Đó là tên rất trìu mến mà nhiều người dân ở xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh đặt cho ông Trần Văn Lênh (66 tuổi, ở thôn 2, xã Cẩm Lĩnh). Mặc dù kinh tế gia đình không khá giả gì, nhưng bằng tấm lòng của mình, ông Lênh đã âm thầm tình nguyện góp sức, góp của vào công cuộc phát triển của địa phương và giúp đỡ cho nhiều người dân thoát nghèo, vươn lên có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Thoát nghèo từ máy lặn
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ bên cửa biển xã Cẩm Lĩnh, ông Lênh chia sẻ: Tôi sinh ra trong gia đình có 8 người con. Lớn lên, tháng 2-1970, tôi tình nguyện nhập ngũ và được phân vào Trung đoàn 3, Sư đoàn 324, Quân khu 4. Nhiều năm tham gia chiến đấu tại chiến trường Bình Trị Thiên, tôi 4 lần bị thương nhưng may mắn chỉ bị nhẹ ở phần mềm vùng tay, vai, chân. Chiến tranh kết thúc, tôi ra quân trở về địa phương và lập gia đình với Trần Thị Quyển, là cựu thanh niên xung phong.
Thời đó, gia đình ông Lênh rất khó khăn, cuộc sống chủ yếu dựa vào nghề làm muối cho hợp tác xã và lặn biển bắt hải sản quanh khu vực đảo Én, đảo Bớc. Ông Lênh nhớ lại: “May có nghề lặn biển và sáng chế ra máy lặn nên gia đình tôi sống tạm được, không đến nổi nào. Thấy máy lặn có hiệu quả, nhiều người dân ở các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Nghi Xuân, Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh) và Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) tìm đến tận nhà xem rồi về sắm máy, sắm thuyền và nhờ tôi đến giúp tập lặn. Chỉ riêng ở xã tôi, nhờ có máy lặn đã giúp hàng trăm người dân bắt đầu khá giả”.
Đại diện Huyện ủy huyện Cẩm Xuyên tặng bằng khen cho ông Lênh vì có thành tích xuất sắc trong “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”
Đến năm 2000, khi biết tỉnh Hà Tĩnh có chủ trương khuyến khích người dân phát triển ngành nuôi trồng thủy, hải sản để xóa đói giảm nghèo, với khát vọng làm giàu thay đổi cuộc sống ngay trên mảnh đất quê hương, ông Lênh nhận thấy tại vùng đất Cẩm Lĩnh có nhiều điều kiện thuận lợi, nên bàn với vợ con bán thuyền, rồi làm đơn lên chính quyền xã xin đấu thầu đất khai hoang, phục hóa để chuyển sang nuôi tôm sú, cua biển giống…
Góp phần xây dựng quê hương
Khi đã có điều kiện kinh tế, ông Lênh bắt đầu thực hiện hành trình tự nguyện hỗ trợ chính quyền địa phương triển khai có hiệu quả các mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giúp đỡ những người dân xóa đói giảm nghèo.
Chứng kiến nhiều tuyến đường giao thông ở 10/10 thôn của xã Cẩm Lĩnh thấp trũng, lầy lội về mùa mưa lũ, người dân không thể đi lại được, ông Lênh tình nguyện hỗ trợ hàng trăm chuyến xe tải, với hàng ngàn mét khối đất, đá để đổ san lấp mặt bằng nâng cao đường, kè đường, kè cầu, làm đường mới… Chưa hết, ông còn hỗ trợ đất, đá, cát, gạch để nhiều thôn xây dựng nhà văn hóa và mua bàn ghế tặng thêm cho hội quán thôn; hỗ trợ cho hàng chục hộ dân nghèo trên địa bàn xây dựng nhà cửa. Chỉ tính riêng trong 5 năm, từ 2010-2015, ông đã trực tiếp hỗ trợ 8/10 thôn ở xã Cẩm Lĩnh số tiền 550 triệu đồng. Riêng năm 2016 này, ông tiếp tục hỗ trợ nhiều thôn và hộ nghèo bằng vật chất trị giá khoảng 130 triệu đồng. “Trong chiến tranh, nhiều đồng đội tôi đã anh dũng hy sinh xương máu, còn tôi may mắn sống sót trở về đây, vì vậy tôi luôn ấp ủ ước vọng phải làm việc nghĩa để góp phần xây dựng quê hương, giúp đỡ những người hoàn cảnh nghèo khó có cuộc sống tốt đẹp hơn. Tới đây, tôi sẽ đi tìm gia đình của đồng đội có hoàn cảnh khó, bị nhiễm chất độc da cam/dioxin để giúp họ vượt qua khó khăn…”, ông Lênh trải lòng. Ông cũng dự định trong năm 2017, sẽ dồn vốn triển khai các mô hình làm kinh tế mới, như nuôi vịt trời, dế, tắc kè, kỳ đà, cua giống, lươn… để người dân ở Cẩm Lĩnh cùng học tập, nhân rộng; sau đó hình thành hợp tác xã và bao tiêu sản phẩm cho dân.
Ông Trần Văn Phúc (trưởng thôn 2, xã Cẩm Lĩnh) cho biết: Ông Lênh là cựu chiến binh gương mẫu, sống có tâm đức, được bà con lối xóm tín nhiệm. Dù ở nhà vợ luôn đau yếu, nhưng những năm qua ông làm từ thiện rất nhiều, không chỉ cho thôn 2 (khoảng 200 triệu đồng), mà còn ở các thôn khác trong xã”. Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Lĩnh, Trần Xuân Hữu nói: Ghi nhận những việc làm từ thiện, xã đã tặng giấy khen cho ông Lênh vì có nhiều đóng góp cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Huyện ủy huyện Cẩm Xuyên cũng tặng bằng khen cho ông vì có thành tích trong “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Từ việc sáng chế ra máy lặn biển và truyền “bí quyết” để ngư dân địa phương có thể lặn được hàng giờ liền dưới biển nên ở xã Cẩm Lĩnh và các địa phương lân cận đã hình thành nghề lặn biển chuyên nghiệp, với hơn 1.000 người theo nghề lặn để đánh bắt hải sản, đem lại thu nhập khá và dần cải thiện cuộc sống mới. |
DƯƠNG QUANG