Công nghiệp ô tô Trung Quốc - Con đường dẫn đến thành công

Kỳ 1: Thời kỳ… “bòn rút” công nghệ

So với các nước có nền công nghiệp phát triển, công nghiệp ô tô Trung Quốc chỉ mới hình thành, phát triển chưa quá 20 năm nhưng đã làm nên một “bước đi dài” trên thế giới. Không chỉ có lợi thế sản xuất hàng loạt mà quốc gia này được biết đến với năng lực đặc thù đưa ra nhiều dòng ô tô có mẫu mã đẹp, giá rẻ, chất lượng…, đang ngày một chiếm lĩnh thị trường thế giới. Bí quyết nào đã đưa ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc đi đến con đường thành công? Chuyên trang Ô tô-Xe máy Báo SGGP giới thiệu đến bạn đọc những nét cơ bản về vấn đế này.
Kỳ 1: Thời kỳ… “bòn rút” công nghệ

So với các nước có nền công nghiệp phát triển, công nghiệp ô tô Trung Quốc chỉ mới hình thành, phát triển chưa quá 20 năm nhưng đã làm nên một “bước đi dài” trên thế giới. Không chỉ có lợi thế sản xuất hàng loạt mà quốc gia này được biết đến với năng lực đặc thù đưa ra nhiều dòng ô tô có mẫu mã đẹp, giá rẻ, chất lượng…, đang ngày một chiếm lĩnh thị trường thế giới. Bí quyết nào đã đưa ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc đi đến con đường thành công? Chuyên trang Ô tô-Xe máy Báo SGGP giới thiệu đến bạn đọc những nét cơ bản về vấn đế này.

  • Hấp dẫn thị trường

Kỳ 1: Thời kỳ… “bòn rút” công nghệ ảnh 1

Chỉ sau 1 năm mua dây chuyền nước ngoài, Tập đoàn Ô tô Lifan đã xuất xưởng xe Lifan 520 đang có mặt tại Việt Nam. Ảnh: NGUYỄN NGHĨA

Theo các nhà nghiên cứu thị trường, đến thời điểm này Trung Quốc đã chính thức trở thành thị trường xe hơi lớn thứ hai thế giới, vượt qua Nhật Bản và chỉ chịu đứng sau “người khổng lồ” Mỹ.

Được biết, đây chính là hệ quả tất yếu từ chính sách mở cửa và là điều dễ hiểu bởi đây là thị trường có số dân lớn nhất thế giới. Một nghiên cứu gần đây của tạp chí People & Society cho biết, hiện tại thủ đô Bắc Kinh cứ mỗi ngày có khoảng 1.000 chiếc xe mới được đăng ký.

Năm 2006, lượng xe sản xuất và bán tại Trung Quốc đã vượt quá con số 7 triệu, giữ vững tốc độ tăng trưởng 30% một năm. Theo dự báo đến năm 2010, con số này sẽ tăng lên 10 triệu chiếc. Nói về vấn đề hấp dẫn thị trường, Stephan Winkelman, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành thương hiệu Lamborghini nổi tiếng của Italia, cho rằng: “Có tới hơn 300.000 triệu phú tại Trung Quốc, đây là con số khá lớn để chúng tôi quan tâm tới thị trường này…”.

Trong 9 tháng đầu năm 2006, doanh số tiêu thụ xe con tại đất nước này đã tăng gần 27% só với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần là một thị trường tiêu thụ lớn, Trung Quốc sẽ không bao giờ “được” các nhà sản xuất Mỹ, Nhật lo sợ tới vậy. Khi bán xe ngày càng nhiều, lãi thu về ngày càng lớn thì những “gã khồng lồ” như General Motors (GM), Ford, Chrysler, Toyota… càng lo xa khi nhận ra rằng Trung Quốc không hoàn toàn là “mật ngọt”. Bỡi lẽ, hiện đã có hàng loạt hãng xe của nước này tuyên bố sẽ xâm nhập châu Âu và Mỹ bằng dòng ô tô giá rẻ. Gần đây nhất đã có nhiều nhà sản xuất bắt đầu chinh phục thị trường châu Á, trong đó có cả Việt Nam.

Vậy đâu là con đường mà chính phủ nước này chọn để xây dựng một ngành công nghiệp ô tô hùng mạnh khi phải đi sau gần 100 năm so với thế giới và từ con số không? Theo Graeme Maxtor, chuyên gia phân tích thị trường Singapore nhận xét: “Những nhà lãnh đạo Trung Quốc có những nước cờ kiểu gì họ cũng giành phần thắng.

Đó không phải là bí quyết, không phải kế hoạch tuyệt mật mà hoàn toàn công khai nhưng đối thủ vẫn không thể phản đòn. Nói trắng ra, ngành công nghiệp ô tô nước này đã, đang và sẽ bòn rút công nghệ của đối tác rồi cạnh tranh với chính các đối tác đó….”. Điều gì đã khiến các hãng sản xuất sừng sỏ nhất thế giới, lâu đời và lọc lõi trên thương trường không thể có cách ứng phó? Hoàn toàn không phải như vậy.

Các hãng xe đủ thông minh để nhận ra điều đó nhưng sức hấp dẫn của thị trường tiềm năng có tới hơn 1 tỷ dân khiến họ không thể đứng ngoài. Năm 2001, lượng xe bán ra tăng 17% so với 2000 còn sang 2002, tốc độ đó là trên 30%. Những con số tăng trưởng mạnh mẽ đủ làm lóa mắt nhiều lãnh đạo các hãng lớn và thúc họ chấp nhận mọi giá để nhảy vào. Thậm chí, ngay sau khi có giấy phép năm 2002, tập đoàn nhỏ như Hyundai cũng không ngần ngại bỏ ra 100 triệu USD xây dựng nhà máy và lên kế hoạch đầu tư 1,1 tỷ USD đến 2010.

  • “Bòn rút” công nghệ

Có thể như đã nắm được tâm lý đó, chính phủ Trung Quốc đã ra nhiều quy định như các hãng xe nước ngoài không được sở hữu quá 50% số vốn trong liên doanh, đồng thời, muốn vào thị trường này, các hãng bắt buộc phải liên doanh với một nhà sản xuất trong nước chứ không được thành lập công ty riêng. Theo các nhà phân tích chiến lược, những quy định mang tính chiến lược này là điều tiên quyết cho thành công, bởi cùng một nhà sản xuất Trung Quốc có thể liên doanh với nhiều nhà sản xuất khác nhau.

Khi đó, sự cạnh tranh của các hãng nước ngoài là cơ hội để các hãng trong nước đục khoét kiểu “ngư ông đắc lợi”. Điển hình nhất cho trường hợp này là tập đoàn công nghiệp xe hơi Thượng Hải khi cùng lúc liên doanh với cả GM và Volkswagen. Để rồi khi hai gã khổng lồ-lớn nhất thế giới và lớn nhất châu Âu, cạnh tranh nhau, Thượng Hải ung dung chiếm lĩnh những mẫu mã mới, công nghệ mới, thiết bị mới mà GM và Volkswagen đổ vào liên doanh.

Chỉ cần có vậy, Trung Quốc nghiễm nhiên có cả hai công nghệ, mẫu mã của châu Âu và Mỹ. Thực tế là, ngay sau khi đâm lao cùng GM, Volkswagen gặp ngay một đối thủ 100% vốn trong nước, mang cái tên “lạ hoắc” và đến từ tỉnh An Huy là Chery Automobile. Xe của Chery không lạ lẫm với Volkswagen bởi nó giống hệt với mẫu Jetta mà hãng đang bán rất chạy, quan trọng hơn xe của Chery có giá thấp hơn Jetta rất nhiều.

Nhờ đó, doanh số của Chery năm 2002 tăng 220% so với năm 2001 và hiện tại, hãng này đang đứng đầu trong các hãng xe nội địa với thị phần 7%. Một bài học “quá đắng” cho tập đoàn sừng sỏ châu Âu. Không chỉ có Volkswagen mà ngay cả GM cũng gặp rắc rối khi Chery có chiếc QQ giống hệt Daewoo Matiz ở Việt Nam hay Chevrolet Matiz ở Trung Quốc.

Còn Toyota cũng từng vướng vào pháp lý khi đâm đơn kiện nhãn hiệu Merry của Geely, tập đoàn xe hơi sừng sỏ của Trung Quốc, giống hệt với logo 3 hình elipse của Toyota. Giống như Hàn Quốc và Nhật Bản, Trung Quốc không bao giờ để cho thị trường xe hơi rơi vào tay các tập đoàn đa quốc gia. Có thể nhận ra rằng, sức mạnh chiếm lĩnh thị trường hiện nay không nằm trong tay các tập đoàn nước ngoài mà thuộc về các công ty Trung Quốc, đối tác địa phương trong các liên doanh. Tính cuối năm 2005, các hãng xe nội địa Trung Quốc chiếm tới 28,7% thị phần, đủ khả năng khống chế thị trường trong nước và vươn tới xuất khẩu. 

NGHĨA NHÂN

Tin cùng chuyên mục