Ngày 23-9 tới, nhân kỳ họp lần thứ 66 của Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Palestine Abbas sẽ đệ đơn chính thức xin gia nhập LHQ và đề nghị trở thành một quốc gia độc lập, bất chấp sự phản đối gay gắt của Mỹ và Israel. Palestine khẳng định vẫn sẵn sàng cân nhắc các ý tưởng ngoại giao khác.
Ngăn cản và đe dọa không ít
Một trong những quốc gia phản ứng dữ dội nhất kể từ sau khi Palestine tuyên bố muốn trở thành Nhà nước độc lập là Israel. Ngày 15-9, Ngoại trưởng Israel Avigdor Lieberman lên tiếng cảnh báo Palestine sẽ phải hứng chịu những “hậu quả nghiêm trọng” khi đệ đơn lên LHQ để trở thành quốc gia độc lập.
Nội các của Thủ tướng Israel Netanyahu đã gửi thư tới nhiều lãnh đạo nước ngoài yêu cầu bỏ phiếu chống lại đề nghị thành lập Nhà nước Palestine độc lập. Lý do của ông Netanyahu là việc Palestine đơn phương yêu cầu công nhận Nhà nước Palestine độc lập sẽ phá hỏng tiến trình hòa bình Trung Đông.
Các nhà phân tích cho rằng, một trong những nguyên nhân chính là Tel Aviv không muốn trả lại các vùng đất của người Arập do họ chiếm đóng trái phép cũng như không muốn người Palestine sinh sống trên lãnh thổ thiêng liêng của mình. Trong các cuộc đàm phán về tiến trình hòa bình Trung Đông, Tel Aviv cũng từng nhiều lần tuy ngoài miệng tuyên bố rất mong muốn hòa bình với người Palestine, nhưng thực tế lại bật đèn xanh cho việc tiếp tục xây dựng các khu định cư Do Thái trên vùng đất chiếm đóng của người Arập.
Theo AFP, Mỹ cũng bày tỏ những động thái phản đối gay gắt. Nhiều nghị sĩ Mỹ đã cảnh báo Palestine sẽ bị cắt các khoản viện trợ hàng triệu USD nếu tiếp tục có ý định tuyên bố độc lập. Bộ Ngoại giao Mỹ còn gửi một thông điệp ngoại giao chính thức đến hơn 70 nước hối thúc chính phủ những quốc gia này phản đối bất kỳ động thái đơn phương nào của Palestine tại LHQ.
Mỹ cũng lập luận rằng, một cuộc bỏ phiếu sẽ làm mất ổn định khu vực và làm suy yếu các nỗ lực hòa bình, cho dù các nỗ lực này đang hấp hối. Chính quyền Tổng thống Mỹ Obama cũng đe dọa sẽ dùng quyền phủ quyết của mình bác bỏ mọi nỗ lực giành độc lập mà không thông qua đối thoại với Israel của Palestine.
Trong khi đó, các phái viên của Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) và “Bộ Tứ” về hòa bình Trung Đông đã mở cuộc đàm phán với các lãnh đạo của Palestine và Israel trong một nỗ lực nhằm đưa hai bên quay lại các cuộc hòa đàm trực tiếp vốn bị đình trệ một năm trước đây.
Ủng hộ cũng nhiều
Về phần mình, Tổng thống Abbas khẳng định nhiều sức ép không thể ngăn cản việc Palestine trở thành một quốc gia độc lập. Do đó, thời gian qua, giới chức Palestine đã thông qua nhiều kênh ngoại giao như đàm phán, diễn đàn quốc tế... tranh thủ vận động cho quyết tâm của họ. 112 tổ chức phi chính phủ tại Palestine cũng tuyên bố ủng hộ đề nghị trở thành một quốc gia độc lập của chính quyền ông Abbas.
Tính đến ngày 15-9, đã có 127 nước thành viên LHQ tuyên bố sẽ ủng hộ nghị quyết của LHQ công nhận Nhà nước Palestine tuyên bố độc lập dựa trên những đường biên giới trước cuộc “Chiến tranh sáu ngày” năm 1967. Theo đó, lãnh thổ của Palestine bao gồm Gaza, khu Bờ Tây và Đông Jerusalem. Vì thế, cho dù có sự phản đối của Israel và Mỹ - quốc gia có quyền phủ quyết trong HĐBA LHQ, việc Palestine được công nhận độc lập là điều có khả năng xảy ra.
Tuy nhiên, trong nội bộ Palestine đang nảy sinh bất đồng mới. Phía Hamas cho rằng hậu quả của việc đề nghị LHQ công nhận Nhà nước Palestin cũng đồng nghĩa với việc công nhận các đường biên giới của Israel và Nhà nước Palestine sẽ chỉ tồn tại ở Bờ Tây và dải Gaza, là những vùng lãnh thổ bị Israel chiếm đóng trong cuộc chiến tranh 1967, chứ không phải toàn bộ Palestine lịch sử như Hamas mong muốn.
Bên cạnh đó, một khi Nhà nước Palestine được công nhận, lực lượng vũ trang Palestine sẽ không được phép bắn một viên đạn nào vào lực lượng chiếm đóng Israel.
Thanh Hằng