở rộng đường trục Bắc-Nam bằng việc xây dựng đường nối từ cầu Ông Lãnh đến đường Nguyễn Văn Linh và mở rộng đường Nguyễn Văn Thọ đoạn nối từ đường Nguyễn Văn Linh đến khu công nghiệp Hiệp Phước, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường nối Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai 2, khởi công xây dựng đường nối vào khu vực cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, đường vào cảng Phú Hữu… Có thêm các trục đường mới này, áp lực giao thông cho khu vực nội thành chắc chắn sẽ được giảm đi nhiều.
- Đầu tư mạnh cho phát triển vận tải hành khách công cộng
° Hiện nay trung bình mỗi ngày tại TPHCM vẫn có hàng ngàn xe ô tô và xe gắn máy 2 bánh đăng ký mới. TPHCM cũng đã nói nhiều đến việc hạn chế xe cá nhân nhưng chưa thấy triển khai. Thưa ông, như vậy TPHCM sẽ phải xây dựng thêm bao nhiêu con đường nữa mới đủ đáp ứng cho sức gia tăng này?
° Không một nguồn lực nào đủ để xây dựng cầu, đường mới liên tục cho lượng xe gia tăng phi mã như thế. Đó là chưa kể đến tình trạng xe cá nhân quá nhiều sẽ gây ô nhiễm môi trường, phát sinh nhiều TNGT (thống kê của Ban ATGT TPHCM cho thấy, gần 80% vụ TNGT trên địa bàn thành phố là do xe gắn máy 2 bánh gây ra) làm tiêu hao một lượng không nhỏ các nguồn năng lượng xăng, dầu… của quốc gia. Đối với các thành phố lớn như TPHCM còn là vấn đề về đất đai có hạn, trong khi đó việc ngầm hóa hoặc xây dựng cầu đường ở trên cao sẽ tốn rất nhiều chi phí. Đây là bài học được rút ra từ nhiều đô thị đã phát triển trước TPHCM.
Chính vì thế, nhiều quốc gia, nhiều thành phố đã phải áp dụng nhiều giải pháp để hạn chế xe cá nhân. TPHCM cũng đã có chủ trương hạn chế xe cá nhân và chủ trương này đã được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng tình. Tuy nhiên lộ trình thực hiện còn phải cân nhắc vì nó liên quan đến nhiều bộ, ngành và tình hình thực tiễn của mỗi địa phương.
° Trong bối cảnh xe cá nhân tăng mạnh như hiện nay, năm Tân Mão, Sở GTVT chọn giải pháp gì để thực hiện nhiệm vụ phát triển vận tải hành khách công cộng?
° Trong khả năng của mình, Sở GTVT cố gắng nâng dần chất lượng hoạt động của các phương tiện vận tải hành khách công cộng. Trước mắt, Sở GTVT sẽ mở rộng việc áp dụng vé-thẻ xe buýt thông minh ra thêm một số tuyến (hiện nay đã có 2 tuyến) và mục tiêu là đến tháng 5-2011 phủ kín ở 105 tuyến xe buýt có trợ giá. Chậm nhất, đến dịp 30-4 sẽ đưa 21 xe buýt sử dụng khí CNG đầu tiên của thành phố vào vận hành.
Sau khi có đánh giá về hoạt động của 21 chiếc xe nêu trên, Sở GTVT sẽ đề xuất UBND TPHCM có chính sách khuyến khích cho các đơn vị vận tải khác chuyển đổi sang sử dụng loại xe buýt sạch này nhằm hạn chế khí thải, bảo vệ môi trường cho thành phố. Xe buýt có thang nâng phục vụ người khuyết tật cũng sẽ được phát triển thêm cùng với việc xây dựng thêm 20-30 nhà chờ xe buýt có thiết bị phục vụ người khuyết tật. Dự kiến, Sở GTVT sẽ phối hợp với các đơn vị vận tải, hiệp hội vận tải tổ chức các giải thưởng dành cho tài xế lái xe buýt và taxi an toàn.
° Cảm ơn ông
NGUYỄN KHOA