Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan: Cung cấp nguồn thực phẩm dinh dưỡng đến mọi nhà

Năm 2013 là năm đầy khó khăn thách thức với đại đa số các DN sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh đó, Công ty Vissan đã và đang làm gì để giữ vững thị phần, đảm bảo kế hoạch tăng trưởng doanh thu? Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan (ảnh) về những nội dung nêu trên và dự cảm kinh tế của ông trước thềm năm 2014.
Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan: Cung cấp nguồn thực phẩm dinh dưỡng đến mọi nhà

Năm 2013 là năm đầy khó khăn thách thức với đại đa số các DN sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh đó, Công ty Vissan đã và đang làm gì để giữ vững thị phần, đảm bảo kế hoạch tăng trưởng doanh thu? Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan (ảnh) về những nội dung nêu trên và dự cảm kinh tế của ông trước thềm năm 2014.

        Doanh thu hơn 4.700 tỷ đồng

* Chào ông, trước tiên ông có thể khái quát một vài chỉ tiêu Vissan đã đạt được trong năm qua?

* Ông VĂN ĐỨC MƯỜI: Kết thúc năm 2013, doanh số của Vissan đạt hơn 4.700 tỷ đồng, nộp ngân sách 260 tỷ đồng. Các chỉ số phát triển năm 2013 so với cùng kỳ và so với kế hoạch chỉ tăng từ 6%-7%. Đây là con số khiêm nhường, nhưng đằng sau đó là nỗ lực rất lớn của tập thể Vissan trong bối cảnh thị trường đã thay đổi, đặc biệt là sức mua chưa thực sự khôi phục hoàn toàn.

* Ông có thể nói rõ hơn cách Vissan vượt qua giai đoạn khủng hoảng?

* Trong quá trình hoạt động, Vissan luôn bám lấy chiến lược của mình đề ra và thực hiện tái cấu trúc DN ngay từ năm 2010. Đến năm 2013 đi vào giai đoạn hoàn chỉnh nhưng tái cấu trúc không thể dừng lại mà phải được đi tới, tiếp tục sửa đổi bộ máy cho phù hợp, đánh giá lại nguồn nhân lực để đào tạo, phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của DN. Điều quan trọng, Vissan luôn xác định giá trị cốt lõi của chính mình, đó là cung ứng cho thị trường những mặt hàng thực phẩm tươi sống và chế biến đạt chất lượng, có giá trị dinh dưỡng cao nhất. Nếu DN đầu tư dàn trải ra nhiều lĩnh vực khác, chắc chắn sẽ bị phân tán sức lực và thiếu tính chuyên môn.

Song song đó, năm 2013, Vissan đã đầu tư thêm 70 tỷ đồng để xây dựng giai đoạn 2 nhà máy đặt tại Bắc Ninh, sẽ đưa vào hoạt động năm 2014. Công ty cũng đang triển khai cụm công nghiệp Vissan tại Long An với tổng trị giá 2.000 tỷ đồng, dự kiến đi vào hoạt động năm 2016. Với việc đầu tư này, Vissan thực hiện sứ mệnh của mình là đón đầu nền công nghiệp chế biến thực phẩm đang phát triển, ở đó người tiêu dùng VN phải được sử dụng những sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

        Năm 2014 - năm bản lề của xu hướng sản xuất và tiêu dùng thực phẩm an toàn

* Là một nhà cung cấp thực phẩm lớn của TP, ông đánh giá thị trường năm 2014 sẽ diễn biến như thế nào?

* Năm 2014 là năm bản lề của xu hướng sản xuất và sử dụng thực phẩm an toàn. Ví dụ, trong ngành nông sản thì người tiêu dùng sẽ chọn sản phẩm theo quy trình VietGAP, nhưng trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc và thực phẩm chế biến thì người ta hướng tới truy suất nguồn gốc. Hiện Chính phủ cũng đang hướng tới vấn đề tái cấu trúc ngành nông nghiệp vì ngành này có đóng góp lớn cho GDP toàn xã hội. Triển vọng 2014 được thay đổi từ trong phương thức thực hiện của từng DN đến cả nền kinh tế quốc gia.

Để thực hiện và đáp ứng tốt, xu hướng liên kết giữa TPHCM và các tỉnh thành để hình thành quy trình chuỗi sản xuất cung ứng khép kín sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn. Vissan cũng không nằm ngoài quy trình này và đang tích cực triển khai liên kết để phát triển bền vững. Hiện Vissan đang hợp tác với các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, tới đây sẽ hợp tác với tỉnh Long An và Bến Tre để phát triển nguồn nguyên liệu cung ứng cho sản xuất và phân phối. Chính sự hợp tác này, chúng tôi sẽ định hướng lại cho các vùng nguyên liệu thay đổi đúng theo hướng hiện đại hóa và thị trường hóa.

Dây chuyền đóng gói mặt hàng xúc xích cung ứng cho thị trường Tết. Ảnh C.T.V.

Dây chuyền đóng gói mặt hàng xúc xích cung ứng cho thị trường Tết. Ảnh C.T.V.

* Nói như vậy là phải phân vai rõ, TPHCM là trung tâm tiêu thụ và chế biến nguyên liệu còn các tỉnh phải là nơi cung cấp nguyên liệu có chất lượng?

* Đúng như vậy, các tỉnh phải làm được nhiệm vụ là cung cấp nguyên liệu có chất lượng để cung cấp cho Vissan. Vấn đề cốt lõi của liên kết chính là tạo ra nguồn nguyên liệu có chất lượng, còn công nghệ chế biến thì ai cũng có. Do vậy, tái cấu trúc ngành nông nghiệp đòi hỏi có sự quy hoạch chiến lược lại từng ngành, từng vùng, từ đó phát huy thế mạnh của nhau để xây dựng được những vùng nguyên liệu trọng điểm. Nói đến cà phê phải nghĩ đến Tây Nguyên, miền Đông Nam bộ là công nghiệp chăn nuôi, thức ăn gia súc, còn ĐBSCL thì họ lại thuận về thủy hải sản và lúa gạo. Nhưng làm gì để các vùng, miền này phát huy tối đa lợi thế của mình và để người dân ngày càng giàu lên là cả một bài toán khó, ngành nông nghiệp cần có lời giải sớm.

* Gắn bó với ngành nông nghiệp từ nhiều năm qua, điều gì khiến ông trăn trở nhất?

* Điều khiến tôi trăn trở chính là chúng ta có rất nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp nhưng vẫn phải phụ thuộc quá nhiều vào thị trường bên ngoài. Điển hình như mặt hàng thịt bò.

Tháng 9-2013 vừa qua, Vissan đã tiến hành nhập khẩu bò từ Úc về giết thịt. Ngay sau đó, có quá nhiều ý kiến trái chiều nhau, cho rằng chúng tôi bán phá giá thịt bò trong nước. Điều này hoàn toàn sai vì giá bò trong nước là giá ảo, cao hơn nhiều so với giá bình thường và tôi bị áp lực tăng giá hàng ngày. Trong thâm tâm, việc nhập khẩu thịt bò làm tôi đau đáu trong lòng vì tôi là người Việt. Nhưng đây là việc không thể làm khác hơn vì người tiêu dùng cần được hưởng giá bán tốt hơn lẫn an toàn vệ sinh thực phẩm. Tại sao vậy? Năm 1980, giá 1kg thịt bò bằng 1/2 giá 1kg thịt heo; năm 1990 giá thịt bò bằng thịt heo; năm 2000 giá thịt bò gấp đôi thịt heo; năm 2010 giá thịt bò gấp 3 lần thịt heo. Chính điều này đã nói lên nhu cầu tiêu thụ thịt bò là rất lớn, trong khi khả năng cung ứng trong nước là vô cùng nhỏ bé vì sản lượng đàn bò chỉ đạt 6 triệu con, trong khi phía Úc là 25 triệu con. Ngay cả mặt hàng có thế mạnh trong xuất khẩu là gạo, thì giá trị của hạt gạo VN cũng không bằng một số nước khác. Đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại mình thật nghiêm khắc rồi tự chấn chỉnh thì ngành mới phát triển. Tôi tin rằng, nếu nguồn cung trong nước dồi dào, chắc chắn Vissan hay bất cứ một DN nào của VN cũng sẽ quay sang ủng hộ hàng nội địa.

        Lo ngại sức mua chưa hồi phục hoàn toàn

* Ông dự cảm kinh tế 2014 sẽ như thế nào? Và khó khăn trước mắt của Vissan là gì?

* Chính phủ đề ra chi tiêu trong năm 2014 GDP là 5,67% và CPI dưới 6%. Những con số này cho thấy kinh tế năm 2014 còn nhiều khó khăn, thách thức. Riêng với Vissan, khó khăn lớn nhất chính là sức mua chưa hồi phục hoàn toàn. Vissan có thể chủ động về nguồn vốn, con người và công nghệ vì nó trong tầm tay, nhưng Vissan không tự giải quyết toàn cục thị trường khi sức mua yếu. Để nâng mức cầu lên, đòi hỏi các nhà kinh tế phải nghiên cứu kỹ hơn các cơ chế, chính sách để tạo đà cho DN phát triển, từng bước khôi phục niềm tin thị trường. Điều quan trọng, CPI cần được nới rộng hơn để kích cầu, còn cứ giữ ở mức 6% sẽ rất khó cho sức mua. Tôi nghĩ CPI năm 2014 nên chấp nhận ở mức 8%. Theo đó, cần có các cơ chế kiểm soát tốt về giá cả thị trường, có gia giảm vừa phải trong từng thời điểm chứ không nên “cột” CPI cứng ngắt vào một con số nào đó.

* Trong quá trình điều hành, điều khiến ông tâm đắc nhất ở Vissan là gì? Kế hoạch phát triển của công ty trong năm 2014 ra sao?

* Điều khiến tôi vui đó là thương hiệu, sản phẩm của Vissan ngày càng được người tiêu dùng cả nước tín nhiệm. Vissan đã và đang thực hiện tốt chiến lược, đó là cung cấp nguồn thực phẩm dinh dưỡng, được truy xuất nguồn gốc đến mọi nhà. Đặc biệt, hơn 10 năm qua, Vissan là DN chủ lực, được lãnh đạo TP tin tưởng giao nhiệm vụ thực hiện chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn TPHCM. Đó là, dù “sống chung” với cuộc khủng hoảng kinh tế, nhưng Vissan vẫn mở rộng được mạng lưới tiêu thụ sản phẩm, đã thay đổi được cơ chế quản lý mạng lưới và huy động được lực lượng của toàn xã hội tham gia đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng.

Dự báo năm 2014, Vissan cũng chỉ đặt mục tiêu hoàn thành kế hoạch tăng trưởng từ 6%-7%. Vissan cũng sẽ nỗ lực nhiều hơn để hoàn thành sứ mệnh của mình là mang thức ăn sạch đến với người tiêu dùng. Tiếp tục đào tạo đội ngũ quản lý trẻ để tiếp cận và kế thừa cũng là nhiệm vụ trọng tâm của công ty trong năm 2014, bởi lẽ con người luôn là trung tâm của mọi thành công.

THÚY HẢI (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục