Phá cách trong dịch vụ tài chính

Khủng hoảng kinh tế - tài chính khiến việc các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày càng khó tiếp cận nguồn vốn vì mối lo rủi ro tài chính từ các ngân hàng lớn. Nhiều người trẻ, có kiến thức nhất định trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng đã tìm lối rẽ riêng cho mình, vừa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp vừa bảo đảm được cho các nhà đầu tư tổ chức. Tuy nhiên, ẩn sau đó vẫn có những rủi ro nhất định.
Phá cách trong dịch vụ tài chính

Khủng hoảng kinh tế - tài chính khiến việc các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày càng khó tiếp cận nguồn vốn vì mối lo rủi ro tài chính từ các ngân hàng lớn. Nhiều người trẻ, có kiến thức nhất định trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng đã tìm lối rẽ riêng cho mình, vừa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp vừa bảo đảm được cho các nhà đầu tư tổ chức. Tuy nhiên, ẩn sau đó vẫn có những rủi ro nhất định.

  • Buôn hóa đơn

Theo New York Times, Anil Stocker (28 tuổi), tốt nghiệp Đại học Cambridge đã thôi việc tại Ngân hàng Lehman Brothers chỉ vài tháng trước khi ngân hàng này sụp đổ năm 2008. Một năm sau đó, Stocker cũng rời ngân hàng đầu tư của Cogent Partners để bắt tay cùng hai người bạn từng làm việc ở các ngân hàng lớn: JPMorgan Chase and Goldman Sachs để lập ra MarketInvoice. Công ty này hoạt động với mục tiêu khai thác những bộ phận khách hàng không được phục vụ tận tình tại các ngân hàng, cụ thể là những doanh nghiệp nhỏ bị từ chối tín dụng vì bị cho là có quá nhiều rủi ro tài chính. Để giúp những công ty này tiếp cận được với vốn tiền mặt, Stocker và các cộng sự của mình đã thành lập ra một thị trường trực tuyến để các doanh nghiệp nhỏ có thể mời thầu các hợp đồng cung cấp vốn dài hạn cho họ.

Anil Stocker và mô hình MarketInvoice được giới thiệu trên tạp chí của Viện quản lý tín dụng (Anh).

Anil Stocker và mô hình MarketInvoice được giới thiệu trên tạp chí của Viện quản lý tín dụng (Anh).

Những người sáng lập ra MarketInvoice đã thai nghén đứa con đầu lòng của mình trong 1 năm rưỡi gồm khoảng thời gian vạch kế hoạch chi tiết và huy động 1 triệu bảng Anh từ các nhà đầu tư để làm cơ sở cho hoạt động. Ra đời vào tháng 2-2011, MarketInvoice là công ty kỹ thuật tài chính của Anh, cũng là nơi đầu tiên ở châu Âu thực hiện dịch vụ chợ trực tuyến cho phép các công ty bán các hóa đơn chưa thanh toán để thu về nguồn vốn lưu động.

Theo đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ liên kết theo từng nhóm với nhau để bán đấu giá các hóa đơn chưa thanh toán của họ có kèm chiết khấu cho những nhà đầu tư tổ chức (như các quỹ đầu tư, công ty chứng khoán, ngân hàng, công ty đầu tư tài chính, công ty bảo hiểm, công ty có bộ phận đầu tư chứng khoán…) thông qua mạng trực tuyến của MarketInvoice tại địa chỉ http://marketinvoice.com/. Các nhà đầu tư sẽ bỏ thầu bằng tiền mặt để sở hữu các hóa đơn trên, với một khoản phí chi trả cho trung gian MarketInvoice. Tính đến ngày

7-10 vừa qua, thông qua MarketInvoice, hơn 30 triệu bảng Anh đã được huy động để cung cấp cho các doanh nghiệp.

Dù hoạt động chưa được 2 năm, nhưng MarketInvoice đã được công nhận rộng rãi và là một trong những địa chỉ uy tín. Công ty này đã có mặt tại bảng xếp hạng chung kết của nhiều cuộc thi như: Sáng tạo kinh doanh của năm 2011 do Tạp chí Startuo bình chọn, Nhà cung cấp nguồn quỹ thay thế của năm 2012 do Tạp chí Business Money tổ chức, giữ vị trí 18 trong số các công ty trẻ khởi nghiệp sáng tạo nhất Anh quốc năm 2012 do trang Startups.co.uk bình chọn.

  • Phá vỡ trật tự tài chính truyền thống

Xuất phát từ thực tế các doanh nghiệp vừa và nhỏ khát vốn kinh doanh, nhiều công ty ở London, trung tâm tài chính của châu Âu đang tìm cách phá vỡ trật tự tài chính thông thường trong bối cảnh việc làm ở ngành tài chính ở London được dự đoán sẽ cắt giảm khoảng 25.000 việc làm trong năm nay. Đó là việc tạo ra những dịch vụ thay thế như giao dịch ngoại tệ chi phí thấp hay là những cách tiếp cận vốn mới đối với doanh nghiệp nhỏ.

Ngoài MarketInvoice còn có một mô hình được nhiều công ty hướng theo. Đó là mô hình hoạt động như trang Wonga.com, ngân hàng trực tuyến thành lập năm 2006. Wonga.com đã lấp được khoảng trống thị trường mà các ngân hàng lớn với quy chế nghiêm ngặt để lại: Cung cấp các khoản vay ngắn hạn, lãi suất cao cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhỏ. Mặt tích cực là đáp ứng được nguồn vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh, sản xuất của những doanh nghiệp vừa và nhỏ có thực lực nhưng yếu về vốn. Tuy nhiên, mặt trái của công ty này là đã đưa ra những khoản vay có lãi suất tính nếu tính theo năm có thể lên tới 4.200%, mặc dù Wonga.com nói rằng hãng này chỉ cho vay trong tối đa 30 ngày.

Thủ tục cho vay của Wonga.com khá đơn giản, chỉ dựa vào dữ liệu trực tuyến của khách hàng. Với những khoản vay ngắn hạn có giá trị dưới 1.000 bảng Anh, khách hàng không cần phải đăng ký số fax. Dịch vụ nhanh chóng, phục vụ 24/24 và chỉ mất 15 phút để sắp xếp.

Với xuất phát điểm phục vụ cho cho vay tiêu dùng, từ tháng 10-2007, Wonga.com đã mở rộng các chương trình cho vay ngắn hạn sang cho các doanh nghiệp, vốn gây nhiều tranh cãi. Hiện nay, một ông chủ doanh nghiệp có thể làm hồ sơ vay 10.000 bảng Anh từ chương trình vay kinh doanh “Wonga for Business” và nhận được tiền chỉ 15 phút sau đó. Nhưng cái giá phải trả là rất khắc nghiệt, không khác hình thức vay nóng phi pháp.

Theo Daily Mail, lấy một ví dụ cụ thể, nếu một doanh nghiệp tín dụng kém muốn vay 7.500 bảng trong vòng 1 năm, lãi suất có thể lên đến 7.800 bảng. Tính luôn các loại phí, tổng số tiền mà doanh nghiệp phải trả trong vòng 1 năm có thể lên đến 15.675 bảng. Thực tế, nhiều doanh nghiệp không thể trả được lãi suất theo tuần, hậu quả là lãi chồng lãi, họ càng lún sâu vào nợ nần.

Với cách thức kinh doanh vốn nóng này, lợi nhuận của Wonga đã tăng 269%, lên 45,8 triệu bảng Anh, sau khi tổng giá trị các khoản vay của công ty này đã tăng 4 lần so với năm trước đó. Wonga đang dự kiến cho một cuộc IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu) trị giá hàng tỷ USD trên sàn Nasdaq.

Chuyên viên Robert Dighero của hãng đầu tư vốn mạo hiểm London Passion Capital cho rằng: “Các ngân hàng đã không quan tâm lắm đến vai trò sáng tạo các gói sản phẩm cung cấp cho người tiêu dùng. Đây là khoảng trống để các doanh nghiệp trẻ tận dụng đối tượng có thể mang lại nguồn thu đáng kể cho họ. Đã đến lúc các ngân hàng truyền thống nghĩ đến những dịch vụ thay thế cho những dịch vụ đã hết thời”.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) có tầm quan trọng ngày càng lớn vì phạm vi hoạt động của họ ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế thế giới. Theo Cơ quan quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ thì SMEs chiếm tới 90% số lượng doanh nghiệp trên thế giới và 40%-50% GDP của các nước. (www.smeworld.org)

NHƯ QUỲNH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục