Ong trong vườn trái

Ong trong vườn trái

Ong hút nhụy hoa và “ươm” nên những giọt mật ngọt cho đời từ sự kết tinh của hương hoa trời đất. Mật ong không chỉ bổ dưỡng cho sức khỏe con người mà còn cung cấp nguồn dược liệu quí cho y học …Với tư duy năng động, nhiều nông dân miệt vườn đã trở thành những “doanh nhân” triệu phú từ nguồn lợi “trời cho” này.

Người nuôi ong giàu lên…

Ong trong vườn trái ảnh 1
Thu hoạch mật ong. Ảnh: Đ.C

Nghe thông tin, chỉ với 300 thùng ong “săn mật” trong 4 tháng, đã đem lại cho “ông chủ trẻ” Phan Thanh Luyện ở cù lao Cầu Kè, Trà Vinh 200 triệu đồng tiền lời, chúng tôi lập tức “khăn gói” đến thăm. Anh Luyện vui vẻ đón tiếp, nhiệt tình đưa chúng tôi đi tham quan. Xuyên qua hàng trăm ha vườn nhãn, chôm chôm, sầu riêng... chúng tôi đến cứ điểm “đồn trú” của 300 thùng ong với hàng trăm ngàn con ong đang cần mẫn “ươm mật”.

Chỉ tay về phía vườn nhãn đang thì đơm hoa, kết trái, anh Luyện nói: “Hương, hoa cây nhãn là nguồn mật phong phú nhất trong các loại cây ăn trái .Vì thế đặt thùng ong lấy mật tôi thường chọn những vườn nhãn sung sức”. “Nhưng với diện tích vài chục ha quanh vườn này thì làm sao cung cấp đủ mật cho đàn ong” -tôi thắc mắc. Anh Luyện cười: “Phạm vi bán kính hoạt động tìm mật của đàn ong hơn 2 km. Khi đưa đàn ong về đây khai thác mật, tôi hợp đồng với bà con trong khu vực là các vườn cây xung quanh có đàn ong “di trú” không xịt thuốc trong thời gian tìm mật của ong. Tôi cũng giải thích để bà con hiểu nhờ sự “giao thoa” hút mật của đàn ong, cây ăn trái thụ phấn cao, sản lượng tăng. Người nuôi ong được mật và nhà vườn bội thu mùa cây ăn trái…”

Bảy năm trong nghề, bốn năm đưa đàn ong “nhập cư” trên cù lao cây ăn trái Cầu Kè, anh Luyện đã thu về tiền tỷ từ sản vật “trời cho” này. Kể lại “hành trình” thoát nghèo của mình, anh Luyện thổ lộ: “Sinh ra trong gia đình nghèo ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, 16 tuổi tôi lặn lội vào làm rẫy kiếm sống ở Đồng Nai.  Tại đây, học hỏi kinh nghiệm nuôi ong của người dân địa phương, tôi tích cóp số vốn ít ỏi, nuôi chí làm giàu. Từ đàn ong ban đầu, hiện nay tôi đã nhân ra hàng chục đàn ong túa đi khai thác mật khắp vùng ĐBSCL.”.

Anh Luyện cũng cho biết, khác với nghề khai thác mật ong tự nhiên ở rừng, ngoài vốn đầu tư, nghề nuôi ong lấy mật đòi hỏi  phải có kinh nghiệm. Nguồn ong giống được nhập từ Italia. Vốn đầu tư ban đầu cho 1 thùng ong lấy mật khoảng 250.000 đồng, mỗi thùng ong có 1 con ong chúa. Đây là “nhạc trưởng” quyết định sự thành bại của nghề. Để có đàn ong khai thác mật từ 250 - 300 thùng, phải đầu tư khoảng 60 - 75 triệu đồng.  Không giống như Tây nguyên và miền Đông Nam bộ, mùa lấy mật ở miệt vườn ĐBSCL từ tháng 4 đến 8 Dương lịch, là mùa đơm hoa, kết trái của nhãn, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt…

Hiện anh Luyện đã thu được gần 4 tấn mật ong, dự kiến đến cuối vụ (tháng 8) sản lượng khai thác khoảng 20 tấn. Giá mật ong trên thị trường hiện dao động từ 18 - 19.000 đồng/kg, có lúc lên đến 26.000 đồng/kg. Với sản lượng mật trên, anh Luyện nắm chắc lợi nhuận 200 triệu đồng.

… và chủ vườn cây bội thu

Anh Đào Văn Nguyên, nguyên Chủ tịch Hội nông dân xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, chủ trang trại 0,8 ha sầu riêng Mongthong, chôm chôm nhãn, măng cụt, cho biết: “Hơn 10 năm qua, hàng chục “triệu phú” nuôi ong các tỉnh Đông Nam bộ di trú đàn ong về các xã An Phú Tân, Ninh Thới, Tam Ngãi và cù lao Tân Qui của huyện Cầu Kè -“vương quốc” cây ăn trái của Trà Vinh- để tận thu nguồn lợi “trời cho” từ hoa trái miệt vườn.

Ngoài sản phẩm mật của người nuôi ong, nhà vườn bội thu trái cây (sản lượng tăng 1,5 lần so với những vườn cây bình thường), sản phẩm thu hoạch sạch (do không có dư lượng thuốc trừ sâu) nên bán được giá…”. Cũng nhờ áp dụng mô hình nuôi ong trong vườn cây ăn trái nên hiện nay măng cụt HTX Tân Thành, xã An Phú Tân đã hoàn thành thủ tục đăng ký thương hiệu và gia nhập câu lạc bộ GAP (Good Agricultural Practises - qui trình nông nghiệp an toàn) sông Tiền. Đây được coi là lộ trình để trái cây cù lao Tân Qui và cả vùng ĐBSCL hội nhập.

Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó chủ tịch huyện Cầu Kè, tâm đắc: “Huyện Cầu Kè có 7.300 ha cây ăn trái. Nghề trồng cây ăn trái đang đem lại cuộc sống khá giả cho nhiều người dân nơi đây. Sắp tới chúng tôi  phát triển mạnh mô hình nuôi ong lấy mật trong vườn cây ăn trái nhằm nhân đôi  hiệu quả kinh tế. Hiện chúng tôi đang tổng kết, rút kinh nghiệm từ thực tiễn mô hình sản xuất trái cây sạch của HTX măng cụt Tân Thành, xã An Phú Tân để nhân rộng ra các địa phương”.     

Chia tay, xuống đò trở về, chúng tôi chia sẻ niềm vui, sự tin tưởng của lãnh đạo huyện Cầu Kè: “Chủ trương đúng, cách làm hay, người dân đồng thuận, lo gì nông dân không giàu từ mô hình nuôi ong lấy mật trong vườn cây ăn trái…”.

Đình Cảnh

Tin cùng chuyên mục