Cùng nhượng bộ
Theo thỏa thuận, 13 nước thành viên OPEC và 10 nước đối tác (còn gọi là OPEC+) đã đồng ý cắt giảm 9,7 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 5 và 6-2020. Kết quả này đạt được sau 4 ngày đàm phán căng thẳng. OPEC+ cũng tiếp tục từng bước cắt giảm sản lượng trong vòng 2 năm, cho đến tháng 4-2022. Ngoài ra, OPEC+ còn bày tỏ mong muốn các nhà sản xuất ngoài nhóm như Mỹ, Canada, Brazil và Na Uy cắt giảm thêm 5%, tương đương 5 triệu thùng/ngày.
Trước đó, trong cuộc họp trực tuyến ngày 9-4 của OPEC+, Saudi Arabia và Nga đã nhất trí sơ bộ về kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu thô khoảng 10 triệu thùng/ngày trong 2 tháng, từ ngày 1-5 tới. Cụ thể, Saudi Arabia sẽ giảm 3,3 triệu thùng/ngày, Nga giảm 2 triệu thùng/ngày, các thành viên khác trong OPEC+ giảm 5 triệu thùng/ngày.
Có thể thấy Saudi Arabia và Nga, 2 thành viên chủ chốt của OPEC+, đã có nhiều nỗ lực và đóng góp đáng kể vào kết quả nêu trên sau nhiều tuần đối đầu căng thẳng trong cuộc chiến giá dầu. Việc OPEC+ đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng đã mở ra hy vọng giá dầu thế giới sẽ sớm bật tăng trở lại. Giá dầu hiện nay sụt giảm chưa từng có kể từ năm 2002, xuống dưới ngưỡng 21 USD, so với con số 60 USD/thùng cách đó vài tuần.
Để tổ chức được những cuộc họp nhằm đi đến kết quả cuối cùng, Saudi Arabia và Nga đã chấp nhận nhượng bộ để nối lại đối thoại, chấm dứt cuộc chiến giá dầu và thị phần kéo dài hơn 1 tháng qua. Sau khi thông tin trên được công bố, thị trường dầu mỏ bật tăng trở lại sau nhiều phiên giảm giá sâu. Trong phiên giao dịch ngày 13-4, giá dầu WTI và giá dầu Brent giao tháng 5 đã có mức tăng hơn 3%, lên 22,68 USD/thùng và 31 USD/thùng.
Tránh được kịch bản tồi tệ
Mỹ, Nga, Saudi Arabia và Canada đều cho rằng việc đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mới đã thể hiện trách nhiệm ổn định thị trường dầu mỏ và hỗ trợ kinh tế toàn cầu. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết đã gửi lời cảm ơn và chúc mừng đến Tổng thống Nga Vladimir Putin và Quốc vương Saudi Arabia Salman, đồng thời nhận định thỏa thuận trên sẽ giúp đảm bảo hàng trăm ngàn việc làm trong ngành năng lượng tại Mỹ.
Trong khi đó, giới chức Mexico thông báo kể từ tháng 5 tới, nước này sẽ cắt giảm sản lượng dầu ở mức 100.000 thùng/ngày. Trước đó, nhóm OPEC+ đã đề nghị Mexico cắt giảm sản lượng 400.000 thùng/ngày, nhưng Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador không chấp thuận. Theo Bộ Năng lượng Mexico, Mỹ sẽ bù đắp mức giảm sản lượng của Mexico bằng việc cắt giảm thêm 300.000 thùng/ngày, nhiều hơn 50.000 thùng so với mức 250.000 thùng mà Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Mexico Lopez Obrador đã nhất trí trước đó.
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman cho biết, mức giảm thực sự của OPEC+ sẽ là 12,5 triệu thùng. Do Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Kuwait sẽ giảm thêm để bù vào mức tăng trong tháng 4. Các nguồn tin khác cho biết, các nước như Brazil, Canada, Indonesia, Na Uy và Mỹ sẽ cắt giảm thêm 4-5 triệu thùng dầu.
Theo các nhà phân tích thuộc Rystad Energy, dù mức giảm đã tương đương 10% nguồn cung toàn cầu chưa đủ để vượt qua tình trạng dư thừa nguồn cung tới 30% do đại dịch Covid-19, nhưng thị trường đã có thể tránh được kịch bản tồi tệ nhất. Có ý kiến cho rằng, mức cắt giảm này sẽ có tác động lớn trong nửa cuối năm và giúp giá dầu lên mức 40 USD/thùng cuối năm nay.