PCI và “thương hiệu chính quyền”

Đồng Tháp vừa được xếp hạng 2/63 tỉnh, thành phố về “Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh” (PCI) năm 2015. Vậy là Đồng Tháp lại tiếp tục đứng trong nhóm đầu cả nước nhiều năm liền về chỉ số đo lường chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền, do cộng đồng doanh nghiệp đánh giá.

Đồng Tháp vừa được xếp hạng 2/63 tỉnh, thành phố về “Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh” (PCI) năm 2015. Vậy là Đồng Tháp lại tiếp tục đứng trong nhóm đầu cả nước nhiều năm liền về chỉ số đo lường chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền, do cộng đồng doanh nghiệp đánh giá.

Một niềm vui lan tỏa, ấm áp vì một “Thương hiệu Đồng Tháp - PCI” dần được khẳng định. Đây chắc chắn không phải điều ngẫu nhiên mà là thành quả của cả hệ thống luôn kiên trì, đồng thuận, đồng lòng hướng tới tinh thần đồng hành cùng xã hội vì sự thịnh vượng chung của doanh nghiệp và địa phương. Nhân sự kiện vui này, chúng ta hãy thử bàn về cái gọi là “Thương hiệu” và “Thương hiệu chính quyền”.

Khái niệm “thương hiệu” mới chỉ biết đến cách đây không lâu khi đất nước đi vào nền kinh tế thị trường, bắt đầu từ “thương hiệu sản phẩm” rồi đến “thương hiệu doanh nghiệp”. Và cũng như những ưu việt khác, trong quản trị doanh nghiệp, người ta đưa những khái niệm đó vào nền hành chính công và từ đây bắt đầu có “thương hiệu quốc gia”, “thương hiệu địa phương” và “thương hiệu chính quyền”.

Có nhiều định nghĩa về “thương hiệu”, nhưng có một cách diễn giải hết sức dễ thương, gần gũi: “Thương hiệu là cái hiệu để người ta thương” và mỗi khi nhớ đến, nhắc đến nó, đều gợi cho mọi người nghĩ về những ấn tượng tốt đẹp. Như vậy, “thương hiệu” chính là niềm tin của khách hàng vào chất lượng sản phẩm, dịch vụ được cung cấp. Trên thế giới, người ta đã vận hành theo mô hình “Nhà nước doanh nghiệp”, xem Nhà nước như một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công cho xã hội. Nói một cách dễ hiểu hơn, Nhà nước là người “bán dịch vụ công” và xã hội là khách hàng “mua dịch vụ công”. Và trong mối quan hệ như vậy, “người bán” phải nghĩ như thế nào để tối ưu hóa tiện ích cho khách hàng, làm hài lòng khách hàng với những sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao nhất, chi phí thấp nhất; “người mua” phải luôn có niềm tin rằng, “người bán” sẽ giao cho mình đúng món hàng, đúng thời gian, đúng giá với một lời cám ơn, một nụ cười thân thiện như lời cam kết.

Trong các dịch vụ của chính quyền, quan trọng nhất là đất đai, nhà ở, hạ tầng, công ăn việc làm, học hành, chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm, an ninh trật tự...  Ngoài ra, một nhiệm vụ “mềm” nhưng cần thiết của chính quyền là tạo niềm tin vào tương lai cho khách hàng bằng sự minh bạch, thân thiện, trung thực và sáng tạo. Một khi, niềm tin của khách hàng - xã hội được lan tỏa trong địa phương, cũng sẽ dần lan tỏa ra ngoài địa giới hành chính của địa phương đó. Khi có niềm tin về một môi trường thân thiện, minh bạch, người dân sẽ là nhà đầu tư chính, sẵn sàng bỏ vốn tham gia sản xuất kinh doanh ở tất cả những lĩnh vực có cơ hội, và khi đó, chính quyền đóng vai trò kiến tạo ra môi trường để xã hội vận động liên hoàn. Hơn thế nữa, khi niềm tin được kiểm chứng từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, người dân và cộng đồng doanh nghiệp địa phương sẽ trở thành nhà vận động đầu tư có sức mạnh đôi khi còn cao hơn các chính sách kêu gọi đầu tư của chính quyền.

Như vậy, “Thương hiệu Đồng Tháp - PCI” không chỉ mang tính chất động viên cổ vũ của cộng đồng doanh nghiệp đối với chất lượng hoạt động của chính quyền, mà sâu xa hơn, chúng ta đã xây dựng được niềm tin trong lòng xã hội. Một khi niềm tin đó biến thành “hình ảnh địa phương, thương hiệu địa phương”, sẽ trở thành sức mạnh tổng hợp, nếu được cộng hưởng thêm những tác động đồng bộ khác.

“Bỏ tự ti, giảm tự tôn, tăng tự tin, biết tự hào” luôn là phương châm hành động của mỗi chúng ta.

LÊ MINH HOAN

Tin cùng chuyên mục