Năm 2006, khi tìm tư liệu viết tiểu thuyết Đêm Sài Gòn không ngủ, tại ngôi nhà số 14 Nguyễn Ư Dĩ, quận 2, tôi rưng rưng khi nhìn “Ông trùm Biệt động” trải tấm bản đồ mà ông đã dùng khi chỉ huy lực lượng biệt động đánh vào nội đô Sài Gòn. Ông đau đớn khoanh tròn các mục tiêu. Rồi ông trao cho tôi tập sách Từ một dòng sông.
Ông ôm ngực, ho dữ dội, tim đau thắt khi viết những dòng lịch sử đau đớn, trĩu nặng: “Năm đội biệt động với tổng số 88 đồng chí đã đơn độc chiến đấu trong lòng địch. Với lực lượng ít ỏi, vũ khí bộ binh nhẹ, phải đánh trả máy bay, xe thiết giáp, pháo binh và chống chọi với số quân địch nhiều gấp mấy chục lần. Vậy mà anh em vẫn ngoan cường bám trụ, đánh đến viên đạn cuối cùng và người cuối cùng. Tất cả 88 đồng chí trung kiên đều ra đi, hầu hết hy sinh và số ít sa vào tay giặc, những tin tức đau lòng làm tất cả chúng tôi đều xót xa”.
Ông đọc bảng câu hỏi dài dằng dặc của tôi, lặng đi. Có những câu hỏi ông trả lời tôi ngay lúc ấy. Nhưng có những câu hỏi ông xếp lại, cho đến mới đây khi nhận được hung tin ông vĩnh viễn ra đi, tôi biết ông đã mang theo những bí mật về Mậu Thân 1968 cùng uẩn khúc những số phận chiến sĩ biệt động Sài Gòn về bên kia thế giới…
Tôi cám ơn vì ông đã bao dung, không phản đối khi tôi gọi ông là “Ông trùm Biệt động”, bởi người chỉ huy và các chiến sĩ của đội quân đã tồn tại và chiến đấu trong lòng địch quá đỗi đặc biệt. Và những trang sách của ông không chứa hết những số phận bi hùng của những chiến sĩ biệt động. Ông Tư Chu trao cho tôi danh sách, các địa chỉ của những bà “Chúa kho dũng cảm”, với những cái tên viết hoa đầy ấn tượng.
Từ các bàn đạp trung chuyển và vùng ven, trên các trục hành lang vận chuyển công khai, vượt qua hệ thống kiểm soát dày đặc của địch, với tài ngụy trang khéo léo, sự năng động, sáng tạo, dũng cảm; lực lượng bảo đảm Biệt động Sài Gòn đã vận chuyển hàng tấn thuốc nổ, súng đạn, phương tiện chiến tranh vào ém đều khắp các cơ sở gần mục tiêu đầu não địch trong nội thành.
Những con người thầm lặng ấy đã góp phần làm nên những kỳ tích biệt động. Tất nhiên, vai trò người chỉ huy rất quan trọng, theo góc nhìn biện chứng của ông: “Cái giỏi của người chỉ huy biệt động - nói chung - là giỏi về tổ chức: có loại dùng gần, có loại dùng xa, có trước mắt, có lâu dài, biết nuôi dưỡng, chăm sóc, xây dựng những khả năng có triển vọng lâu dài như chui sâu, leo cao về lâu dài trong hàng ngũ địch, biết ngăn cách, bảo mật, giữ gìn lực lượng, tránh bể bạc tràn lan…”.
Chính trí tuệ và nghệ thuật dùng “xa” và “gần”, khả năng “chui sâu leo cao” kết hợp với tinh thần quật khởi của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn mà Biệt động Sài Gòn đã làm nên những chiến công bất tử, làm rung chuyển Nhà Trắng bên nước Mỹ. Và Tết Mậu Thân 1968 được xem là đỉnh cao chiến đấu của lực lượng Sài Gòn - Gia Định, với các mục tiêu đầu não của địch như Dinh Tổng thống, Đài Phát thanh, Bộ Tư lệnh Hải quân, Đại sứ quán Mỹ, Bộ Tổng Tham mưu… gây chấn động Lầu Năm góc nước Mỹ, tác động mạnh mẽ đến tiến trình hòa bình ở Việt Nam.
Những mốc son của lịch sử Biệt động Sài Gòn không chỉ viết bằng máu của những người con ưu tú của đất nước mà còn có những nỗi đau, nước mắt trong đời riêng, đầy trắc ẩn của những người còn sống. Ông đã giúp những người trẻ hiểu về Mậu Thân 1968 bằng cả ẩn số người Sài Gòn, khi anh Thạch - một sĩ quan ngụy quyền lại tình nguyện dẫn đường cho những lãnh đạo phân khu nội đô thoát hiểm, khi anh Lê Huấn (Hai Hồ) - con trai một tướng lĩnh cao cấp Sài Gòn - đã hoạt động đơn tuyến trong lòng địch.
Trong vai một sĩ quan quân đội cộng hòa, chính Hai Hồ lái xe đưa ông vào thị sát Bộ Tổng Tham mưu, chuẩn bị cho Mậu Thân 1968. Đó là người phụ nữ chấp nhận làm người chiến sĩ vô danh khi làm vợ một sĩ quan không quân Mỹ đã lấy được cho cách mạng tấm bản đồ chi tiết nội đô Sài Gòn và tấm bản đồ ấy đã giúp lãnh đạo phân khu nội đô nghiên cứu cho kế hoạch tổng tiến công…
Cũng chính vì những số phận con người liên quan đến lịch sử mà ông Tư Chu mong có được một công trình tổng kết lịch sử Biệt động Sài Gòn thật khoa học, khách quan để lại cho thế hệ mai sau. Những ngày cuối tháng 5-2010, ông Tư Chu từ bệnh viện trở về nhà, vẫn sống bằng đường truyền thức ăn bên hông. Ông nói khó khăn nhưng tôi biết, lời trăn trối ấy ông đã viết cách đây hơn 10 năm, khi ông phát hiện mình mang chứng bệnh hiểm nghèo, bởi nhiều đồng chí của ông đã ra đi quá sớm, không được hưởng một ngày hòa bình trong độc lập, tự do.
Ông trăn trở: “Nếu phải ra đi, là lúc về thế giới bên kia, gặp lại anh chị em cũ đã hy sinh, tôi sẽ nói gì về trách nhiệm của những người còn sống đối với sự mất mát khôn lường của đồng đội, mà lúc ngã xuống họ không có một lời trối trăng. Đây là điều thực sự đã dày vò tôi, đôi khi ám ảnh như mặc cảm của người có lỗi…”.
“Ông trùm Biệt động” Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu) đã sống với nỗi ray rứt, trách nhiệm, nghĩa tình với đồng đội những ngày cuối của cuộc đời như thế.
Trầm Hương