Palestine dưới sự lãnh đạo của Hamas

Palestine dưới sự lãnh đạo của Hamas
  • Chân dung tổ chức Hamas

Hamas là tổ chức vũ trang Hồi giáo lớn nhất của Palestine, được thành lập năm 1987 khi người Palestine bắt đầu nổi dậy chống lại sự chiếm đóng của Israel ở khu Bờ Tây và dải Gaza. Ông Khaled Meshaal hiện đang sống ở căn cứ bí mật ở Syria hoặc Lebanon là nhà lãnh đạo cao nhất của tổ chức này.

Palestine dưới sự lãnh đạo của Hamas ảnh 1

Giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei (phải) tiếp Khaled Meshaal, thủ lĩnh Hamas tại Tehran ngày 20-2-2006.

Hamas là viết tắt của chữ Harakat al-Muqawama al-Islamiya  có nghĩa là Phong trào kháng chiến Islam. Nhưng Hamas tiếng Arab cũng có nghĩa là “máu nóng”. Là nhóm chủ trương đấu tranh vũ trang giành độc lập cho người Palestine, nhưng Hamas khác với các nhóm Jihad, Lữ đoàn Tử vì đạo al-Aqsa ở chỗ không chỉ có biện pháp quân sự mà Hamas còn biết làm chính trị.

Công tác tuyên truyền và tuyển mộ thanh niên Palestine vào phong trào của Hamas được xem là rất tốt. Hamas còn làm công tác từ thiện ở dải Gaza và khu Bờ Tây như xây trường học, bệnh viện và thực hiện các dự án xã hội như nuôi trẻ mồ côi, cung cấp nước… Mặc dù Hamas không công khai thừa nhận nhưng phương Tây cho rằng tổ chức này cũng có chi nhánh ở nước ngoài, như ở Jordan, Syria, Iran, Libya…

Trong chiến dịch tranh cử, Hamas biết khai thác triệt để thế yếu của đảng Fatah cầm quyền là bất lực và tham nhũng. Trong cuộc chiến đấu với Israel, Hamas cũng giành được nhiều thắng lợi quân sự, mặc dù một số vụ nổ bom liều chết của Hamas gây thương vong cao cho dân thường khiến Hamas bị phương Tây xếp vào nhóm khủng bố. Điển hình là tháng 2 và 3-1996, Hamas đã tiến hành một số cuộc đánh bom liều chết vào các xe buýt, làm chết gần 60 người Israel, để trả thù cho vụ Israel ám sát nhà chế tạo bom của Hamas là Yahya Ayyash hồi tháng 12-1995. Nhưng đối với người dân Palestine và Arab, Hamas được coi là các chiến binh dũng cảm.

Mục tiêu ngắn hạn của tổ chức này là đuổi hết lực lượng Israel ra khỏi các lãnh thổ bị chiếm đóng bằng các cuộc tấn công vào binh lính Israel và những người dân Do Thái định cư trên lãnh thổ của người Palestine. Mục tiêu dài hạn là thiết lập một quốc gia Hồi giáo trên khắp lãnh thổ lịch sử của Palestine - phần lớn thuộc lãnh thổ Israel sau khi nhà nước Do Thái được thành lập năm 1948.

  • Thách thức đối với chính quyền nhà nước Palestine do Hamas đứng đầu
Palestine dưới sự lãnh đạo của Hamas ảnh 2
Đám đông biểu tình ủng hộ Hamas tại Jerusalem.

Ngày 19-2, nhóm vũ trang Hamas đã chính thức bổ nhiệm Ismail Haniyeh- một thủ lĩnh cấp cao của Hamas ở dải Gaza, làm Thủ tướng mới của nhà nước Palestine, đánh dấu việc tổ chức này bước vào điều hành đất nước. Nhưng khó khăn và thách thức của chính quyền nhà nước Palestine do Hamas đứng đầu rất lớn.

Thứ nhất là  đường lối cực đoan chống Israel.  Hãy nghe  Muhammad Abu Tir, cựu binh Hamas, người đứng thứ 2 trong danh sách ứng viên Hamas kỳ bầu cử vừa qua, nói: “PLO (Tổ chức giải phóng Palestine ) đã thương lượng với Isarel suốt 30 năm qua nhưng chẳng được gì cả. Shimon Peres (cựu Thủ tướng Israel) có nói nếu Hamas buông vũ khí thì sẽ thương lượng với Hamas. Israel cũng nói y như vậy đối với PLO trước đây. Vậy phải chăng Shimon Peres muốn thêm 30 năm nữa để chúng tôi  chạy theo thương lượng với họ hay sao?”.

Hamas rõ ràng không tin tưởng vào đàm phán với Israel. Thậm chí, hồi tháng 12-2002, trong dịp lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Hamas, nhà lãnh đạo tinh thần, Sheikh Ahmad Yassin, còn quả quyết rằng quốc gia Israel sẽ bị tiêu diệt vào năm 2025. Thù oán giữa Hamas và Israel rất sâu. Người sáng lập tổ chức Hamas, ông Sheikh Yassin đã bị đặc nhiệm Israel giết trong một cuộc tấn công bằng tên lửa ngày 22-3-2004, sau lần bị giết hụt trước đó 6 tháng.

Tiếp sau vụ ám sát ông Sheikh Yassin, ông Rantissi nổi lên như một nhà lãnh đạo của Hamas ở Gaza nhưng ngay sau đó, ông này cũng bị ám sát ngày 17-4-2004. Trong số các quan chức cấp cao của Hamas đã bị Israel giết còn có ông Ismail Abu Shanab (tháng 8-2003), và ông Salah Shehada, chỉ huy Lữ đoàn Izzedine al-Qassam (hồi tháng 7-2002)…

Nếu chính phủ Palestine do Hamas lãnh đạo tiếp tục phủ nhận Israel, tiến trình hòa bình Trung Đông sẽ bế tắc và bạo lực lại nối tiếp bạo lực.

Khó khăn thứ hai là Hamas chưa có kinh nghiệm quản lý một nhà nước. Phát biểu của các thủ lĩnh tổ chức này chủ yếu là những lời lẽ chung chung như khẩu hiệu. Đối với hàng loạt các vấn đề chính trị quan trọng, Hamas chưa hề có chủ trương rõ ràng như: Làm thế nào để thành lập một chính phủ mới Palestine đoàn kết rộng rãi? Hamas cũng còn phân vân về việc có thực thi bộ luật “sharia” hà khắc của đạo Hồi hay không? Hamas có công nhận Israel hay không? Lực lượng dân quân của Hamas sẽ gia nhập vào lực lượng an ninh của chính quyền Palestine? Hamas sẽ nhượng bộ thế nào để tiếp tục nhận được viện trợ của nước ngoài? v.v...

Ngoài ra, trong nội bộ Hamas còn tồn tại nhiều bất đồng. Tổ chức này quyết định mọi việc bằng nguyên tắc nhất trí, và giữ bí mật tên tuổi của các nhà lãnh đạo vì lo ngại bị Israel ám sát. Nội bộ Hamas cũng chưa nhất quán về nhiều vấn đề. Trả lời phỏng vấn nhật báo Nezavisimaya Gazeta của Nga số ra ngày 13-2, thủ lĩnh của phong trào Hồi giáo Hamas Khaled Meshaal cho biết Hamas sẽ chấm dứt cuộc đấu tranh vũ trang chống Israel  nếu quốc gia Do Thái này rút quân khỏi tất cả các vùng lãnh thổ chiếm đóng của người Palestine.

Trong tuyên bố trước đó, ông Meshaal nói rằng Hamas có thể đồng ý “ngừng bắn lâu dài” với Israel  nếu nước này sẵn sàng quay lại đường biên giới năm 1967 và công nhận các quyền tự quyết của người Palestine. Nhưng vài ngày sau chính ông Meshal lại nhấn mạnh Hamas  sẽ không từ bỏ quyền kháng chiến chống ách chiếm đóng của Israel… Nhóm nghị sĩ đứng đầu là ông Atef Adwan cho rằng Bộ luật sharia của đạo Hồi nên được coi là một nguồn chính của luật pháp Palestine. Nhưng nhóm của ông Muhammad Abu Tir, một nghị sĩ của Hamas từ Jerusalem thuộc về trường phái Hanafi, trường phái tự do nhất của Hồi giáo dòng Sunni, lại cam đoan rằng  Bộ luật sharia chỉ là một nguồn tham khảo.

DÂN HOÀNG
(Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục